Nợ BHXH trong các doanh nghiệp phá sản, giải thể: Hơn 60.000 người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi

(PLVN) - Dù Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm quyền lợi cho người lao động (NLĐ), nhưng việc xử lý nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) trong các doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể, mất tích, có chủ bỏ trốn vẫn là bài toán khá nan giải, chưa có hướng xử lý.
Công ty TNHH Nam Phương tại TP Hồ Chí Minh, 100% vốn Hàn Quốc cũng đã mất tích, để lại khoản nợ lương và BHXH của 600 công nhân với số tiền hơn 31 tỷ đồng
Công ty TNHH Nam Phương tại TP Hồ Chí Minh, 100% vốn Hàn Quốc cũng đã mất tích, để lại khoản nợ lương và BHXH của 600 công nhân với số tiền hơn 31 tỷ đồng

Vướng mắc do Luật… không quy định

Theo Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, tính đến hết tháng 10/2018, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT của gần 60.000 NLĐ tại các DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, đang chờ phá sản hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn… đã lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.

Đáng chú ý, tình trạng chủ DN, đặc biệt là DN FDI bỏ trốn và không trả lương cho NLĐ diễn ra từ vài năm trước đây. Số tiền nợ BHXH của những DN phá sản hay chủ sử dụng lao động bỏ trốn khiến nhiều NLĐ lâm vào cảnh bế tắc như người đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa được giải quyết hưởng chế độ do không có sổ BHXH, khi ốm đau không có thẻ BHYT đi KCB…

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trước tiên, đối với trường hợp DN phá sản, quy định pháp luật về phá sản DN quá phức tạp, kéo dài, trong khi Luật phá sản chưa có quy định về thủ tục giải quyết án phá sản trong trường hợp vắng mặt người đại diện hợp pháp của DN.

Đối với DN có chủ bỏ trốn thì Luật DN chưa có quy định về DN có chủ bỏ trốn; chưa có quy định về quy trình giải quyết các vấn đề liên quan đến tình trạng DN có chủ bỏ trốn. Chế tài xử lý đối với các chủ DN không chịu chấp hành các quy định về giải thể, phá sản chưa đủ tính răn đe.

Tiếp đến, về xử lý tài sản của DN phá sản, có chủ bỏ trốn, Luật đầu tư không quy định xử lý tài sản của DN ngừng hoạt động do vắng chủ. Trong khi đó, Luật phá sản 2014 quy định, đối với các khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó, còn tiền lương, tiền BHXH mà DN còn nợ của NLĐ phải chi trả sau, bằng các tài sản còn lại của DN.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân như: Tòa án không thụ lý các vụ khởi kiện DN trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt tiền đóng BHXH của NLĐ vì lý do Tòa không có trách nhiệm giải quyết hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; Tòa án không thụ lý tranh chấp lao động tập thể dẫn đến việc Công đoàn phải khởi kiện nhiều vụ tranh chấp lao động cá nhân nên mất nhiều thời gian và công sức; chưa có hướng dẫn thực hiện việc khởi tố hình sự đối với tội trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt tiền đóng BHXH của NLĐ; ngân sách của Công đoàn còn hạn chế nên hoạt động hỗ trợ, chăm lo NLĐ tại các DN phá sản, chủ bỏ trốn còn ở mức thấp...

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các phương án bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. “Song, quá trình này còn gặp vướng mắc do Luật BHXH, Luật Việc làm và Luật NSNN cũng như thông lệ quốc tế đều không quy định nội dung chi tiết đối với trường hợp này nên vượt quá thẩm quyền của Chính phủ” – ông Lợi nhấn mạnh.

Cần chủ động ngăn chặn

Trước thực trạng trên, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Chính phủ cần phải tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp. Đồng thời, BHXH Việt Nam tiếp tục xây dựng ứng dụng tra cứu thông tin về BHXH trên thiết bị di động, nhằm cung cấp kịp thời thông tin đóng, hưởng BHXH tới NLĐ.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, UBND các tỉnh cần vào cuộc ngăn chặn tình trạng DN nợ BHXH, trong đó cần chú trọng biện pháp mạnh như cảnh báo, răn đe, chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm sang cơ quan Công an để điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc tiến hành khởi kiện. Cùng với đó, Quốc hội giao Bộ Tư pháp rà soát các văn bản pháp luật về phá sản DN, xem xét sửa đổi, bổ sung để áp dụng thống nhất; TAND Tối cao sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng tội chiếm đoạt tiền đóng BHXH của NLĐ, trốn đóng BHXH cho NLĐ theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Mặt khác, BHXH Việt Nam cần thường xuyên tiến hành rà soát, thống kê cụ thể số NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi trong các DN phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện (tránh tạo ra tiền lệ để các DN khác lợi dụng tiếp tục trốn đóng). Từ đó, đề xuất trong quá trình sửa đổi Luật BHXH và các luật khác có liên quan.

Đọc thêm