Nỗ lực bảo tồn san hô tại Cát Bà để phát triển du lịch biển bền vững

(PLVN) - Một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua của du khách trong nước và quốc tế khi đi du lịch Cát Bà đó là lặn biển ngắm san hô. Với hơn 84 loại san hô, đảo Cát Bà hiện đang đứng thứ 2 tại Việt Nam về giá trị bảo tồn đa dạng sinh học chỉ sau Côn Đảo. 
Nỗ lực bảo tồn san hô tại Cát Bà để phát triển du lịch biển bền vững

Do đó, việc bảo tồn, phát triển rạn san hô nằm raair rác trên khu 85 ha khắp đảo Ngọc là nhiệm vụ quan trọng được Vườn quốc gia Cát Bà đặt lên hàng đầu trong mục tiêu phát triển du lịch Cát Bà theo hướng bền vững gắn với bảo tồn thiên nhiên.

Phục hồi 3.400m2 rạn san hô

Theo thống kê của Viện nghiên cứu Hải sản, Cát Bà có khoảng 84 loài san hô cứng thuộc 33 giống 11 họ, 01 bộ. Các rạn san hô ven đảo Cát Bà thuộc cấu trúc rạn viền bờ không điển hình và chia thành 3 kiểu rạn phụ là rạn kín, rạn nửa kín và rạn hở. Tổng diện tích rạn ước tính khoảng 85ha, rạn san hô phân bố rải rác và thường nhỏ, hẹp. 

Được Mẹ thiên nhiên khá ưu ái, các rạn san hô tại Cát Bà tuy không rực rỡ bằng các rạn san hô ở vùng biển phía Nam nhưng lại là những rạn san hô đẹp nhất tiêu biểu cho vùng biển vịnh Bắc bộ. Hải phận Cát Bà cũng được điểm tô nhiều sắc màu bởi sự phong phú của các loài cá sống trong tại đây: họ Cá Bớm, cá thia lia, Cá Dìa, Cá Bò…

Ngoài giá trị về kinh tế, các rạn san hô tại Cát Bà nếu được bảo tồn tốt, được “canh gác” một cách hợp lý sẽ góp phần đáng kể vào phát triển ngành du lịch biển với loại hình trải nghiệm lặn ngắm san hô.

Một góc thị trấn Cát Bà.
 Một góc thị trấn Cát Bà. 

Qua khảo sát, các chuyên gia cho rằng, chất lượng môi trường nước biển tại khu vực hệ sinh thái rạn san hô ven đảo Cát Bà đang có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ, một số thông số cao hơn so với tiêu chuẩn chất lượng nước biển theo đề xuất của Asean.

Tại một số điểm như Tùng Gấu, Vạn Hà, Vạn Tà, Ba Trái Đào, Giỏ Cùng có giá trị các thông số lắng đọng trầm tích khá thấp và thấp hơn khu vực Vạn Bội, Đông Đầu Bê, Cát Dứa. Tuy nhiên, thông số môi trường cơ bản tại 08 khu vực được Viện nghiên cứu Hải sản giám sát ở mức an toàn, phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển đối với hoạt động bảo tồn thuỷ sinh.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học trên đảo Ngọc, năm 2013, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 2424/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch bảo tồn và phát triển rạn san hô tại quần đảo Cát Bà, giai đoạn 2014 - 2018.

Bình minh trên đảo Cát Bà.
Bình minh trên đảo Cát Bà.  

Trong vòng 6 năm qua, Vườn quốc gia Cát Bà đã xác định vị trí tọa độ khoanh vùng bảo vệ cho 12 rạn san hô trọng tâm tại ven biển Vườn quốc gia Cát Bà đồng thời thiết lập và xây dựng hệ thống 40 phao neo bảo vệ rạn san hô tại 05 khu vực rạn ưu tiên bảo vệ. Hệ thống phao được bảo dưỡng định kỳ hàng năm đảm bảo việc vận hành và hoạt động trong điều kiện thực địa. 

Với nỗ lực không mệt mỏi, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã phục hồi 3.400m2 rạn san hô với 3.879 tập đoàn san hô tại 4 địa điểm. Sau 36 tháng phục hồi, tỷ lệ sống trung bình đạt 58,97%, mức tăng trưởng trung bình đạt 5,58mm/tháng.

