Nỗi lo “khát” lao động

(PLVN) - Năm nay, bên cạnh nỗi lo “khát” lao động sau Tết Nguyên đán thì vấn đề an toàn lao động trước dịch Covid - 19 cũng là bài toán khiến cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp “đau đầu”.
Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao sau Tết Nguyên Đán.
Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao sau Tết Nguyên Đán.

Lương cao vẫn khó tuyển dụng

Điểm qua tình hình tại một số trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước có thể thấy tình trạng khó tuyển dụng và “khát” lao động của nhiều doanh nghiệp (DN). Trao đổi với truyền thông, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, tính từ sau Tết Nguyên đán đến nay, mặc dù có chịu sự ảnh hưởng bởi dịch bệnh do Covid-19 gây ra, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN cũng tăng lên đáng kể.

“Vừa rồi, qua một tuần chúng tôi ghi nhận hơn 150 DN có nhu cầu tuyển dụng tại các điểm trên hệ thống các sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố với khoảng gần 2.000 chỉ tiêu tuyển dụng. Mặc dù tỷ lệ lao động đến Trung tâm cũng giảm, có thể trước mắt họ cũng lo lắng về dịch bệnh khi đến nơi đông người, việc kết nối cung - cầu lao động cũng ít nhiều bị tác động và nhiều DN cũng chịu ảnh hưởng nhưng nhìn chung, bên cạnh biện pháp phòng chống dịch thì hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra bình thường” – ông Thành cho biết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 13/2, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB &XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đi kiểm tra tình hình người lao động trở lại làm việc sau Tết cũng như công tác ứng phó với dịch bệnh tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB &XH, Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang dẫn đầu đoàn công tác.  “Các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có đông người lao động ở Thái Nguyên đã triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 rất tốt.

Đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào nghi mắc bệnh. Điều này cần phải “nhân rộng” để các khu công nghiệp ở cả nước sẽ không có người lao động bị bệnh…” - ông Đào Ngọc Dung nói.

Tại TP HCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI) đã đưa ra dự kiến nhu cầu nhân lực tại thành phố trong tháng 2/2020 là khoảng 30.000 chỗ làm việc, tập trung chủ yếu ở các ngành như: Dệt may - giày da, cơ khí - tự động hóa, chế biến thực phẩm, kinh doanh - thương mại, kinh doanh bất động sản, công nghệ thông tin, hành chính văn phòng, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng, tài chính - kế toán...  

Tương tự, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trên trang thông tin của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh có 16 ngành nghề với 73 vị trí tuyển dụng mới được đăng tuyển, nhu cầu tuyển dụng gần 3.500 lao động. Trong đó, những công việc được tuyển nhiều gồm: Công nhân may mặc, công nhân kỹ thuật, lái xe, nhân viên kinh doanh, nhân viên giao nhận hàng… Nhiều DN Hà Tĩnh có nhu cầu tuyển dụng lao động để ổn định sản xuất, kinh doanh, nhiều vị trí có mức lương cao nhưng vẫn không dễ tuyển dụng. 

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đã có thông báo về việc tạm hoãn tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ vào thứ Sáu ngày 14/2/2020 tại số 657 Trường Chinh, quận Cẩm Lệ. Được biết, phiên giao dịch việc làm TP Đà Nẵng tổ chức định kỳ 4 phiên/tháng vào thứ Sáu hàng tuần, thu hút đông đảo người lao động đến tìm việc và sự tham gia tuyển dụng lao động của nhiều DN.

Doanh nghiệp chủ động phòng, chống dịch

Bà Trần Lê Thanh Trúc - Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI) cho biết: “Chu kỳ của thị trường lao động thì thời điểm sau Tết là lúc các DN sẽ tập trung tuyển một số lượng lớn lao động để phát triển nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong năm 2020. Do đó, việc thiếu hụt lao động là cơ hội cho người lao động, nhất là sinh viên, học viên tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động, tìm được việc làm và người lao động có nhu cầu chuyển dịch tìm được việc làm phù hợp”.

Mặc dù vậy, dịch bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra và chưa có dấu hiệu chấm dứt khiến người lao động lẫn DN lo lắng về mức độ an toàn lao động trước dịch bệnh nguy hiểm. Và cũng từ sự lo lắng này mà thị trường lao động sau Tết trở nên ảm đạm.

