“Cơn bão” ma túy, HIV từng một thuở quét qua vùng đất này biến nơi đây thành “điểm nóng” với muôn vàn vết thương khó lành. “Điểm nóng” phần nào đã “hạ nhiệt”, nhưng nỗi đau thực tại vẫn hiện hữu.
Chuyện nhói lòng trên phố núi
Chúng tôi tìm đến Hát Lót (huyện Mai Sơn) nơi từng được ví von như một “yết hầu”, điểm trung chuyển ma túy từ Sơn La đi các địa phương khác. Theo một cán bộ công an phụ trách an ninh trật tự trong khu vực, hiện tình hình buôn bán ma túy đã được kiểm soát khá tốt.
Ngay mới đây thôi, khoảng trung tuần tháng 4/2015, lực lượng chuyên trách đã bắt giữ đối tượng Phùng Thị Bắc, sinh năm 1992, trú tại Tiểu khu 2 về hành vi tàng trữ trái phép ma túy. Tang vật thu giữ được từ đối tượng gồm 160 viên ma túy tổng hợp, trọng lượng 14,94 gam.
Ở cái nơi từng được ví là “rốn” ma túy này cũng đã có không ít đối tượng cộm cán, từng chìm đắm trong màn khói thuốc biết đứng dậy, thay đổi để hướng thiện. Chẳng nói đâu xa, cũng ngay tại Tiểu khu 2 có trường hợp Trần Ngọc Khánh, 39 tuổi, một ông chủ trang trại lớn là minh chứng rõ ràng nhất. Trần Ngọc Khánh từng có thâm niên chích hút từ năm 1996. Mãi đến năm 2000, Khánh trở thành con nghiện nặng, bị kết án 24 tháng tù giam vì tội ma túy.
Ra tù, năm 2008 Khánh lại tiếp tục bị bắt vì tội danh trên. Những tưởng cuộc đời Khánh mãi chìm trong vũng bùn tội lỗi nhưng nhờ sự động viên của vợ, được sự giáo dục thường xuyên của cán bộ an ninh khu vực, Khánh đã biết quay đầu, tìm lại bản ngã thiện lương.
Đến nay, Trần Ngọc Khánh là ông chủ một trang trại rộng hơn 4.000m2, một thành viên của Tổ an ninh nhân dân, nòng cốt trong công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn trong khu vực.
Qua những ví dụ chân thực trên để thấy rằng ma túy đã và đang được lực lượng chức năng ở Sơn La khống chế hiệu quả. Tuy nhiên, nếu thẳng thắn nhìn nhận thì những “dư vị” mà ma túy, HIV để lại trên vùng đất này tựa như những vết sẹo cứa sâu, khó lành. Nó đã khiến không ít gia đình tan nát, lấy đi bao nước mắt của người già, trẻ nhỏ.
Bà Lò Thị Y. ở tiểu khu 17, chồng con, nhà cửa, tất cả mọi thứ mà người phụ nữ 60 tuổi này cố công vun đắp đều đã bị “cuốn trôi” đi cả. Theo lời bà Y, cách đây ngót 9 năm, lần lượt hai người con và chồng bà “bập” vào ma túy. Sau khi tiêu tan cả sản nghiệp, chồng con bà Y lần lượt chết vì dùng ma túy quá liều.
Trường hợp chị Đặng Thị T. ở khu vực trên cũng tương tự như vậy. Chị T. mới ngoài 30 nhưng thời gian, sức lực và nét thanh xuân mặn mà đã bị lấy đi gần hết. Chồng chị T. mới mất vì HIV cách đây 3 tháng, chị cũng bị nhiễm bệnh từ chồng. Chị không biết bản thân sẽ gắng gượng được đến giây phút nào nhưng vì hai đứa con, chị phải cố.
Trường hợp hai người phụ nữ trên vẫn chưa phải là bi đát nhất. Bởi ở Hát Lót, trong quá khứ hãi hùng người ta còn rỉ tai nhau không ít câu chuyện về những gia đình bất hạnh, tuyệt vọng đến cùng cực. Trên một chuyến xe chạy ngang khu phố thị này, người viết tình cờ nghe được chuyện một gia đình bị nhiễm HIV.
Sau khi chồng chết, người phụ nữ tuyệt vọng ấy đã vái sống họ hàng bên chồng để li biệt. Trong dòng nước mắt, chị nói rằng cả chị và hai con đều bị nhiễm HIV từ người chồng mới chết. Có những lúc quá tuyệt vọng, chị từng muốn “giải thoát” bằng cách ba mẹ con cùng uống thuốc độc quyên sinh.
