Nỗi khốn khó và tình người

(PLVN) - Hải Dương trở thành tâm điểm cả nước khi chứa nhiều ca bệnh Covid và lây lan với tốc độ nhanh. Kéo theo đó là một mùa Tết buồn của người dân Hải Dương với sự đình trệ sản xuất, cách ly hàng loạt, “ngăn sông, cấm chợ”…
Người dân xếp hàng chờ “giải cứu” nông sản.
Người dân xếp hàng chờ “giải cứu” nông sản.

Nỗi buồn mang tên “người Hải Dương”

Cách đây khoảng một tháng, những trường hợp mắc Covid đầu tiên xuất hiện tại Hải Dương. Cho đến nay, cứ hàng ngày, người dân Hải Dương và cả nước vẫn “nín thở” cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh, cách ly tại Hải Dương. Sau một tháng, từ con số vài ca ban đầu, giờ đây số ca nhiễm đã lên đến xấp xỉ 700 ca và còn có nguy cơ tăng.

Đáng ngại hơn, biến chủng virus tại Hải Dương là biến thể Anh B.1.1.7 có khả năng lây lan nhanh. Hiện có 5 ổ dịch lớn gồm: TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương. Trong đó, huyện Cẩm Giàng được đánh giá là ổ dịch khá lớn, có nguy cơ lây lan cao. 

Kéo theo tình hình dịch bệnh là nỗi khốn khó của người dân Hải Dương. Trước Tết, khi không khí đón Tết vừa háo hức xen lẫn lo âu trên cả nước thì toàn tỉnh Hải Dương trải qua một đợt cách ly với toàn bộ phần còn lại của đất nước.

Tỉnh Hải Dương giãn cách xã hội toàn tỉnh từ 0h ngày 16/2, với 949 chốt kiểm soát (29 chốt tỉnh, 108 chốt huyện và 812 chốt xã). Toàn tỉnh phong tỏa 64 khu dân cư, 9 thôn, 2 xã và 2 huyện/TP gồm Chí Linh và Cẩm Giàng. Hàng chục ngàn công nhân Hải Dương ăn một cái Tết xa gia đình khi lục tục đi… cách ly tập trung. Hàng ngàn công nhân, người dân Hải Dương đi làm ăn nơi khác chấp nhận ăn cái Tết xa gia đình.

Sau Tết, một số nơi tại Hải Dương, các khu công nghiệp, xí nghiệp đã cho công nhân đi làm lại nhưng với số lượng hạn chế và “vừa làm vừa giãn cách”. Tuy nhiên, đối với huyện Cẩm Giàng, một huyện có nhiều nhà máy, khu công nghiệp lớn, công nhân ngoại huyện chưa được phép quay lại làm việc. Tỉnh chỉ cho phép công nhân có hộ khẩu thường trú, công nhân ở tỉnh khác đang tạm trú trên địa bàn huyện Cẩm Giàng tới công ty làm việc.

Nông sản Hải Dương bị ùn ứ.
 Nông sản Hải Dương bị ùn ứ.

Tuy nhiên, những công nhân này phải có xác nhận của UBND xét nghiệm âm tính mới được làm việc. Nhà nhà máy, phân xưởng nào có công nhân có kết quả dương tính sẽ phải dừng sản xuất.

Bên cạnh nỗi khó khăn, kéo theo cả nguy cơ thất nghiệp của công nhân thì người nông dân Hải Dương cũng đang “khóc ròng” vì nông sản ế bởi tình hình “ngăn sông, cấm chợ”.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn 4.087ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng 90.767 tấn, chủ yếu là hành 55.902 tấn (80% bảo quản nông hộ, 20% chế biến tại tỉnh); cà rốt 26.766 tấn (90% xuất khẩu, 10% tiêu thụ nội địa); rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại 8.100 tấn (30% xuất khẩu, 70% tiêu thụ nội địa) cần được tiêu thụ. Đã có tình trạng các tỉnh, thành phố giáp ranh Hải Dương không cho xe hàng của Hải Dương đi qua, kể cả việc sang tải tại các chốt giáp ranh. 

Cách đây hơn một tuần, một số trang mạng xã hội ở Hải Dương đăng một bài tâm sự đầy buồn bã của một người dân. Trong lời tự sự này, người viết bày tỏ rằng người dân Hải Dương, thời điểm Đà Nẵng bùng phát dịch, thời điểm miền Trung lũ lụt đã không tiếc sức người, sức của để hỗ trợ.

Thời gian qua, khi Hải Dương trở thành “điểm dịch”, đã có không ít thái độ kì thị người dân, từ chối nông sản đến từ Hải Dương của một số người dân, thương lái vùng khác, dẫn đến tình trạng nông sản bị ế ẩm, phải vứt bỏ, khiến đời sống người nông dân Hải Dương thêm khó khăn.

“Chúng tôi như trở lại những năm chưa lạm phát. Su hào 2 ngàn đồng/củ. Bắp cải 4 ngàn/cái. Ngô 7 ngàn/kg. Súp lơ 2 ngàn/cái… Trứng gà so 1,5 ngàn đồng/quả. Cải muối dưa 2 ngàn/kg… Cầm 10 ngàn ra chợ mua được 1 tải rau. Chúng tôi cần một lời động viên lắm lắm” - lời chia sẻ của một người dân Hải Dương trên mạng xã hội khiến cho người ta nhói lòng.

Cùng nhau vượt khó

Những ngày gần đây, “nông sản Hải Dương” đang là từ khóa “nóng hổi” trên mạng xã hội. Không còn tình trạng như tâm sự nhói lòng của một người Hải Dương nói trên, nhiều giải pháp đã được đưa ra để “giải cứu” nông sản. Thông tin về việc người Hà Nội và những tỉnh, thành lân cận chung tay “giải cứu” nông sản Hải Dương tràn ngập trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông.

Rạng sáng 22/2, nhiều tấn hàng rau, củ, quả sạch ủng hộ bà con vùng dịch đã được tập kết về đường Giải Phóng (Hà Nội) để phục vụ bà con vào sáng đầu tuần. Dù khuya khoắt và giá lạnh, nhiều người dân đã đến phụ giúp khuân vác và mua nông sản. Số nông sản này sẽ được phân phối đến một số nơi, đồng thời cũng đã có không ít người dân đặt mua trên mạng sau khi có thông tin đăng tải kêu gọi “giải cứu”.

Ở các điểm “giải cứu” nông sản Hải Dương tại Hà Nội, những hàng dài người xếp hàng để lần lượt mua, “giải cứu” nông sản với khẩu trang y tế và khoảng cách khá an toàn. Cạnh đó, nhiều người nổi tiếng cũng lên tiếng kêu gọi “giải cứu” nông sản và trực tiếp ủng hộ nông dân Hải Dương. Diễn viên Đại Nghĩa mua 20 tấn rau củ, còn Lê Dương Bảo Lâm mua 10 tấn gồm bắp cải, cà chua ủng hộ…

Chuyến xe tặng quà cho người dân Hải Dương của MC Đại Nghĩa.
 Chuyến xe tặng quà cho người dân Hải Dương của MC Đại Nghĩa.

Chị Trần Hương Doan, một người dân Hải Dương sống tại Hà Nội xúc động chia sẻ: “Không ngờ mọi người lại nhiệt tình “giải cứu” nông sản Hải Dương đến thế. Đúng là trong hoan nạn càng thấm thía những tấm lòng thành. Là một người dân Hải Dương, tôi thấy thật ấm lòng cho dân quê mình biết bao”.

Hiện chính quyền địa phương cũng đã có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt cho người nông dân. Nhiều nhà hảo tâm sống tại Hải Dương đã kêu gọi bạn bè, người thân giúp người nông dân tiêu thụ những sản phẩm nông nghiệp đang ế ẩm, đem phát miễn phí cho những người dân khu vực cách ly.

UBND tỉnh Hải Dương cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, UBND thành phố Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố có cửa khẩu, đề nghị quan tâm, chỉ đạo các đơn vị có liên quan, các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tạo điều kiện, cho phép các phương tiện, người lái xe, người giao nhận hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương được ra, vào các địa phương (đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo quy định) để lưu thông hàng hóa, kịp thời tiêu thụ và thông quan xuất khẩu theo đúng kế hoạch.

Những ngày qua, tỉnh Hải Dương cũng đã ưu tiên triển khai xét nghiệm cho các tài xế xe vận tải, trả kết quả sau 24 giờ, đồng thời đề ra phương án “đổi tài xế” ở chốt ra vào tỉnh nhằm đảm bảo an toàn và an tâm cho người nhận hàng.

Về phía công nhân tại các khu công nghiệp, tỉnh Hải Dương cũng đã có công văn tạo điều kiện cho công nhân đi làm lại sau Tết, nhưng phải đảm bảo các phương án phòng chống dịch. UBND tỉnh đã đề nghị các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sử dụng tối đa phương tiện vận tải hiện có của doanh nghiệp đưa đón công nhân đi làm, nghiên cứu, điều chỉnh giờ làm việc của các dây chuyền sản xuất theo hướng giãn cách giờ vào làm việc đầu giờ sáng và giờ tan ca cuối giờ chiều để giảm mật độ người đi lại trên tuyến đường quá đông cùng một thời điểm.

Đối với các doanh nghiệp có đông công nhân cùng di chuyển trên một tuyến đường mà không thể đưa đón bằng phương tiện vận tải của doanh nghiệp, yêu cầu công nhân khi tham gia giao thông đeo thẻ làm việc của doanh nghiệp ra phía ngoài hoặc mang mặc quần áo đồng phục được doanh nghiệp cấp phát để các chốt kiểm soát dễ nhận diện…

Có thể thấy, qua đợt dịch bùng phát, người dân Hải Dương gặp nhiều khó khăn, khổ sở, thậm chí mất mát. Nhưng đồng thời, người dân Hải Dương cũng nhận được nhiều điều quý báu. Đó là tinh thần kiên cường, nỗ lực và đoàn kết vượt khó.

Đó còn là tấm chân tình mà người dân khắp nơi gửi đến Hải Dương, bằng sự chung tay “giải cứu”, bằng những lời động viên, bằng những món quà, hỗ trợ vật chất… Những trải nghiệm khó khăn nhưng đáng quý ấy người dân Hải Dương có lẽ sẽ không thể nào quên.

Đọc thêm