Nỗ lực xóa “khoảng trống” trong chính sách an sinh xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mặc dù đã đạt được những tiến bộ vượt bậc kể từ năm 2012, hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam vẫn tiếp tục cần cải cách để hướng đến mục tiêu an sinh xã hội cho tất cả mọi người

Đây cũng là thông điệp được chia sẻ tại Hội thảo “Đánh giá 10 năm thực hiện chính sách an sinh xã hội Việt Nam giai đoạn 2012 – 2022: Xu hướng và khoảng trống” do Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO tổ chức vào ngày 20/4/2022.

Hệ thống ASXH ở Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc kể từ năm 2012. Ảnh minh họa

Hệ thống ASXH ở Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc kể từ năm 2012. Ảnh minh họa

Chính sách hợp lòng dân

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy quá trình triển khai thực hiện đã khẳng định Nghị quyết số 15-NQ/TW về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 hợp lòng dân, làm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành cũng như người dân trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách đối với người có công và an sinh xã hội (ASXH) về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong các mặt của đời sống, hệ thống ASXH đã có những tiến bộ vượt bậc như: về y tế 98,4% xã có trạm y tế xã, trong đó 65% trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt từ 96% đến 98%; về giáo dục, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học mầm non 99% (từ năm 2013), trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học 99% (từ 2015), cấp THCS trên 90% (từ 2014), tỷ lệ trẻ em khuyết tật đi học đạt 60% (từ 2014); về nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng từ 17,5m2/người năm 2010 lên 22m2/người năm 2015 và năm 2020 là 24,4m2/người; về nước sạch và vệ sinh môi trường, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ 80% năm 2012 lên gần 90% năm 2020, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế đạt 55% năm 2020; về thông tin, đã cấp 18 loại báo, tạp chí - truyền hình Việt Nam (kênh VTV5) sản xuất và phát sóng bằng 22 thứ tiếng dân tộc thiểu số, có hơn 16.000 điểm giao dịch bưu chính viễn thông…

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 hoành hành, Nghị quyết 42/NQ-CP đã thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, hết năm 2020, trên 13,2 triệu người được hỗ trợ, kinh phí hỗ trợ 13 nghìn tỷ đồng. Nghị quyết 68/NQ-CP với tổng kinh phí trên 35,9 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng. Nghị quyết 116/NQ-CP hỗ trợ từ 1,8 triệu đồng/người đến 3,3 triệu đồng/người, đến tháng 12/2021, đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho trên 12,8 triệu lao động với số tiền hỗ trợ trên 30,5 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành 04 Quyết định xuất cấp hơn 136 nghìn tấn gạo cho trên 9 triệu nhân khẩu ở 30 tỉnh; Bộ Tài chính cấp gần 59 nghìn tấn gạo cho 3,9 triệu nhân khẩu ở các địa phương. Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ trong đại dịch mỗi cháu được hỗ trợ 5 triệu đồng, mồ côi cả cha lẫn mẹ được cấp một số tiết kiệm 20 triệu đồng…

Mục tiêu an sinh xã hội cho toàn dân

Tham dự Hội thảo, các đối tác quốc tế như UNICEF, UNFPA, UNDP, UN Women và Ngân hàng Thế giới đều nhất trí rằng Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể kể từ năm 2012 khi Nghị quyết về chính sách xã hội được ban hành. Nhưng bên cạnh đó cũng không thể không thẳng thắn nhìn thẳng vào một số bất cập còn tồn tại như: sự đầu tư của Nhà nước cho hệ thống ASXH chưa đáp ứng yêu cầu và hiệu quả chưa cao; mục tiêu tích hợp chính sách thực hiện còn chậm; một số chính sách ban hành chưa phù hợp; một số tiêu chí xác định đối tượng còn chưa rõ ràng; mức độ bao phủ còn thấp, đối tượng còn hẹp, hệ thống ASXH còn bất bình đẳng; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp…

Đây cũng là lý do để Bộ LĐ-TB&XH tổ chức buổi Hội thảo này với mục đích đây là cơ hội để Chính phủ nghe và thảo luận với các đối tác phát triển khác nhau về ý kiến về tiến độ mà hệ thống ASXH nói chung của Việt Nam đã đạt được kể từ năm 2012, cũng như quan điểm của họ về những gì phía trước trên con đường hướng đến mục tiêu ASXH cho toàn dân ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: “Tiếp tục lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển, đảm bảo các vấn đề xã hội được quản lý và giải quyết bằng công cụ chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững”.

Theo bà Ingrid Christensen, Giám đốc Quốc gia ILO tại Việt Nam, để Việt Nam tiếp tục tiến tới tầm nhìn ASXH cho toàn dân, Việt Nam phải tiếp tục dành những nỗ lực và nguồn lực đáng kể cho việc tăng cường hệ thống ASXH trên nhiều chiều cạnh khác nhau. Ông André Gama - Giám đốc Chương trình ASXH của ILO Việt Nam đưa ra quan điểm những cải cách phải phù hợp với thực tế của bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam và dựa trên thành công của những tiến bộ đã đạt được trong thập kỷ qua.

Cũng tại Hội thảo, các đối tác quốc tế như UNICEF, UNFPA, UNDP, UN Women và Ngân hàng Thế giới đều khẳng định và củng cố cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW cũng như hỗ trợ kỹ thuật hướng đến việc xây dựng một Nghị quyết mới định hình các chính sách xã hội đến 2030 và tầm nhìn 2045 nhằm mục tiêu ASXH cho toàn dân tại Việt Nam.

Đọc thêm