Nỗ lực “hạ nhiệt” cho nhân viên y tế trong những ngày nắng nóng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, người dân đã không ít lần xúc động khi chứng kiến nhiều nhân viên y tế kiệt sức, ngất xỉu vì phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít giữa tiết trời nắng nóng khắc nghiệt. Do đó, nỗ lực “hạ nhiệt” cho nhân viên y tế trong những ngày nắng nóng là việc cần phải làm ngay.
Nỗ lực “hạ nhiệt” cho nhân viên y tế trong những ngày nắng nóng

Ngất xỉu vì kiệt sức và nắng nóng

Gần đây, cư dân mạng chia sẻ hình ảnh cùng đoạn clip ghi lại cảnh một nhân viên y tế ngất xỉu vì kiệt sức khiến nhiều người không khỏi xót xa. Người ngất xỉu là Phạm Trung Anh, sinh viên năm 2 - Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Trung Anh cho biết, sự cố diễn ra sáng 26/5, điểm tập trung nhiều F1, F0 nên đoàn phải mặc quần áo bảo hộ từ chỗ ở, nắng nóng khiến cơ thể dễ bị mất sức.

“Bắt đầu công việc mình chạy khá nhiều, khá mệt và làm việc dưới mái tôn nắng nóng, chưa kịp bổ sung nước nên cơ thể nóng bừng, mồ hôi ướt đẫm. Để đảm bảo an toàn mình không dám kéo khẩu trang xuống uống nước nên mất sức, dần ngất lịm đi. Sau tỉnh dậy mới biết đã được mọi người đưa về nghỉ ngơi, lấy lại sức” - Trung Anh kể. Thời điểm hiện tại, tình hình sức khỏe của Trung Anh đã ổn định và có thể tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ trong công cuộc chi viện Bắc Giang chống dịch COVID-19.

“Chúng tôi đi đến đâu cũng phải xin nước, đá của dân để làm dịu cơ thể để tiếp tục công việc và chống chọi lại thời tiết nắng nóng. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục đến cùng, dân vẫn cần thì chúng tôi vẫn tiếp tục đi” - bác sĩ Trần Thị Phương - Đại học Y Dược Hải Phòng chia sẻ về việc phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít làm việc trong thời tiết nắng nóng 40-50 độ C.

Các nhân viên y tế được điều động vào chiến dịch tăng tốc lấy xét nghiệm ngày đêm của TP HCM chia sẻ, mặc bộ đồ bảo hộ vào khoảng 10 phút là quần áo ở trong ướt hết vì mồ hôi. "Trong đợt dịch lần này số lượng lấy mẫu xét nghiệm cũng rất nhiều nên thời gian làm việc không thể biết trước được. Khi nào hết việc thì mới nghỉ, thường thì phải làm từ sáng đến chiều đôi khi là cả đêm hôm. Khi xong công việc được tháo bộ đồ ra thì cảm giác thoải mái như mình được “sống lại” - một nữ nhân viên y tế bộc bạch.

Ưu tiên đảm bảo an toàn, sức khỏe cho nhân viên y tế

Có thể thấy thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của nhân viên y tế, sinh viên, người làm việc trực tiếp ngoài cộng đồng. Đây là quan ngại lớn của bộ phận thường trực chống dịch. Chính vì thế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định, sự an toàn, sức khỏe cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có đội ngũ y tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Y tế.

Cụ thể, Bộ Y tế đã chỉ đạo yêu cầu tất cả các đoàn công tác phải đảm bảo sức khỏe bằng việc tăng cường bồi dưỡng về mặt dinh dưỡng, thời gian lấy mẫu bố trí hợp lý để ứng phó với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt (buổi sáng từ sáng sớm tới 9h và buổi tối từ 19h tới 23h đêm hàng ngày). Bên cạnh đó, các điểm lấy mẫu phải được bố trí ở vùng râm mát, có quạt, đầy đủ ánh sáng để các nhân viên y tế làm việc hiệu quả nhất.

Bộ Y tế đang giao các đơn vị liên quan nghiên cứu và cho thử nghiệm trang phục bảo hộ có khả năng hút khí từ bên ngoài vào giúp giảm nhiệt cơ thể, nếu thành công sẽ cho triển khai nhân rộng trong thời gian sớm nhất nhằm phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

TS. Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường – Bộ Y tế cho biết đã có giải pháp chống nóng cho nhân viên y tế khi chống dịch phải mặc bộ đồ bảo hộ. Theo đó, trang phục bảo hộ này sẽ được thiết kế 2 quạt hút gió và lọc không khí đẩy vào phía trong.

“Ở đây chúng tôi sử dụng 2 quạt đủ để làm mát toàn bộ cơ thể, ở dưới là cục pin có thể chạy được 10 tiếng giúp cho các nhân viên y tế giải quyết vấn đề nóng khi mặc đồ bảo hộ. Chúng ta có thể tăng giảm tốc độ, vì khi nghỉ ngơi có thể dùng quạt tốc độ nhẹ hơn” - TS. Hải thông tin. Với giải pháp này, các chuyên gia hy vọng sẽ có một giải pháp tốt nhất trong thời điểm hiện tại cho toàn bộ nhân viên y tế mà phải làm công tác chống dịch trong thời tiết nắng nóng như hiện nay.

Chuyên gia Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường cũng cho biết thêm, việc mang trang phục bảo hộ là bắt buộc để người tham gia chống dịch tránh bị lây nhiễm. Để tránh được lây nhiễm, trang phục may liền bằng chất liệu chống thấm nước, thêm khẩu trang, mũ, găng, ủng, làm tăng nhiệt độ bên trong, khiến cơ thể ra mồ hôi nhiều, ngột ngạt, khó thở. Do bộ đồ này rất bí nên chúng ta không giải quyết được việc bị nóng, mà chỉ có tạo ra không khí đối lưu. Dự kiến, sản phẩm này sẽ được đưa đến Bắc Giang để dùng thử nghiệm cho nhân viên y tế tuyến đầu và từ đó phổ biến cho tất cả các nhân viên y tế.

Để phục vụ cho công tác chống dịch, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an cũng đã nghiên cứu và làm ra loại áo bảo hộ tản nhiệt, góp phần bảo vệ sức khoẻ của các công, nhân viên nơi tuyến đầu chống dịch. Áo có thiết kế đơn giản, với thân áo chất liệu thân áo lưới ba lỗ chất liệu thoáng mát được may bốn túi đá khô, thiết kế thêm một lớp xốp cách nhiệt nhằm tránh đá lạnh tiếp xúc trực tiếp với da người và được mặc vào bên trong lớp áo bảo hộ nhằm tản nhiệt tránh tình trạng nhiều nhân viên chống dịch bị sốc nhiệt do quá nóng. Đây được cho là một thiết kế hết sức đơn giản nhưng đem lại hiệu quả rất cao và được đội ngũ các nhân viên y tế đánh giá là sáng kiến mới mẻ, có tính thiết thực cao đối với những người ngày ngày phải mang trên mình bộ quần áo bảo hộ nóng bức.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm