Dù ai đi ngược về xuôi…
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thờ nhân vật khai sáng dân tộc. Song, hiếm có dân tộc nào trên hành tinh này mà người dân sinh sống trên mọi miền Tổ quốc cũng như kiều bào đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài cùng hướng về một ngày Quốc Tổ, chung một cội rễ như dân tộc Việt Nam. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Ngày 02/4/2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn – Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Truyền thuyết kể rằng, Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra 100 con, 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên núi và con cả được truyền ngôi lấy hiệu là Hùng Vương. Thường nói đến Giỗ Tổ là nói đến Giỗ Tổ Hùng Vương.
Giỗ Tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia, để tưởng nhớ và tôn vinh công ơn dựng nước của các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc ta. Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân - Âu Cơ được xem như là thủy tổ người Việt và là cha mẹ đẻ của Vua Hùng thứ nhất.
Lễ hội chính vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch) tại quần thể di tích Đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn Nghĩa Lĩnh, cao 175 mét thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Vào ngày này, cả nước hướng về Đất Tổ, người người trẩy hội Đền Hùng. Tại nhiều địa phương khác trong cả nước cũng long trọng tổ chức Quốc Giỗ.
Theo kế hoạch, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Bính Thân 2016 sẽ diễn ra trong năm ngày từ 12-16/4/2016 (tức từ ngày 6-10/3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2016 do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia của bốn tỉnh gồm Vĩnh Phúc, Gia Lai, Bình Phước, Cà Mau.
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2016 cho biết tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch cụ thể để chuẩn bị chu đáo cho Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng 2016. Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2016 sẽ có một số hoạt động mới như Triển lãm tư liệu ảnh chủ đề “Nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - bản sắc cội nguồn dân tộc”; trưng bày tư liệu, hiện vật về văn hóa phi vật thể Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; triển lãm tranh, ảnh của các họa sỹ, nghệ sỹ nhiếp ảnh Phú Thọ kết hợp giới thiệu các tác phẩm thơ, nhạc hay về Phú Thọ; Lễ hội đường phố...
Qua đó, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương; tiếp tục tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về di sản Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng xứng tầm là di tích đặc biệt cấp quốc gia; xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc; đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ.
Không nhận lễ vật... “khủng”
Đặc biệt, năm nay tất cả những vật phẩm không đúng với thuần phong mỹ tục, văn hóa lịch sử truyền thống như bánh chưng, bánh dày, chai rượu khổng lồ sẽ không được tiếp nhận. Còn với vật phẩm như: lục bình, tranh ảnh… sẽ được trưng bày”, ông Hà Kế San cho hay.
Thu hút sự quan tâm của dư luận gần đây là liên quan đến thông tin về chiếc bánh chưng 2,5 tấn được hơn 50 nghệ nhân của Công viên văn hóa Đầm Sen (TP Hồ Chí Minh) cùng nhau thực hiện nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2016.
Cụ thể, để gói chiếc bánh chưng khổng lồ này cần 1.200kg gạo nếp, 200kg thịt heo, 300kg đậu xanh, 300kg lá chuối, 50kg lá dong. Bánh được thực hiện gói vào chiều ngày 13/4 và được nấu trong 70 giờ. Ngay sau khi nghi thức cúng Quốc Tổ, chiếc bánh chưng khổng lồ sẽ được cắt ra và mời tất cả thực khách tham quan vào lúc 10 giờ ngày 17/4.
Tuy nhiên, ông Hà Kế San khẳng định: “Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương thuộc hoạt động văn hóa dân gian, gắn liền với việc gìn giữ thuần phong mĩ tục của người Việt. Cho nên, chúng tôi kiên quyết không nhận những vật phẩm trái với thực tế đời sống xưa, không có chuyện bánh chưng, bánh dày “khủng” tồn tại trong Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2016”.
Có thể nói, Lễ hội là dịp để con Lạc, cháu Hồng hành hương về nơi đã sinh ra dân tộc Việt Nam anh hùng, một dân tộc chưa biết cúi đầu khuất phục bất kỳ một thế lực ngoại xâm nào. Đây không chỉ thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người Việt Nam mà còn trở thành niềm kiêu hãnh đối với các dân tộc đã, đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do và yêu chuộng hòa bình thế giới.