Cá tiến Vua nuôi trên sông Mã
Dọc theo dòng sông Mã từ huyện Cẩm Thủy lên Quan Hóa (Thanh Hóa), đâu đâu cũng thấy các hộ gia đình nuôi cá lồng. Những lồng cá được dựng san sát nhau, tạo nên một bức tranh thủy mặc giữa núi sông hùng vĩ. Nuôi cá là một nghề truyền thống không chỉ giúp người dân mưu sinh mà còn mang lại no ấm, giúp nhiều hộ thoát nghèo.
Ngoài những giống cá truyền thống như trắm, trôi, chép, ngư dân còn tự ra sông đánh bắt cá ké, bởi giống cá này có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là thịt rất thơm và ngon. Có thể nói rằng, cá ké và cá lăng đang tạo được thương hiệu ở sông Mã vì ít vùng nuôi được.
Nói về giống cá tiến Vua có tiềm lực về kinh tế này, ông Hà Ngọc Dư (58 tuổi, ở làng Đỏ, xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa) cho biết: “Với bà con chúng tôi, cá ké là thần tượng vì nó có thể lớn đến hàng yến. Xưa kia cứ vào mùa hè, ở khúc sông này thường xuất hiện một con cá ké nặng chừng 50kg phơi nắng”.
Theo ông Dư, con cá này dài 3m, mình nó to như bao thóc. Tuy nhiên mấy năm gần đây, do người dân thường xuyên đánh mìn, sử dụng xung điện nên nó không dám xuất hiện. Cũng có thể do người dân sử dụng thuyền máy để hút cát khiến con cá này phải tìm đến những khúc sông khác yên tĩnh để trú ẩn.
Cá ké được nuôi trên sông Mã có thể nặng đến vài chục cân. |
Chính vì cá ké là “linh hồn” trên sông nước nên người dân sống bên hai bờ sông Mã đã dùng chài, lưới để bắt con nhỏ về nuôi. Theo người dân, loài cá này có thân hình tựa như cá trê, thịt vàng, mình tròn và rất háu ăn. Dân địa phương còn gọi loài cá này bằng một cái tên khác là cá chiên. Nhà ông Dư đã từng nuôi giống cá này, tuy nhiên vì chưa có kinh nghiệm, ít vốn nên gia đình đành phải chuyển hướng sang nuôi cá trắm vì cá trắm rất dễ nuôi, thức ăn lại có sẵn nên chúng lớn rất nhanh.
Cũng theo ông Dư, cá ké rất háu ăn nên các hộ phải mua cá nhỏ về phơi khô làm thức ăn cho chúng. Đặc điểm của cá ké thường sống ở chỗ nước chảy, nếu nuôi ở chỗ nước đứng chúng chỉ lớn khoảng 2kg là chết. Nếu thuận tiện về nguồn nước, chúng phải nặng 9 đến 10kg. Do không có nguồn nước nên cá thường xuyên bị dịch, để nuôi được loài cá này, người dân phải chọn những nơi có môi trường nước sạch, chảy xiết.
Cần có kỹ thuật nuôi cá quý
Cũng theo ông Dư, cá ké thường được nhốt trong không gian hẹp, không phù hợp nên chúng không lớn được như ở môi trường tự nhiên. Ở môi trường tự nhiên chúng hoạt động nhiều, ít bị dịch bệnh. Bên cạnh môi trường sống, bà con nơi đây vẫn chưa có kỹ thuật để nuôi giống cá lạ này. Đa phần các hộ gia đình vẫn còn nghèo, khó khăn về nguồn vốn nên tiềm lực vẫn chưa xứng tầm với điều kiện tự nhiên cho phép.
Cá ké hay còn gọi là cá chiên được nuôi phổ biến ở sông Mã. |
Theo ông Dư, việc nuôi cá ké quan trọng là nguồn nước. Thông thường cứ vào mùa tháng 7, tháng 8 nước sông hay bị đục vì có lũ. Do hàm lượng cát trong nước nhiều, bùn lại đặc sệt nên cá hay bị bệnh mắt đỏ. Ngoài ra, người dân thường làm đường cùng các công trình thủy điện nên ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng. Việc nuôi nhiều hay ít cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cá nên người dân phải căn cứ theo không gian lồng để thả cá cho phù hợp. Hiện mỗi chiếc lồng cá của gia đình ông Dư rộng 3m, dài 1,6m nên chỉ nuôi được khoảng 150 con. Giờ mỗi con đã to chừng 5 lạng, nên một mình ông không kịp cắt cỏ cho cá ăn. Vì khó khăn chung nên các hộ cũng không dám nuôi nhiều, nên bè của ông chỉ lợp bằng lá cọ để canh trộm.
Riêng bà con ở Quan Hóa, họ đang mong Thủy điện 2 ở thị trấn Hồi Xuân và xã Trung Sơn khánh thành. Bởi sau khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nuôi cá, vì khi đó dòng chảy sẽ ổn định và sạch trong.
Cũng trên vùng thượng nguồn, ở phố Bột, xã Lâm Xa, huyện Bá Thước nuôi nhiều cá hơn so với huyện Quan Hóa. Các lồng cá của bà con được dựng san sát nhau, chủ yếu là nuôi cá trắm, cá lăng và cá ké. Chị Nguyễn Thị Vân (xã Lâm Xa) cho biết, nhà chị chỉ nuôi cá trắm chứ không có điều kiện để nuôi cá ké và cá lăng vì nuôi các loài cá này vất vả, tốn kém mà lại không được Nhà nước hỗ trợ vốn nên không có điều kiện đầu tư nuôi.
Bè cá của gia đình chị Nguyễn Thị Vân ở phố Bột |
Chị Vân cho biết thêm: “Các hộ ở đây họ chỉ nuôi cá theo hình thức tự phát, hiện trong làng có nhà bà Giang nuôi nhiều cá ké nhất. Hiện nay cá ké và cá lăng đang “sốt” giá. Riêng cá lăng khi bán ra thị trường có giá 700 đồng/kg, còn cá ké thì thấp hơn vài trăm”. Theo chị Vân, trong tổng số hơn 100 hộ dân thì chiếm đến hơn 50 nhà nuôi cá lồng. Hiện đang là mùa mưa lũ nên nước ở tỉnh Sơn La chảy xuống thường có màu đỏ. Do nước đục nên cá sẽ kém ăn, ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng.
Mặc dù tiềm lực nuôi cá lồng trên sông Mã rất cao nhưng người dân nơi đây vẫn chưa được trang bị, hỗ trợ về vốn và kỹ thuật. Việc nuôi cá lồng chủ yếu là do các hộ gia đình tự phát bằng nguồn vốn của mình. Các giống cá lạ như ké, lăng, “cá thần” (hay còn gọi là cá dốc) được nuôi phổ biến vì giá trị kinh tế cao, nhưng do chưa phù hợp với môi trường sống, chưa có kỹ thuật nên cá thường hay bị dịch. Chính vì vậy, người dân rất mong Nhà nước cùng chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc nuôi cá lồng trên sông Mã. Cần có vốn, hỗ trợ kỹ thuật theo điều kiện tự nhiên để người dân sớm ổn định kinh tế./.