Việt Nam đã cho tôi câu trả lời về bản sắc
TS Hoàng Hà Thi (SN 1985, Đại học Y Harvard, Mỹ) là Tiến sỹ Y khoa và nhà Thần kinh học. Tuy nhiên, anh vừa nghiên cứu khoa học lĩnh vực y sinh, vừa thành lập công ty để thực hiện ước mơ tạo ra các loại thuốc điều trị bệnh về thần kinh, não. Trong hai lần về gần đây, Thi đã tìm hiểu nhiều vấn đề trong nước và ấp ủ những dự án ý nghĩa. Anh đang dành nhiều tâm huyết kết nối hợp tác giữa Viện Nghiên cứu hệ gen tại Hà Nội và một công ty về hệ gen tại New York để lập bản đồ các biến thể bệnh di truyền hiếm gặp ở các dân tộc thiểu số vùng cao Việt Nam. Dự án hướng đến thúc đẩy sự phát triển nghiên cứu hệ gen tại Việt Nam, về lâu dài sẽ giúp phát triển những phương pháp chữa bệnh mới.
Anh tập trung nghiên cứu về những tác động của gen lên khả năng phát triển của các bệnh về thần kinh, tâm lý như: Alzheimer, tâm thần phân liệt hay trầm cảm... với mục tiêu tạo ra những loại thuốc mới để điều trị. Đến nay, anh đã công bố công trình nghiên cứu phương pháp chẩn đoán sớm đa xơ cứng, căn bệnh rối loạn não bộ phổ biến nhất. Đồng thời, có đóng góp trong các nghiên cứu về chứng rối loạn não bộ ở trẻ như chứng động kinh, thiểu năng trí tuệ; các nghiên cứu về sự chết đi của các tế bào thần kinh trong căn bệnh Alzheimer.
Thế nhưng, Thi đã không chọn con đường làm bác sĩ sớm có lương cao, cuộc sống ổn định mà theo đuổi nghiên cứu não bộ để hiểu về con người. Gần đây nhất, Thi mới thành lập công ty công nghệ sinh học để hiện thực hóa kết quả nghiên cứu, tạo ra thuốc chữa trị, phương pháp điều trị. Dẫu từng phải đóng cửa một công ty ở Anh sau gần hai năm hoạt động, từng theo đuổi nghiên cứu trong suốt một năm với cường độ làm việc 70 tiếng/tuần, rồi cuối cùng vẫn thất bại. Nhưng với Thi, đó là điều mà Thi đối diện để vươn tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Đồng thời, trở về Việt Nam, TS Hoàng Hà Thi đang phối hợp với Võ Thị Kim Thảo (nghiên cứu sinh Đại học Khoa học Huế, nhà sáng lập doanh nghiệp xã hội DDC Education) triển khai dự án học bổng “Việt Nam quê hương tôi”. Dự án này nhằm tiếp sức cho học sinh nghèo học giỏi được tiếp tục đến trường; kết nối để những bạn xuất sắc đi du học. Qua đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực cao cho đất nước, đồng thời kết nối học sinh nhận được học bổng quay trở lại giúp đỡ những thế hệ sau. Thi đảm nhiệm kết nối với các nhà khoa học, doanh nhân và bạn bè ở nước ngoài, còn Thảo phụ trách gắn kết trên mạng xã hội.
TS Hoàng Hà Thi và chị Võ Thị Kim Thảo chia sẻ ý tưởng dự án Quỹ học bổng tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II - năm 2019 |
Thi ước tính, hiện có hơn 4 triệu người Việt và hơn 136 nghìn du học sinh Việt ở nước ngoài, nếu 0,01% tham gia thì có hơn 4 nghìn trẻ em ở trong nước được đến trường. Mỗi người gây quỹ 30EUR/tháng tương đương 1EUR/ngày. Theo Thi, do chênh lệch tỷ giá, 30EUR/tháng chi tiêu tại nước ngoài có thể không quá lớn nhưng chừng đó đủ bảo trợ học phí cho một tương lai tại Việt Nam.
Thi kể, từ khi 5 tuổi Thi đã rời Việt Nam theo ba mẹ, đến nay sống ở bốn quốc gia, ba châu lục. Bởi thế, “Định nghĩa về nguồn cội và bản thân luôn là một thách thức đối với tôi. Tôi băn khoăn mình bị mất gốc hay là con người của tự do? Và lo lắng mãi bị mắc kẹt giữa ranh giới của hai điều đó. Những chuyến trở về Việt Nam gần đây đã giúp tôi trả lời được những băn khoăn, tìm lại sợi dây liên kết với phần con người Việt, bản sắc Việt”…
Thế rồi, anh kết nối với người thân, nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ mẹ đẻ, thưởng thức các món ăn Việt, đến một số địa danh trên dải đất hình chữ S… Và hơn hết, là những mối liên hệ với bạn bè Việt Nam. Từ đó, anh tin rằng bản sắc cá nhân đi kèm với trách nhiệm đóng góp tâm sức giúp ích cộng đồng mà mình thuộc về sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Cứ dấn thân, ngã thì đứng lên
Dương Nguyễn Hồng Nhung sinh năm 1990 tại Vũng Tàu, trong gia đình có bố mẹ đều là công chức, giáo viên. Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT, với thành tích học tập tốt, Hồng Nhung được nhận học bổng du học Mỹ.
Năm 2013, cô tốt nghiệp đại học với số điểm gần tuyệt đối 3.95/4.00 GPA chuyên ngành Chemical Engineering (Kỹ thuật hóa học). Sau đó, cô tiếp tục học lên Thạc sĩ (2014) và Tiến sĩ (2018) tại Đại học Oklahoma (Hoa Kỳ).
