Các nước châu Á, trong đó có Việt Nam từng được ví như một “thành trì” trước Covid-19, khi các quốc gia, vùng lãnh thổ ở đây ghi nhận số ca nhiễm nCoV mới chỉ bằng một phần nhỏ so với phương Tây. Giới chuyên gia nhận định tâm lý mệt mỏi vì đại dịch là một yếu tố quan trọng có thể dẫn đến sự xuất hiện của làn sóng Covid-19 thứ ba.
Sau nhiều tháng chung sống với các lệnh hạn chế, kết hợp với tình hình có vẻ đã được kiểm soát một thời gian, người dân dần trở nên lơi lỏng với những quy tắc, chán nản vì phải ở nhà và thờ ơ trước nguy cơ gặp rủi ro. Đồng thời, các quốc gia cũng đều lo lắng để khôi phục các hoạt động kinh tế, do vậy mà lo lắng về “làn sóng thứ ba” của Covid-19 là có cơ sở.
Cả nước ta đã trải qua hơn 80 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Mặc dù vậy, các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài dương tính với Sars-CoV-2 vẫn liên tục được ghi nhận trong thời gian vừa qua, do đó nguy cơ dịch bệnh xuất hiện vẫn luôn thường trực, đặc biệt nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Nhận thức ra nguy cơ này, cách đây vài hôm Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tại văn bản này, Bộ Y tế yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần gương mẫu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng dịch nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người, các hoạt động sản xuất, kinh doanh… Có lẽ, điều này không riêng ngành Y tế mà các ngành khác và toàn dân đều phải nâng cao ý thức để thực hiện.
Để góp phần xây dựng ý thức phòng chống Covid-19, từ ngày 15/11/2020, hành vi không đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 ở nơi công cộng bị tăng mức phạt lên gấp 10 lần, tức là có thể bị phạt tới 3 triệu đồng theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trước đó, theo Nghị định 176/2013, mức phạt cho hành vi này chỉ từ 100 - 300 ngàn đồng.
Tuy vậy, dù mức phạt lần này được nhiều người đánh giá thực sự đủ sức răn đe, nhưng tâm lý chủ quan “chắc không đến lượt mình” vẫn đang lấn át những người thực sự quan tâm, có ý thức trong việc chủ động phòng, chống dịch. Khi người dân chủ quan thì chưa biết trước điều gì sẽ xảy ra?