S. là con trai thứ của vợ chồng Nguyễn Văn Tuyên và Lê Thị Huệ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vụ án xác chết không nguyên vẹn ở hồ Rẻ Quạt xảy ra đã mấy năm nhưng mọi người không sao quên được sự dã man và rùng rợn của nó. Chỉ vì thói ham mê cờ bạc, mâu thuẫn gia đình mà người chồng thủ ác đã đẩy chết vợ, rồi thản nhiên chặt nhỏ đem vứt ở nhiều nơi hòng phi tang.
Gã cũng thản nhiên nói dối các con mình rằng mẹ đi Trung Quốc học nấu ăn, khi hai đứa trẻ hỏi mẹ sao vắng nhà lâu thế. Cho đến khi sự việc được phát hiện, Nguyễn Văn Tuyên phải ra tòa, nhận án tử.
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Ngày xử Nguyễn Văn Tuyên, con gái lớn của Tuyên và nạn nhân là Nguyễn Hồng P. không đến dự tòa vì tránh mặt bố. Đau đớn hơn, chính em đã phát hiện ra bố mình là kẻ giết mẹ. Sự vắng nhà của mẹ và lời giải thích của bố không làm em yên tâm, cho đến khi đọc báo thấy thông báo của công an về một nạn nhân nữ mặc chiếc áo phông màu hồng có đính hoa vải màu vàng thì em đã chột dạ vì quá đỗi quen thuộc.
Cũng từ đây em đau đớn nhận ra chân tướng người cha và nguyên nhân vắng nhà của mẹ mình. Mẹ chết, bố đi tù, em trai vào làng trẻ, bỗng chốc P. mất hết tất cả người thân. Trong em, nỗi đau mất mẹ và xa lìa em trai chưa bao giờ nguôi ngoai. Mấy năm trôi qua, nỗi đau đã chai lỳ để cho P. trở nên cứng cỏi hơn, nhưng bên trong sự cứng cỏi đó vẫn là một tâm hồn đầy thương tổn.
Không ai muốn nói về nỗi đau, nhất là khi nỗi đâu đó lại đè nặng lên những đứa trẻ thơ ngây, vô tội. Nhưng, đối với bạo lực gia đình (BLGĐ), im lặng đồng nghĩa với đồng lõa, đồng nghĩa với chấp nhận, để rồi danh sách những nạn nhân của BLGĐ cứ dài mãi ra, nỗi đau cứ mãi chất chồng lên bờ vai bé nhỏ của những đứa trẻ.
Ngay ở trên địa bàn Hà Nội, có tới 54,6 % nạn nhân BLGĐ được cứu chữa ở các cơ sở y tế đã có “thâm niên” chịu bạo lực từ 2-7 năm, 27,9% chịu bạo lực từ 8 năm trở lên - theo thống kê của Sở Y tế. Còn theo ngành Công an, nạn nhân thường chỉ trình báo khi BLGĐ đã kéo quá dài và mức độ thương tích trở nên nghiêm trọng.
Điều này cho thấy, để cải thiện tình hình BLGĐ, trước tiên phải thay đổi nhận thức của cả cộng đồng, đặc biệt là người bị bạo hành. Bản thân người bị bạo hành phải hiểu được quyền của mình cũng như các quy định của pháp luật về việc bảo vệ họ.
Họ cần được trang bị các kỹ năng cần thiết để có thể nhận diện các dấu hiệu của BLGĐ cũng như xây dựng các kế hoạch an toàn cho bản thân. Có như vậy việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân BLGĐ mới không gặp khó như hiện nay.