Và rồi năm 2018, Hồng Nhung quyết định trở về Việt Nam. Cô hiện đang công tác, giảng dạy tại Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đồng thời tiếp tục hoạt động nghiên cứu của mình.
Trong thời gian ở Mỹ, lĩnh vực mà Hồng Nhung nghiên cứu là năng lượng tái tạo và vật liệu ống nano carbon. Nhưng khi về Việt Nam, nhận thấy nhiều vấn đề cấp bách và với vốn kiến thức sẵn có, cô đã quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu các chế phẩm hữu cơ phục vụ nông nghiệp.
Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 năm 2019 do Trung ương Đoàn tổ chức tại Hà Nội, Tiến sĩ Hồng Nhung là một trong 236 đại biểu tham dự. Đây là lần thứ 2 nữ tiến sĩ góp mặt tại diễn đàn này. Dự án được trình bày ở tọa đàm: “Bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu” đã nhanh chóng được nhiều trí thức đón nhận và ngỏ lời mời hợp tác.
Chia sẻ về dự án, Hồng Nhung cho biết ý tưởng được xuất phát từ chính thực tế, khi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đang rất đáng lo ngại. Nhờ những người bạn cùng nghiên cứu về thảo dược thời gian còn ở Mỹ, nữ Tiến sĩ và cộng sự đã ngồi lại bàn bạc để tìm ra hướng đi. Họ nảy ra ý tưởng tại sao không chiết xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đây là sản phẩm tốt, trong khi nhóm lại có nền tảng kiến thức vững chắc về dược liệu, từ đó dự án đã chính thức ra đời.
TS Dương Nguyễn Hồng Nhung và cộng sự luôn hy vọng công trình nghiên cứu của mình sẽ góp phần cải thiện phần nào tình trạng ô nhiễm hiện nay |
Và thế là, Tiến sĩ Nhung bắt tay vào chọn nguyên liệu là các loại dầu, tinh dầu được chiết xuất từ cây neem. Loại cây này có rất nhiều ở Ninh Thuận, Bình Thuận với tác dụng kháng viêm, trừ sâu bọ là ưu điểm. Ở Ấn Độ, dầu neem cũng được ứng dụng rộng rãi. Bên cạnh đó ở Việt Nam cũng có rất nhiều loại thảo mộc khác như sả, tràm gió, khuynh diệp, đinh hương, hương nhu... có thể phục vụ công tác nghiên cứu.
Theo Tiến sĩ Hồng Nhung, nhóm hiện đang sử dụng các công nghệ khác nhau để đưa dầu và tinh dầu về dạng nano với kích thước siêu nhỏ, giúp tăng tính thẩm thấu cũng như dược tính của thuốc bảo vệ thực vật. Đó là điểm chính để tạo ra sản phẩm hiệu quả với giá thành hợp lý.
Hiện tại, sản phẩm đã được thử nghiệm trên rau xanh ở diện tích 1.000m2 trong nhà kính và 700m2 ở ngoài trời, bước đầu cho hiệu quả xua đuổi và diệt trừ sâu bệnh tốt. Với các loại cây ăn quả như chôm chôm, bơ, nho... sản phẩm cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Khi được hỏi về khó khăn khi thực hiện dự án, cô cho biết việc lạm dụng thuốc trừ sâu trong canh tác nông nghiệp là thói quen khó bỏ. Hiện tại nhóm đang đẩy mạnh nghiên cứu thêm sản phẩm dành cho các hộ gia đình trong thành phố, đối tượng là các loại rau, cây cảnh... Cùng với đó là nghiên cứu phát triển mô hình sản phẩm này cho các vườn và nông trại lớn.
Trước những khó khăn về phụ nữ nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong môi trường ở Việt Nam, Nhung chia sẻ: “Tôi quan niệm dù không làm gì thì tuổi trẻ cũng trôi qua nên cứ làm và cứ dấn thân đi, sai thì sửa, ngã thì đứng lên. Chỉ cần mình thấy đáng thì cứ dũng cảm lên và tin rằng những đánh đổi kia sẽ mang lại nhiều món quà bất ngờ, thậm chí hơn cả sự mong đợi ban đầu”.
Là một người làm về giáo dục nên bên cạnh việc nghiên cứu, cô còn ấp ủ mong muốn tạo môi trường thực tế cho sinh viên học tập, trải nghiệm nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Nhung mong muốn chia sẻ rộng rãi những lợi ích của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ từ cây neem trong sản xuất nông nghiệp. Theo Nhung, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không chỉ khiến dư lượng trên rau quả vượt ngưỡng cho phép mà còn nhiễm độc tài nguyên đất, nước... đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Nhung cho biết, neem sở hữu nhiều đặc tính ưu việt như khả năng kháng viêm và kháng khuẩn cao, có thể chống sâu bệnh trên cây trồng hiệu quả nhưng không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hay gây hại cho người.
Kết quả nghiên cứu còn thúc đẩy việc sử dụng các hợp chất tự nhiên trong bảo vệ rau quả, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đóng góp vào ngành công nghiệp dược mỹ phẩm và hóa chất. Bên cạnh đó, góp phần tăng giá trị cây neem để góp phần cải thiện đời sống người dân, nhất là những địa phương có diện tích trồng neem lớn như ở Ninh Thuận.
TS Nguyễn Hồng Nhung cho biết, trong quá trình nghiên cứu gặp khó khăn nhất là trang thiết bị nghiên cứu, thực nghiệm. Nhung chia sẻ chính tinh thần không bỏ cuộc đã giúp nhóm vượt qua những hạn chế, thậm chí những lúc tưởng chừng không còn hy vọng…