Nơi có những cây nến cháy suốt trăm năm

42 năm qua, hai cây nến nhỏ nhất vẫn chưa cháy hết (còn cháy được khoảng 4-5 năm nữa) Điều đặc biệt là trong suốt hơn 40 năm, hai ngọn nến này chưa một lần bị tắt vì bất cứ nguyên nhân gì, kể cả khi bão thổi bay mái chùa hay nước ngập trong lòng chùa đến đầu gối.

Sóc Trăng - Có một ngôi chùa độc đáo mà ở đó trên 1900 bức tượng Phật, trên 200 mẫu tượng thú, bảo tháp, lư hương... đều bằng đất sét và 8 cây nến mà nếu thắp liên tục (hai cây một lần) sẽ cháy trong khoảng 350 năm. Trong một lần về Sóc Trăng chúng tôi đã được tận mắt “đích mục sở thị” ngôi chùa độc đáo này.

Ngọn nến đã cháy liên tục hơn 40 năm
Ngọn nến đã cháy liên tục hơn 40 năm

Công trình của người nông dân tài hoa

Đến Sóc Trăng hỏi chùa Đất Sét thì ai cũng biết, bởi nó là một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất ở tỉnh Sóc Trăng.

Theo lời kể của con cháu dòng họ Ngô - hiện đang trông coi chùa- chùa Đất Sét (tên chữ Bửu Sơn Tự - tọa lạc trên đường Tôn Đức Thắng, phường 5, TP.Sóc Trăng), là ngôi chùa của gia tộc họ Ngô được xây đầu thế kỷ XX.

Năm 1928, trong một lần trùng tu chùa, Ông Ngô Kim Tòng nằm mơ thấy Phật đến chỉ bảo cho ông đi về hướng Tây để lấy đất sét về xây đắp tượng mà thờ. Tỉnh dậy ông quyết làm theo lời Phật dạy. Đầu tiên đất sét lấy về, ông cho phơi thật khô, sau đó bỏ vào cối giã thật nhuyễn, rồi sàng lọc loại bỏ tạp chất lấy đất mịn trộn chất keo đặc biệt gồm bột nhang và ô đước tạo thành một hỗn hợp dẻo, thơm. Để tạo hình, ông dùng lưới kẽm, cây gỗ dựng khung, lấy vải màn bao lại mới đắp đất lên, rồi dùng kim nhũ, dầu bóng phủ lên.  

Người nông dân chưa hề học qua một lớp điêu khắc, chỉ với đôi tay khéo léo, khối óc tài hoa và tấm lòng hướng Phật trong sáng, đã tạo ra có hàng ngàn tượng bức tượng Phật lớn nhỏ với những họa tiết vô cùng tinh xảo toàn bằng đất sét.

Trong số những công trình làm bằng đất sét trong chùa, có ba công trình được đánh giá cao nhất về ý tưởng, cách tạo hình, sự kỳ công: Đầu tiên phải kể đến toà Đa Bảo 13 tầng, 208 cửa, 208 vị Phật, 156 con rồng uốn khúc chầu quanh đỡ mái tháp. Và đặc biệt là tác phẩm được nhiều nhà khoa học đánh giá cao là  cây đèn được gọi là Lục Long. Lục Long khổng lồ bằng đất sét treo dưới trần nhà ở trung tâm ngôi chùa. Lục Long Đăng gồm 3 chóp đỉnh với 6 con rồng lớn uốn cong, đuôi chụm vào nhau, đầu trổ ra các phía. Đáy đèn là một bông sen nâng đỡ. Thân rồng được làm hoàn toàn bằng đất sét với hàng ngàn chi tiết tinh vi, lại có trọng lượng khá nặng, vậy mà treo gần thế kỷ qua, nó không nứt nẻ, rụng rơi.

Những cây nến thắp sáng trăm năm

Những năm cuối đời, ông tạm ngừng đắp tượng, tiến hành đúc nến "đèn cầy). Ông Ngô Kim Tòng đã phải mua sáp nguyên chất từ Sài Gòn về, nấu chảy ra rồi mới đúc nến.