Câu chuyện đẫm nước mắt ấy không có cái kết, chỉ xen tiếng thở dài não ruột…
Buôn ma túy để... thoát nghèo
Qua khảo sát, hiện Sơn La có số lượng người nghiện ma túy tương đối cao, chỉ tính riêng số người nghiện trong hồ sơ quản lý đã lên tới 15.037 người. Ước tính mỗi năm địa phương này có thêm khoảng 400 trường hợp nhiễm HIV. Hiện Sơn La là một trong 10 tỉnh, thành có số người nhiễm HIV/triệu dân cao nhất của cả nước, thậm chí vượt qua cả những địa phương từng có số người nhiễm HIV cao như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội.
Liên quan đến vấn nạn ma túy, HIV ở Sơn La, căn nguyên gốc rễ khiến nơi đây trở nên “nóng” là cái nghèo, cái đói lại ít khi được đề cập đến. Hay nói cách khác, túng quẫn đã dẫn đến sự thiếu hiểu biết pháp luật, khiến họ lao đầu, quay cuồng trong “cơn bão trắng”.
Minh chứng điều này, ông Đào Công Dũng - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Mai Sơn cho biết, hiện tính riêng nơi đây có 6.293 hộ nghèo, chiếm khoảng 17,9%. Và hơn hết, với một địa phương được xem là trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh thì tỷ lệ nghèo như trên vẫn còn khá cao. Công tác giảm nghèo luôn là thách thức nan giải.
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, trả lời báo chí cách đây ít lâu, Đại tá Phùng Tiến Triển - Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La cũng cho rằng, từ nhiều năm nay, đồng bào dân tộc thiểu số tại Sơn La đều sống ở mức dưới trung bình. Lợi dụng điều đó, các đối tượng “trùm” ma túy đã rủ rê, lôi kéo bà con làm nghề “phu” ma túy, với số tiền bao ngất ngưởng là 100 USD, tương đương hơn 2 triệu đồng để mang 1 bánh heroin, khoảng 350 gam.
Trong hoàn cảnh túng quẫn, trước một số tiền lớn như vậy nên nhiều người đã không thoát khỏi sự cám dỗ. Họ nhắm mắt đưa chân, bất chấp để làm giàu, dù vẫn biết đó là làm giàu bất chính.
Trong những ngày công tác ở Sơn La, tiếp xúc với những con nghiện, “đầu nậu”..., các đối tượng này cũng “chứng thực” với phóng viên nhận định của Đại tá Phùng Tiến Triển là chính xác. Từng trải qua chuỗi ngày làm “phu” ma túy, Lò Văn Ơ giãi bày: “Đầu tiên do nghiện ngập nặng nên tôi bị dụ dỗ đi buôn hàng. Về sau thấy đi buôn được nhiều tiền hơn lên rẫy, lại không vất vả nên cứ dần lún sâu, mãi đến khi bị bắt, được sự giáo dục tôi mới nhận ra sự sai trái”.
Trở lại với nỗi nhức nhối phía sau “cơn bão” ma túy, HIV quét qua phố núi Mai Sơn, nếu xét kỹ, trên vùng đất này có cả ngàn lẻ những nỗi đau đang bủa vây, đẩy con người vào đường cùng. Tất cả cũng chỉ vì hai chữ ma túy.
Nhưng có lẽ trong ngàn lẻ nỗi đau ấy, mất mát và chịu ảnh hưởng lớn nhất là những người phụ nữ mất chồng, những đứa trẻ côi cút vì cha mẹ bị tù đày, chết vì ma túy. Những đứa trẻ ấy đều đang trong độ tuổi non nớt, thiếu vắng sự chăm sóc, dạy dỗ của cha, chúng lớn lên từng ngày, như cây cỏ trên vùng đá núi tự đi tìm sự sống cho mình…
(còn tiếp)
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống ma túy tỉnh Sơn La, trong giai đoạn 2011-2015, các lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy đã phát hiện, bắt giữ 3.243 vụ với 4.672 đối tượng phạm tội về ma túy. Riêng về HIV/AIDS, trong báo cáo tổng kết năm 2014 của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Sơn La, số người nhiễm HIV lên tới 7.382 người.
Trong đó, số bệnh nhân AIDS còn sống là 3.029 người, tính riêng tháng 11/2014 số người phát hiện mới là 506, chuyển sang giai đoạn AIDS là 236 người. Thế mới biết, “cơn lốc trắng” đã và đang quét qua vùng đất phía Tây Bắc của Tổ quốc khủng khiếp đến chừng nào. Nó khiến không ít nóc nhà tan nát, trẻ nhỏ nheo nhóc vì mất cha...