Nỗi cơ cực của cụ bà 30 năm nhặt rác nuôi đứa con tâm thần

(PLO) - Ở tuổi 78, đáng lẽ cụ phải ở nhà hưởng an nhàn có con cháu chăm lo, phụng dưỡng, thế nhưng cụ Nguyễn Thị Thỉ (trú khu tái định cư Hương Sơ, phường Hương Sơ, TP. Huế) vẫn phải bươn chải kiếm tiền nuôi đứa con tâm thần suốt mấy chục năm nay.
Mệ Thỉ ngày ngày cặm cụi bên đống rác để kiếm tiền nuôi con
Mệ Thỉ ngày ngày cặm cụi bên đống rác để kiếm tiền nuôi con

Một đời lam lũ

Khi tôi vừa đến nơi, đã thấy cụ trong bộ đồ rách rưới, bàn tay trần bới từng bịch ni lông, lôi từng chai nhựa trong đống rác bóc mùi tanh tưởi, ruồi nhặng bu bám khắp nơi. Mùi hôi thối xộc thấu tận mũi, ngửi thôi đã thấy buồn nôn, thế nhưng đó lại là công việc suốt bao năm nay của người mẹ già cơ cực này.

Thời còn trẻ, cụ Thỉ cũng có một gia đình hạnh phúc. Chồng cụ do làm việt quá lao lực nên đã mất khi tuổi đời còn khá trẻ, để lại bốn đứa con nheo nhóc. Chồng mất, mọi gánh nặng như đè hết lên hai đôi vai người phụ nữ này.
Ý thức được trách nhiệm của một người mẹ phải lo cho con cái, gạt đi nước mắt, cụ lao vào kiếm tiền nuôi năm miệng ăn quên đi thời gian.
Người mẹ trẻ một nách bốn đứa con thơ, làm thuê làm mướn tần tảo, nhưng cuộc sống chỉ là những ngày tháng vất vả, túng quẫn. Khi hai đứa con gái đầu khôn lớn cứ nghỉ đã đến lúc người mẹ được nguôi tay, an hưởng tuổi già, nào ngờ cái khổ cứ đeo đẳng mãi. 
Hai con cụ, không công ăn việc làm cùng dắt nhau vào nam sinh sống đến nay đã mấy chục năm không về quê, cũng chẳng hỏi han quan tâm gì tới người mẹ già.
Đứa con gái thứ ba tuy đã có gia đình riêng nhưng hoàn cảnh khó khăn, suốt ngày làm thuê làm mướn còn không nuôi nổi đàn con đang tuổi ăn, tuổi học chẳng đỡ đần gì được cho mẹ. Còn người con trai út cứ tưởng sẽ là trụ cột gia đình là nơi tựa cuối cùng cho cụ những năm tháng về già, ai ngờ bệnh tâm thần ngày càng nặng, khiến cụ phải làm lụng vất vả khi đã ở cái tuổi gần đất xa trời.

Khi còn khỏe, cụ Thỉ là một trong những nữ cửu vạn chịu thương chịu khó nhất nhì chợ Đông Ba. Với thân hình mảnh khảnh, đôi chân gân guốc, bàn tay chai sần cụ đã bốc dỡ biết bao nhiêu hàng hóa trong cuộc đời làm cửu vạn của mình. Nhưng khi sức khỏe đã chẳng còn như trước, không thể tiếp tục công việc bốc dỡ hàng nặng nhọc, cụ chuyển qua nghề lượm phế liệu mong kiếm được đôi ba đồng lo cho con.

Khu bãi rác tăm tối, bẩn thỉu, mùi nồng nặc, là chốn cụ chọn làm nơi “sinh kế” trong quãng thời gian còn lại của cuộc đời mình. 
Hằng ngày cụ thức dậy từ lúc rạng sáng khi khu chợ đã bắt đầu đông người, làm quần quật đến khi chợ tan, vẫn chưa nguôi tay. Có khi tới tận 2h sáng cụ mới ngả lưng.