Do các cây nến này có kích thước quá to, không có khuôn nào đúc nên ông Tòng đã dùng tôn lợp nhà làm khuôn đúc. Ngày nay ta nhìn thấy các gợn sóng quanh thân nến chính là các rãnh trên tấm tôn ngày xưa.

Để đúc được một cây nến ông Tòng phải kiên trì làm việc suốt mấy tháng trời. Sáp nấu chảy, khi đạt độ nóng cần thiết thì rót từ từ vào khuôn, phải rót làm sao cho đều để nến không rỗng ruột và khi khô thì nén chặt cứng như đá. Chính yếu tố cứng như đá đã tạo ra kỷ lục cháy mấy chục năm của những cây nến này.

Lao động cật lực trong nhiều tháng thì 8 cây nến hoàn thành. Trong đó: 6 cây lớn (3 cặp), mỗi cây nặng 200 kg cao 2,5m-2,6m, đường kính 0,5m và hai cây nhỏ mỗi cây nặng 100 kg, cao 1.3m, đường kính 0,5m.

Trừ hai cặp nến nhỏ đang cháy, nếu nhìn bên ngoài du khách thường nhầm những cặp nến to với cột của chùa. Cặp nến đứng trước tại bàn thờ chính, như chiếc cột lớn một người ôm không hết. Bề mặt lượn sóng (do các rãnh trên tấm tôn khi cụ Ngô Kim Tòng làm khuôn để đúc nến).

Trên thân  hai ngọn nến là một con rồng màu vàng quấn quanh từ chân đến ngọn nến. Ngoài ra bề mặt nến còn nhiều bông sen trắng sống động tô điểm. Cột bên phải là có một con hổ trắng, cột bên trái là một con sư tử, rất oai phong uy dũng.

Năm 1970, ông Tòng qua đời và 2 cây nến được thắp lên. 42 năm qua, hai cây nến nhỏ nhất vẫn chưa cháy hết (còn cháy được khoảng 4-5 năm nữa) Điều đặc biệt là trong suốt hơn 40 năm, hai ngọn nến này chưa một lần bị tắt vì bất cứ nguyên nhân gì, kể cả khi bão thổi bay mái chùa hay nước ngập trong lòng chùa đến đầu gối.

Người hướng dẫn ngôi chùa cho biết, sau khi cặp nến nhỏ cháy hết, hai cặp nén lớn sẽ được thắp lên. Nếu một cây nến nhỏ cháy chừng trong vòng 45 năm, cây nến lớn khoảng 100 năm mới hết. Như vậy nếu thắp từng cây một thì phải mất khoảng 600 năm nữa những ngọn nến khổng lồ này mới cháy hết. Còn nếu thắp từng cặp thì cũng phải 3 thế kỷ nữa, chùa Đất Sét mới hết nến.

Một điều thú vị là, ngoài những ngọn nến "trăm năm", thì ngôi chùa đặc biệt này còn có 3 cây hương (nhang) khổng lồ. Mỗi cây cao tới 2m, nặng 50kg. Theo di chúc của người sáng lập ra ngôi chùa thì sau khi nến cháy hết mới thắp hương.  Vì hương chưa được thắp nên người ta chưa ước tính được nó sẽ cháy trong bao lâu, nhưng chắc chắn kỷ lục "cháy bền" của nó không kém những cây nến.

Gần nửa thế kỷ qua, những du khách và cả những nhà khoa học khi đến đây đều kinh ngạc, không thể lý giải nổi tại sao một con người xuất thân từ nông dân, chỉ mới học hết lớp 3 và không hiểu biết gì về nghệ thuật hội họa hay điêu khắc lại có thể tạo nên cả một công trình công phu, tinh xảo, “độc nhất vô nhị” đến vậy.

Hoàng Giang

Đọc thêm