Nỗ lực chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Kết quả cuộc điều tra quốc gia thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam cho thấy, có rất ít thay đổi về tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ kể từ cuộc điều tra đầu tiên trước đó chục năm. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạo lực gia đình, bạo lực giới vẫn tồn ở mọi tầng lớp từ thành thị đến nông thôn.
Bạo lực gia đình bắt nguồn từ định kiến giới tồn tại dai dẳng trong xã hội.
Bạo lực gia đình bắt nguồn từ định kiến giới tồn tại dai dẳng trong xã hội.

Những yếu tố “nuôi dưỡng” bạo lực gia đình

“Nhà tôi có 4 anh chị em, 2 gái, 2 trai, cha mẹ đều là những người kinh doanh và có tài sản. Vừa rồi, cha mẹ tôi họp các con lại để làm di chúc. Hai anh đầu không đồng ý cho cha mẹ chia đều tài sản cho 4 người vì cho rằng tôi và em gái đã đi lấy chồng thì thuộc về nhà chồng”; “Gia đình tôi có 6 anh chị em, trong đó có 2 người con gái và 4 người con trai. Cha mẹ tôi khi qua đời thống nhất để lại di chúc chung chia tài sản cho các con bao gồm căn nhà 3 tầng trị giá 4 tỷ đồng. Trong đó, 2 chị em gái tôi được cho 100 triệu đồng, còn lại chia đều cho 4 người con trai”…

Đây là vấn đề rất thường gặp tại các văn phòng luật sư, cũng như tại các phiên tòa dân sự liên quan đến thừa kế. Nếu nhìn ở góc độ bạo lực gia đình (BLGĐ) thì đây cũng chính là một trong những căn nguyên khiến BLGĐ, bạo lực giới cứ mãi ẩn khuất và không thể giải quyết triệt để.

Vấn đề này được đề cập tới trong Hội nghị triển khai về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác gia đình tại Hà Nội vừa được Bộ VH,TT&DL và Quỹ dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 24/3 vừa qua.

Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam bà Naomi Kitahara cho biết, theo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 được thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc và UNFPA, cuộc điều tra cho thấy có rất ít thay đổi về tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ kể từ cuộc điều tra đầu tiên được thực hiện vào năm 2010. Kết quả điều tra cho thấy 62,9% phụ nữ ở Việt Nam từng trải qua một hoặc hơn một hình thức bạo lực, bao gồm bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, bạo lực kinh tế và kiểm soát hành vi.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số lượng các cuộc gọi tới đường dây nóng do UNFPA hỗ trợ đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Đây là vấn đề đáng báo động và các khuyến nghị từ Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp can thiệp trong giai đoạn tới.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến BLGĐ và bạo lực giới vẫn tồn ở mọi tầng lớp từ thành thị đến nông thôn. Tại Hội thảo, đại diện Vụ Bình đẳng giới Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, định kiến giới và bạo lực trên cơ sở giới hiện nay vẫn tiếp tục diễn ra ở Việt Nam, thể hiện ở sự mất cân bằng về giới tính, nạn tảo hôn và đặc biệt là quan điểm phân biệt vị trí chênh lệch giữa con trai, con gái...

Vai trò, vị trí của phụ nữ và nam giới trong gia đình cũng bị phân biệt khác nhau, nam giới là trụ cột, lo việc xã hội, kiếm tiền, ra quyết định lớn, phụ nữ lo công việc nội trợ, chăm sóc gia đình, làm công việc “vô hình”, “không tên”, không mang lại thu nhập, phải chịu những hình thức phân biệt đối xử và bị lạm dụng.

Theo kết quả nghiên cứu của ISDS, số người được khảo sát cho biết, dự định sẽ chỉ chia nhà, đất ở cho con trai, gấp hơn 6 lần những người dự định chia cho con gái; 52,78% nam giới sở hữu nhà và đất thổ cư so với 21,29% nữ giới.

Từ góc độ tổ chức phi chính phủ đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước về công tác phòng, chống BLGĐ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) Nguyễn Vân Anh nêu vấn đề: “Vì sao đã có Luật Phòng, chống BLGĐ mà vẫn có hơn 90% phụ nữ không lên tiếng và giữ im lặng? Liệu có thể đếm chính xác được con số phụ nữ bị giết, bị đánh đập trước khi đến được tòa án, thậm chí còn bị hành hung ngay trước cổng tòa hay không?”.

Theo bà Vân Anh, thái độ dung túng hoặc biện minh cho hành vi bạo lực là bình thường hoặc có thể chấp nhận được; truyền thông về các vụ việc bạo lực, quấy rối tình dục thiếu nhạy cảm giới, đổ lỗi cho nạn nhân; trải nghiệm bạo lực thời thơ ấu và/hoặc chứng kiến bạo lực trong gia đình, môi trường sống xung quanh; sự cam chịu, chấp nhận bị bạo lực của nạn nhân... chính là những yếu tố khiến BLGĐ mãi tồn tại.

Việt Nam quyết tâm ngăn chặn bạo lực gia đình

Hiện nay, Bộ VH,TT&DL đang lấy ý kiến các đơn vị, bộ, ngành, địa phương về việc sửa đổi Luật Phòng, chống BLGĐ, đây là khuôn khổ pháp lý quan trọng để giải quyết vấn đề bạo lực gia đình và dự kiến sẽ được trình tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội vào tháng 5 và thông qua vào tháng 10 năm nay.

Bên cạnh đó, với trách nhiệm được giao quản lý nhà nước về gia đình, Bộ VH,TT&DL đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược, Đề án, Chương trình của lĩnh vực gia đình giai đoạn 2010-2020, từ đó xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030, Chương trình về phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới đến năm 2025.

Trong dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình về phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới đến năm 2025 có rất nhiều nội dung quan trọng được đặt ra như: Hoàn thiện pháp luật, chính sách về phòng, chống BLGĐ; Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình; Xây dựng và vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa BLGĐ, Thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống BLGĐ; Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống BLGĐ; Hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng, chống BLGĐ; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, thực hiện pháp luật về phòng, chống BLGĐ.

“Trong thời gian tới, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình, Bộ VH,TT&DL sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương tăng đầu tư nguồn lực, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành, đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động giáo dục, hoàn thiện khung pháp luật để triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược, Kế hoạch về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình mà Thủ tướng đã phê duyệt, ban hành” - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy khẳng định.

Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc - bà Naomi Kitahara cam kết, trong 5 năm tới sẽ hỗ trợ cho Chương trình về phòng, chống BLGĐ quốc gia của Việt Nam để đạt mục tiêu chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Bạo lực gia đình không phải là vấn đề riêng tư

Trong một lần trao đổi với truyền thông, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội để chỉ ra 4 vấn đề cần để giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Theo TS Khuất Thu Hồng, thứ nhất, đầu tư vào giáo dục con người, không phải giáo dục kiểu nhồi nhét kiến thức để trở thành một cái máy tính luôn lỗi thời mà là giáo dục để thành người có kỹ năng sống; Thứ hai, đầu tư vào các dịch vụ chuyên nghiệp hỗ trợ giải quyết bạo lực và hỗ trợ nạn nhân, đừng “tiết kiệm” và che đậy bằng phương pháp hoà giải; Thứ ba là tăng cường pháp luật và thực thi pháp luật, làm thật, xử thật; Thứ tư là truyền thông để thay đổi nhận thức rằng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là vấn nạn xã hội và giải quyết vấn nạn này không phải chỉ trong phạm vi gia đình đằng sau cánh cửa đóng kín mà phải là của một hệ thống có trách nhiệm.

Đọc thêm