1. Gần Tết thời tiết trở lạnh, mưa rả rích nhiều khiến các con đường mòn đi lấy lá dong rừng trở lên trơn trượt. Nhưng vì Tết đang đến rất gần, các thợ đi lấy lá dong rừng quyết định “hạ trại” theo phương châm “4 tại chỗ”. Họ ăn ở tại chỗ, các mẻ lá dong được tập kết thành từng đống, chờ thời tiết tốt sẽ được gùi ra khỏi bìa rừng.
Chị Hoàng Thị Huệ, dân tộc Tày, quê ở xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa cho biết, cây dong thường mọc dưới tán các khu rừng già có bóng mát và độ ẩm cao. Thường thì cây đẻ nhánh và sống thành từng vạt lớn. Chính vì đặc điểm này mà những thợ đi lấy lá dong phải đi rất xa, vào vùng lõi các khu rừng già mới lấy được lá đẹp.
Theo chân những người đi lấy lá dong ở thôn Đồng Mo, xã Hòa Phú vào khu vực Khuổi Nhầu dưới chân Chạm Chu giáp với địa danh huyện Hàm Yên để lấy lá dong mới thấy hết vất vả. Những người lấy lá dong phải đi xe máy theo đường mòn tầm 10 km, sau đó cuốc bộ 5-8 km nữa mới tới điểm lấy lá dong.
Chị Ma Thu Trang cho biết, trung bình mỗi ngày, một người cắt, bó, gùi về nhà được từ 700 - 1.000 tàu lá, thu nhập từ 400 - 450 nghìn đồng. Theo quy ước, cứ 25 tàu lá, họ bó thành một bó nhỏ, 4 hoặc 8 bó nhỏ buộc thành cuộn lớn. Người ta dùng lá cây rừng bọc kín lá dong nhằm tránh nắng, gió, mưa gây hư hỏng.
Sau khi được tập kết về nhà, lá dong được ngâm phần cuống vào chậu nước sạch thay mới thường xuyên nên giữ được màu xanh lâu. Nếu bảo quản đúng kỹ thuật, lá dong có thể để được hơn 1 tháng mà lá vẫn xanh.
2. Tại khu vực Đỉnh Mười-Ba Xứ thuộc địa phận xã Tân Tiến, nơi được mệnh danh trung tâm “vựa” lá dong của huyện Yên Sơn, dòng người vẫn đang hối hả trong việc lấy lá dong về bán Tết những ngày này.
Thời điểm này, công việc đồng áng đã xong, người dân địa phương thường rủ nhau vào rừng lấy lá dong bán trang trải thêm cuộc sống, sắm sửa Tết đàng hoàng hơn. Nếu chăm chỉ, thu nhập một vụ lấy lá dong cũng lên đến 5-7 triệu đồng/gia đình. Do thông thạo địa hình cộng với công lao động đi hái lá dong cao nên có nhiều người địa phương đi hái la dong rừng về bán.
Lá dong lấy ra đến đâu được lái buôn đánh ô tô tải đến mua sạch sành sanh, giá bán buôn 30-40 nghìn/100 tàu lá; giá bán lẻ 50-60 nghìn đồng/100 tàu lá. Lá dong được tiêu thụ nhiều ở chợ Tam Cờ và chở về xuôi bán cho các chợ đầu mối, các làng gói bánh chưng Tết.
Những ngày gió mùa đông bắc tăng cường này, vùng rừng núi Tát Kẻ-Bản Bung của huyện Na Hang mây âm u cả ngày. Nhưng những người đi lấy lá dong vẫn quyết tâm vào rừng hái lộc trời, hành trang của họ đơn giản là cơm nắm, võng, chăn và cây rựa phát lối đi.
Ông Ma Văn Sơn ở xã Thanh Tương chia sẻ, việc đi lấy lá dong rừng về bán đã trở thành truyền thống của gia đình ông. Các thành viên trong gia đình rất thông thuộc địa hình và hỗ trợ cho nhau trong việc hái, bó, tập kết, vận chuyển, bảo quản, bán lá dong.
Kinh nghiệm cắt lá dong cũng được mọi người rỉ tai nhau, không lấy nhầm lá dong lông. Loại lá dong to bó riêng để gói được bánh to, loại nhỏ bó riêng để gói bánh loại nhỏ. Khi cắt xong búi lá dong, người hái cầm dao chặt phần gốc còn dư lại để năm sau lá dong mới ra nhiều, tàu đẹp.
Vào các buổi sáng tinh mơ, khu vực bến Co Le, chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang) lại nhộn nhịp các thuyền, ô tô, xe máy chở lá dong ở các nơi về bán. Các lái buôn hàng rồi trả giá, công việc mua bán diễn ra nhanh chóng. Bà Trần Thị Hiền, lái buôn lá dong ở Vĩnh Phúc lên mua hàng thường xuyên ở Tuyên Quang khẳng định, không đâu có nhiều lá dong đẹp như ở Tuyên Quang.
Lá dong mọc dưới tán rừng tự nhiên nên có màu xanh mướt, lá đều nhau tăm tắp. Theo bà Hiền, vào dịp Tết lượng lá dong hút về xuôi rất lớn, hầu như hàng ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó nên người lấy rất yên tâm về thị trường, giá cả.