San hô trồng phục hồi đã sinh trưởng, phát triển tốt trong 03 năm, thích ứng được thời tiết quanh năm, cả mùa khô và mùa mưa. Ngoài ra, các chuyên gia đã phục hồi được nhóm san hô cành phát triển trở lại tại 04 rạn san hô gần như đã suy thoái hoàn toàn trước đó...

Cần sự chung tay bảo tồn biển

 Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà Nguyễn Văn Thịu cho biết các nguyên nhân gây suy thoái rạn san hô mạnh mẽ nhất chủ yếu đến từ các hoạt động của con người như đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản quá mức, ô nhiễm từ rác thải biển, ngọt hóa nước biển, tác động từ hoạt động du lịch, tầu thuyền du lịch...

Với lượng khách đến Cát Bà tăng “đột biến” trong thời gian qua, việc bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô và vùng ven đảo là yêu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài. Tại Cát Bà, việc khai thác các nguồn lợi hải sản trong các rạn san hô như cá song, cá mú và các loài cá cảnh đã diễn ra từ rất lâu và là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình ngư dân ven biển.

Cận cảnh những rạn san hô Cát Bà được phục hồi.
Cận cảnh những rạn san hô Cát Bà được phục hồi.  

 “Do đó, nếu cấm hoàn toàn khai thác hải sản trong các rạn san hô mà không có biện pháp kiểm soát thì rất khó thành công. Bên cạnh việc cấm khai thác, phải có các biện pháp tạo nguồn thu nhập thay thế ổn định cho những người sống bằng nguồn thu nhập từ việc khai thác hải sản từ khu vực đó, đồng thời quy định rõ ràng khu vực và thời điểm có thể khai thác, dụng cụ nào được phép sử dụng, kích thước tối thiểu được đánh bắt để người dân nắm được. Tại một số khu vực rạn san hô đã áp dụng biện pháp ngư dân đồng quản lý như Rạn Trào (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang) và đã thu được những thành công nhất định”, ông Thịu chia sẻ.

Đến nay, Cát Bà là khu vực duy nhất chưa được tiến hành quy hoạch chi tiết trong hệ thống 16 khu bảo tồn biển theo Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Do đó, Vườn quốc gia Cát Bà đang nỗ lực quy hoạch chi tiết và thiết lập khu bảo tồn biển Cát Bà, lên kế hoạch xây dựng hệ thống bảo tàng biển để phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học, du lịch, giáo dục về thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học rạn san hô, đa dạng sinh học biển.

Trong thời gian tới, ngoài 5 địa điểm đã xây dựng hệ thống phao, Vườn quốc gia Cát Bà sẽ bổ sung thêm hệ thống phao neo bảo vệ 07 địa điểm rạn san hô ưu tiên bảo vệ đồng thời nhân rộng mô hình phục hồi các rạn san hô bị suy thoái, tái tạo nguồn lợi một số loài kinh tế, quý, hiếm. Hy vọng rằng, chặng đường dài trong công tác bảo tồn, phát triển các rạn san hô sẽ thu về “trái ngọt” cho loại hình du lịch lặn ngắm san hô trong tương lai gần...  

Các rạn san hô tại khu du lịch Cát Bà Hải Phòng  tuy rằng không lớn và xinh đẹp được bằng các rạn san hô ở vùng biển phía Nam nhưng lại là những rạn san hô đẹp nhất tiêu biểu cho vùng biển Vịnh Bắc bộ. Các rạn san hô hải phận Đông – Nam đảo Cát Bà kéo dài đến Hang Trai – Đầu Bê có giá trị cho bảo tồn và du lịch sinh thái của Hải Phòng và cũng là một trong những trọng tâm phát tán nguồn gien của vịnh Bắc Bộ. Tính đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện được ở hải phận Cát Bà 193 loài thuộc lớp san hô, trong đó bộ san hô cứng 166 loài, 27 loài còn lại thuộc các bộ san hô bò, san hô mềm, san hô sừng. Các lĩnh vực có rạn san hô tốt là các đảo Áng Thảm, Cát Dứa , Mũi Hồng, Ba trái đào (đông nam Cát Bà), cụm đảo Đầu Bê – Hang Trai và Long Châu. Đặc biệt, cá sống trong rạn san hô ở hải phận Cát Bà có rất nhiều màu sắc khác nhau. Các tour du lịch lặn ngắm san hô ngày càng được du khách đến du lịch Cát Bà yêu thích… 

Đọc thêm