Được biết, thực hiện chủ trương công điện của Bộ LĐ-TB&XH là tạm dừng tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tránh tập trung đông người để phòng chống dịch bệnh do Covid-19 gây ra nên Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã chuyển đổi từ hình thức tổ chức phiên giao dịch việc làm sang hình thức cung cấp thông tin về thị trường lao động, trao đổi, kết nối phỏng vấn qua hình thức online, kèm theo hướng dẫn online cho DN và người lao động.

“Chúng tôi sẽ cung cấp cho DN các ứng viên và cung cấp thông tin tuyển dụng đến với người lao động để họ trao đổi, kết nối với nhau. Bên cạnh đó, với người lao động vẫn đến Trung tâm, chúng tôi vẫn tiếp tục tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng của DN cho họ.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng có những kế hoạch thu thập cơ sở dữ liệu, làm tốt công tác chuẩn bị để khi dịch có xu hướng giảm sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề như việc làm cho thanh niên, những phiên giao dịch việc làm bán thời gian… để hỗ trợ người lao động và DN trong công tác tuyển dụng và tìm kiếm việc làm” – ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết.

Về vấn đề đảm bảo an toàn lao động, trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã cho biết, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ cũng như việc chủ động sắp xếp tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của các DN, việc sản xuất kinh doanh có thể nói vẫn tương đối ổn định. 

Theo ông Thơ, có thể thấy rất nhiều cơ quan, DN chủ động có các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như trang bị các thiết bị cảm ứng nhiệt, nước rửa tay, phát khẩu trang miễn phí. Ngay bản thân mỗi người lao động cũng đã ý thức tốt các biện pháp phòng bệnh từ nhà, trên đường đi làm và đến nơi làm việc. 

“Chúng ta cần lưu ý thêm nữa là tuân thủ đảm bảo an toàn vệ sinh lao động ngoài giờ làm việc như giờ nghỉ ngơi hay thời gian bắt đầu, kết thúc khi làm việc thì DN cũng nên hướng dẫn người lao động tránh tụ tập, tránh việc trao đổi không cần thiết để hạn chế tiếp xúc trực tiếp” – ông Thơ nói.

Để người lao động yên tâm sản xuất trong các DN có lao động hoặc chủ là người Trung Quốc, có nguy cơ lây nhiễm bệnh, ông Thơ thông tin, Bộ LĐ-TB&XH đã quy định việc kiểm soát những người đến từ vùng dịch bệnh, những người đi qua những vùng dịch, đặc biệt là các lao động quản lý là người Trung Quốc quay lại Việt Nam trong các DN.

Chính phủ đã hướng dẫn về phòng dịch, quy định rất rõ một số đối tượng thì không được nhập cảnh, một số đối tượng phải cách ly. Còn những đối tượng đã tuân thủ đầy đủ các quy định, chứng minh được không có dương tính với Covid -19 thì có thể tham gia lao động bình thường. 

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam có 91.500 lao động Trung Quốc làm việc, đa phần trong số này là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao. Tính đến thời điểm này, vẫn còn 40% lao động Trung Quốc trở về đón Tết chưa thể quay lại làm việc.

Ông Park Yung Keun - Quản lý Công ty TNHH JY (Cụm công nghiệp huyện Lý Nhân, Hà Nam) cho biết, Công ty có 41/1.886 cán bộ, chuyên gia, kỹ thuật, người lao động nước ngoài làm việc, trong đó có 31 người Trung Quốc. Hiện nay mới chỉ có 16 người trở lại làm việc sau Tết. Số lao động này đã được kiểm tra, làm các xét nghiệm liên quan đến Covid-19 và đang được cách ly để theo dõi.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia lao động cho biết, lao động Trung Quốc trở về nước khi có dịch bệnh thì không sang lại Việt Nam nữa, hoặc được yêu cầu chưa trở lại nơi làm việc, hoặc trở lại nơi làm việc thì bị giám sát và cách ly. Điều này vô hình trung sẽ tạo ra sự thiếu hụt một lượng lớn lao động kỹ thuật trong các DN.

Theo bà Hương, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp chưa có dấu hiệu dừng lại, điều này có thể gây khó cho các DN. Chính bởi vậy, các DN cần phải nhanh chóng chủ động điều tiết, tìm kiếm giải pháp thay thế lực lượng lao động này để hoạt động sản xuất trở lại bình thường.

Ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra khuyến cáo, các DN  nên chủ động, chú trọng đào tạo kỹ thuật cho các công nhân bậc cao để kịp thời đối phó với sự thiếu hụt chuyên gia, cán bộ kỹ thuật nếu tình hình dịch bệnh kéo dài.

Đọc thêm