Hình ảnh bà lão tóc đã bạc trắng, đôi mắt mờ đục đi vì thời gian, ngày ngày tần tảo mưu sinh nơi bãi rác đã trở thành hình ảnh quá quen thuộc với chị em tiểu thương nơi đây. Thương bà lão tính tình hiền lành, lại chất phác hễ có cái gì ngon họ đều san sẻ với cụ. Có công việc gì cần người làm họ đều ưu tiên gọi cụ. 

Sức còn, còn đi nhặt rác kiếm tiền

Mọi người cho biết không có ngày nào mà cụ vắng mặt ở chợ để thu lượm phế liệu, cụ làm việc từ sáng cho tới tò mò tối vẫn chưa chịu nghỉ ngơi.

Thương cho gia cảnh của cụ, các chị em tiểu thương người cho tô bún, kẻ cho cái bánh ăn qua bữa. Chị Bé một tiểu thương cho biết “Thấy cụ ai cũng thương, tuổi thì cao, sức lại yếu nhưng ngày mô cũng cặm cụi ở bãi rác. Chị em tiểu thương lâu lâu có cái chi ngon thì cho cụ ăn chứ chẳng giúp được gì nhiều, tôi thì chẳng có gì dăm bửa nửa tháng gửi ít khoai về để cụ nấu ăn cho ấm bụng”.

Đi nhiều, giờ đôi chân của cụ không còn đứng vững, đôi bàn tay ngày nào giờ đã chai sạn, trơ xương. Với khuôn mặt khắc khổ, vết chân chim hằn lên rõ nét trên vầng trán đen sạm vì nắng gió, đôi mắt rưng rưng cụ nói “ Đến cái tuổi ni tui cũng muốn nghỉ ngơi lắm, nhưng tui không làm lấy đâu ra tiền nuôi đứa con ở nhà đây, nó suốt ngày nhậu nhẹt, người không ra người, ma không ra ma, tui mà không đi làm, chỉ có nước hai mẹ con chết đói”

Đứa con trai tâm thần của cụ là anh Phạm Quý năm nay đã 44 tuổi, tuy tuổi đã lớn nhưng hành động và suy nghỉ thì vẫn như một đứa trẻ con. Lúc tỉnh táo, anh còn giúp được mẹ quét cái nhà, chứ lúc không bình thường anh đi lang thang, nhậu nhẹt về đập phá, chửi  bới.

Bà lão cho hay, do nhà ở xa nên để tiết kiệm chi phí đi lại, cụ đem áo quần, đồ dùng sinh hoạt ngủ ngay tại bãi rác. Còn đứa con thì gửi lại cho hàng xóm, một tuần cụ mới về nhà một lần sau khi bán hết số rác thu gom được cho người ta. 
Công việc nặng nhọc, lại tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, chứng đau khớp của cụ ngày càng nặng hơn. Ngày nắng còn đỡ, chứ ngày mưa là nó lại dở chứng, đau nhức ê ẩm. Thế nhưng vẫn phải gắng lượm lặt, được đồng nào hay đồng ấy còn có tiền về đong gạo nuôi con”,  cụ cho biết thêm.
Sức đã tàn, lực đã kiệt, chân tay đã run rẩy như ngọn cỏ giữa gió đông, cụ Thỉ vẫn chăm chỉ mỗi ngày nơi  xó chợ tăm tối để kiếm đồng ra đồng vào. Dẫu có ngày chẳng kiếm được đồng nào cụ vẫn kiên nhẫn ngồi đợi từng xe rác đến mong nhặt nhạnh được gì thì nhặt. 
 Ở cái tuổi này gần đất xa trời, điều cụ mong mỏi nhất là đứa con của cụ hết bệnh, sống một cuộc sống bình thường như bao người khác. “Nếu một ngày tui chết xuống ai sẻ là người lo cho nó đây”, đưa ánh mắt xa xăm nhìn con đò đang chạy giữa dòng nước mênh mong cụ thở dài.

Đọc thêm