Níu tình bằng cái chết

Khi tình yêu, tình nghĩa và sự tôn trọng ra đi, thì cuộc hôn nhân đã không còn những nền tảng vững chắc để tồn tại, và lúc này, chia tay là một chuyện nghiêm túc cần bàn đến. Thế nhưng, với nhiều người, hành xử của họ khi chẳng còn gì để mất là... lấy sinh mạng mình ra để níu kéo, khiến người kia phải khó xử, thậm chí gây ra những hậu quả nặng nề.

Khi tình yêu, tình nghĩa và sự tôn trọng ra đi, thì cuộc hôn nhân đã không còn những nền tảng vững chắc để tồn tại, và lúc này, chia tay là một chuyện nghiêm túc cần bàn đến. Thế nhưng, với nhiều người, hành xử của họ khi chẳng còn gì để mất là... lấy sinh mạng mình ra để níu kéo, khiến người kia phải khó xử, thậm chí gây ra những hậu quả nặng nề.

Những người thích dọa

Muốn ly hôn với vợ đã hơn một năm, nhưng anh Trần Thiện Hảo (Cai Lậy, Tiền Giang) không thể nào thực hiện được, lý do là bất cứ khi nào anh Hảo đưa tờ đơn ly hôn ra là chị Mỹ Linh, vợ anh lại dọa tự vẫn trước mặt anh.

Anh Hảo tâm sự với bạn bè, anh và vợ anh đã hết tình từ hai năm nay. Vợ anh là người quá ghen, ghen đến mức như người bệnh, anh đi làm, cứ vài tiếng đồng hồ vợ lại gọi một lần để kiểm tra anh đang làm gì. Anh đi đâu cũng khó khăn vì bị vợ cấm cản, còn hễ anh nói chuyện với phụ nữ, bất kể đồng nghiệp hay bà con, vợ anh đều ghen tuông khóc lóc.

Bị vợ vây bủa mọi lúc mọi nơi, khuyên hoài không thay đổi, lâu ngày anh sinh ra chán nản, rồi tình yêu cũng chết dần. Lần đầu anh đề cập đến chuyện ly hôn, vợ anh bị sốc, chạy thẳng đến đập đầu vào tường nhà, máu chảy túa lua, khiến anh một phen hoảng vía.

Rồi sau đó, bằng nhiều cách năn nỉ, thuyết phục, anh đều nhận được phản ứng khăng khăng "đòi chết" của vợ. Anh Hảo giờ đây sống trong cảnh vừa khổ sở vừa chán nản, nhưng không biết phải làm sao để thoát ra.

Đừng tưởng những phản ứng tiêu cực như thế chỉ diễn ra ở phía các bà vợ, những người thuộc về phái yếu, sống phụ thuộc với chồng con. Nhiều người chồng cũng có thói quen dọa chết để vợ không rời bỏ mình.

Chị Cao Thị Mỹ Dung (Gò Vấp, TPHCM) phát hiện ra chồng mình ngoại tình với một tiếp viên quán nhậu, gần công ty anh ta làm việc. Là người phụ nữ quyết đoán, chị Dung đã lập tức quyết định ly hôn với chồng, một mình nuôi hai con nhỏ. Và như rất nhiều người đàn ông khác, khi "mèo mỡ" thì chỉ nghĩ đến chuyện vui chơi qua đường, chứ không muốn mất gia đình, chồng chị Dung quỵ luỵ, khóc lóc, van xin vợ tha thứ.

Khi chị Dung kiên quyết quá, anh chồng liền đòi tự sát để chứng tỏ  sự ăn năn của mình. Sợ chồng nghĩ quẩn, chị Dung đành chấp nhận tha thứ, sống vì con. Thế nhưng, đến lần thứ hai anh chồng giở chiêu bài "đòi chết" thì đã vô ích với quyết tâm sắt đá của chị.

Từ dọa thành thật

Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng những người níu hôn nhân bằng việc "đòi chết" chỉ toàn là doạ dẫm. Gia đình chị N.H. ở Phú Yên đã vô cùng đau buồn khi chị ra đi đột ngột, để lại hai đứa con thơ. Người ngoài thắc mắc chẳng biết sự thể ra sao, còn trong gia đình, phần thì trách chị, phần trách chồng chị.

Khi chồng đòi chia tay để xây dựng hạnh phúc mới với người đàn bà khác, chị H. đã cho chồng biết, nếu anh ta gửi đơn ly dị thì chị sẽ tự sát. Nhiều lần vợ không kí đơn, chồng chị H. làm đơn xin đơn phương ly hôn. Thấy không níu giữ được chồng, chị H. uống thuốc sâu tự sát.

Nhiều trường hợp đáng sợ hơn, kẻ "doạ chết" không chỉ huỷ hoại bản thân mình để níu hôn nhân, mà còn hại đến mạng sống của bạn đời mình, nhằm mục đích "cùng chết". Cuối năm 2011, chị Phan Thị Minh T., ngụ Long Phước, Bình Phước đã bị chồng là Đoàn Gia L. giết chết hết sức dã man chỉ vì đòi ly hôn với chồng.

Do Gia L. ham mê cờ bạc, đánh đề, thường lấy hết tiền bạc nướng vào trò đỏ đen, lại hay đánh vợ, chị T. đã quyết định ly hôn. Nhiều lần Gia L. hăm doạ sẽ "giết rồi cùng chết" nhưng chị T. không tin và vẫn mong muốn chia tay với chồng, trong một lần cãi vã, thấy vợ quá cương quyết, không thể lay chuyển, Gia L. đã giết chết vợ rồi tự sát nhưng không thành...

Khôn khéo "dẹp dọa"

Trong những trường hợp như trên, các chuyên gia tư vấn tâm lý đã đưa ra lời khuyên cho người chủ động ly hôn. Theo đó, người đưa ra quyết định ly hôn nên bình tĩnh để chuẩm bị về mặt tâm lý cho bạn đời của mình, đừng để bạn đời lâm vào tình thế bị động và "sốc", khiến họ có phản ứng tiêu cực.

Ngoài ra những phản ứng không hay nhiều phần không phải xuất phát từ tình yêu hay nỗ lực hàn gắn hôn nhân mà đôi khi chỉ vì tự ái, ích kỉ. Chính vì vậy, những động thái nhẹ nhàng, tâm lý, các bước đi thích hợp để thuyết phục bạn đời là điều cần thiết. Nếu cần, có thể nhờ đến sự giúp đỡ từ phía những người thân của bạn đời.

Tuy nhiên, vẫn nên nhớ rằng sự ràng buộc của hôn nhân là điều thiêng liêng, và một cuộc ly hôn sẽ để lại nhiều hậu quả không hay cho người trong cuộc lẫn con cái. Vì thế, để đi đến quyết định ly hôn cần có sự cân nhắc kĩ lường, xem xét hết mọi góc cạnh và khả năng hàn gắn.

Chỉ khi thực sự tình yêu thương, sự tôn trọng đã mất đi, và hai người có thể tìm kiếm được điều tốt đẹp hơn khi không còn ở bên nhau, và có thể bảo đảm việc nuôi dạy con vẫn không bị ảnh hưởng nhiều, thì lúc ấy mới nên nghĩ đến quyết định làm tan rã một mái ấm.

Trân Trân

Đọc thêm