Nỗ lực mới kiểm soát thị trường vũ khí

(PLO) - Hiệp ước Buôn bán vũ khí quốc tế của Liên Hợp quốc (ATT) chính thức có hiệu lực từ ngày 24/12/2014, sau các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm với số lượng quốc gia thành viên thông qua vượt quá con số 50. 
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon khẳng định, ATT đã mở ra trang mới trong lịch sử kiểm soát vũ khí trên toàn thế giới, bảo đảm sự minh bạch và có trách nhiệm trong lĩnh vực buôn bán vũ khí.
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon:
ATT đã mở ra trang mới trong lịch sử kiểm soát vũ khí.
Ảnh AFP
Hiệp ước Buôn bán vũ khí quốc tế
ATT được thông qua tại Đại hội đồng LHQ ngày 2/4/2013, với 154 phiếu thuận, 23 phiếu trắng và 3 phiếu chống. Đây là lần đầu tiên thế giới có một hiệp ước đặt ra những nguyên tắc toàn cầu đối với việc chuyển giao và sử dụng vũ khí nhằm đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ nhân quyền trong hoạt động buôn bán vũ khí thông thường. 
ATT yêu cầu các quốc gia thiết lập cơ chế kiểm soát cấp Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu vũ khí. Theo đó, những nước thông qua Hiệp ước phải có trách nhiệm đảm bảo các hợp đồng vũ khí không vi phạm các lệnh cấm vận quốc tế, luật nhân quyền hay có nguy cơ để vũ khí rơi vào tay các nhóm khủng bố hoặc tội phạm. ATT được áp dụng đối với các chủng loại xe tăng, xe bọc thép, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu, trực thăng chiến đấu, tàu chiến, tên lửa, các hệ thống phóng tên lửa và các loại vũ khí hạt nhân khác. 
Sự ra đời của ATT còn nhằm hạn chế các thương vụ buôn bán vũ khí bất hợp pháp trên thế giới, có doanh thu ước tính từ 60 - 85 tỷ USD. Theo đại diện của Liên minh Kiểm soát vũ khí Anna Macdonald, mỗi năm thế giới có hơn 520.000 người thiệt mạng do bạo lực vũ trang và hàng triệu người rơi vào thảm kịch do vũ khí lọt vào tay các phần tử cực đoan, khủng bố...
Việc ký kết ATT bắt đầu từ ngày 3/6/2013 và các nước trên thế giới được lựa chọn có ký kết và phê chuẩn Hiệp ước này hay không. Hiệp ước sẽ có hiệu lực sau khi được quốc gia thứ 50 trong số 193 quốc gia thành viên LHQ phê chuẩn. 
ATT - bước ngoặt trong nỗ lực kiểm soát thị trường vũ khí 
Mở ra trang mới 
trong lịch sử
Ngày 24/12/2014, ATT chính thức có hiệu lực, sau các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm và với số lượng quốc gia thành viên thông qua vượt quá con số 50. Hiện nay, tổng cộng 130 quốc gia đã ký kết ATT, trong đó 60 nước đã phê chuẩn. Mexico - quốc gia chứng kiến ngày càng nhiều các vụ bạo lực liên quan đến súng đạn, là một trong những nước tham gia ATT sớm nhất.
Mới đây, quốc gia Bắc Trung Mỹ này đã tổ chức một hội nghị quốc tế về việc thực thi các điều khoản của Hiệp ước. Tuy nhiên, bên cạnh những nước tích cực như Mexico thì vẫn còn nhiều cường quốc chưa phê chuẩn ATT như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Iran, CHDCND Triều Tiên, Syria,... 
Nhân sự kiện này, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã gửi thông điệp tới tất cả 193 quốc gia thành viên, hoan nghênh việc ATT chính thức có hiệu lực, đồng thời kêu gọi các nước chưa ký hoặc chưa phê chuẩn sớm có quyết định tham gia Hiệp ước. 
Trong thông điệp, ông Ban Ki-moon khẳng định ATT đã mở sang trang mới trong lịch sử kiểm soát vũ khí trên toàn thế giới, bảo đảm sự minh bạch và có trách nhiệm trong lĩnh vực buôn bán vũ khí. Tổng Thư ký LHQ hy vọng kể từ nay, tất cả các quốc gia tham gia ATT cùng phải có trách nhiệm pháp lý trong mọi thương vụ buôn bán vũ khí, đồng thời các hoạt động chuyển giao vũ khí qua biên giới sẽ được theo dõi, giám sát bằng các biện pháp và phương tiện tối ưu nhất. 
Theo Tổng Thư ký Ban Ki-moon, việc Đại hội đồng LHQ thông qua ATT ngày 2/4/2013 chứng tỏ quyết tâm của các quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế và các xã hội dân sự, ngăn chặn việc trao đổi, buôn bán vũ khí một cách vô trách nhiệm như lâu nay để cùng hướng tới một mục tiêu cao cả là giảm bớt những đau thương, chết chóc của con người. 
Ông Ban Ki-moon hy vọng ATT sẽ giúp ngăn chặn có hiệu quả việc tuồn vũ khí vào những nơi đang có xung đột, bạo lực và không để vũ khí lọt vào tay các chế độ quân sự độc tài, chà đạp quyền con người cũng như các băng nhóm khủng bố và các tổ chức tội phạm. 
Trong khi đó, Cao ủy LHQ về nhân quyền Zeid Raad al-Hussein coi việc ATT bắt đầu có hiệu lực là sự kiện mở ra kỷ nguyên mới về bảo vệ quyền con người, giúp các quốc gia có cơ sở vững chắc để kiểm soát việc mua, bán vũ khí thông thường cũng như việc sử dụng chúng, không để những vũ khí này được dùng để chống lại con người. 
Đa số các nước thành viên LHQ cũng cho đây là một bước ngoặt trong nỗ lực kiểm soát thị trường vũ khí lên tới hơn 80 tỷ USD trên toàn thế giới cũng như ngăn chặn xung đột vũ trang và tội phạm chiến tranh, bởi Hiệp định này đã được thảo luận suốt một thập kỷ qua mà chưa lần nào đạt được sự nhất trí cao giữa các thành viên như lần này.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry cho biết, Washington hoan nghênh việc ATT được ký kết, coi đây là một đóng góp quan trọng vào nỗ lực giải quyết tận gốc tình trạng buôn bán vũ khí trái phép. “Hiệp ước trên sẽ giúp vũ khí không rơi vào tay những kẻ khủng bố và các thành phần bất hảo. Nó cũng giúp giảm bớt nguy cơ vận chuyển xuyên quốc gia các vũ khí thông thường có thể được sử dụng thực hiện những tội ác dã man nhất thế giới. Điều này giúp người Mỹ an toàn và nước Mỹ mạnh mẽ. Hiệp ước trên nhằm thúc đẩy hòa bình quốc tế và an ninh toàn cầu cũng như các mục tiêu nhân đạo quan trọng. Bên cạnh đó, nó không hủy hoại tính hợp pháp của hoạt động mua bán vũ khí quốc tế”. 
Hiệp ước sẽ giúp vũ khí không rơi vào tay những kẻ khủng bố
 và các thành phần bất hảo
Còn nhiều khó khăn để thực thi
Tuy nhiên, những nước ủng hộ ATT cho rằng, việc ATT chính thức có hiệu lực mới chỉ là thành công bước đầu và còn nhiều khó khăn để thực hiện nó. Thứ trưởng Các quan hệ Đa phương của Mexico Juan Manuel Gomez Robledo cho rằng: “Công việc khó khăn giờ mới bắt đầu”. Bởi một số nước như Mỹ, quốc gia sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, tuy ủng hộ và đã tham gia ký kết ATT nhưng lại chưa phê chuẩn văn kiện này. 
Một số quốc gia có nền công nghiệp vũ khí phát triển khác như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ còn bỏ phiếu trắng tại cuộc họp thông qua văn kiện trên. Trong khi đó ba nước Iran, CHDCND Triều Tiên và Syria hiện vẫn đang phản đối ATT.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Vương Dân cho biết, Bắc Kinh “có thể ủng hộ bản hiệp ước được đồng thuận thông qua”, song “không ủng hộ việc đưa Hiệp ước kiểm soát vũ khí đa phương ra Đại hội đồng giải quyết. Chúng tôi rất quan ngại khả năng tạo tiền lệ xấu cho các đàm phán kiểm soát vũ khí đa phương”. 
Ông Vitaly Churkin - Đại sứ Nga thường trực tại LHQ cho rằng, ATT “còn nhiều thiếu sót” và Moskva sẽ “xem xét” sau. Trong khi đó, một số nước như Syria, Ấn Độ, Ai Cập, Pakistan… lại cho rằng thị trường vũ khí sẽ trở nên bất công hơn khi các nước xuất khẩu vũ khí lớn sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định này.
Bên cạnh đó, theo Đại sứ Australia Peter Woolcott, tuy “đây là bản hiệp ước có sức mạnh” song nó không đưa ra các biện pháp bắt buộc. ATT chỉ kêu gọi các quốc gia xuất khẩu đảm bảo vũ khí không dùng để hỗ trợ những kẻ gây tội ác diệt chủng, vi phạm nhân quyền hay ngăn cản các hoạt động nhân đạo, mà không có bất cứ chế tài nào bắt buộc phải thực thi.
Một số nhà phân tích cho rằng, sau nhiều năm nỗ lực đàm phán, ATT đã chính thức có hiệu lực. Tuy còn nhiều quốc gia chưa phê chuẩn nhưng ATT vẫn là một công cụ pháp lý quốc tế cần thiết nhằm ngăn chặn vũ khí lọt vào tay những kẻ khủng bố và các thành phần bất hảo, gây họa cho con người và việc buôn bán vũ khí sẽ dần được minh bạch hơn.

Đọc thêm