Nỗi lo Thảo Vân 2 trên sông Hương

(PLO) - Trên sông Hương mỗi ngày có đến hàng chục lượt thuyền du lịch hoạt động chở theo hàng trăm khách, mặc dù vậy công tác bảo đảm an toàn cho các hành khách vẫn chưa được các chủ thuyền chú trọng. Trong khi đó với nhiều lý do khác nhau các cơ quan chức năng lại không thể quản lý hết được các thuyền đang hoạt động.
Hành khách không mang áo phao khi ngồi trên thuyền, còn áo phao được nhà thuyền cất trên nóc (khoanh tròn)
Hành khách không mang áo phao khi ngồi trên thuyền, còn áo phao được nhà thuyền cất trên nóc (khoanh tròn)

Vé “Nhà nước” đắt hơn vé “chợ đen” 

Tầm khoảng hơn 7h tối, tại khu vực bến đò tòa Khâm (đường Lê Lợi - TP Huế) lại tấp nập kẻ ra, người vào. Đây là thời điểm các thuyền rồng du lịch làm các thủ tục để xuất bến phục vụ khách du lịch. Ngoài các thuyền lớn dùng để đưa khách đi nghe ca Huế trên sông Hương còn có cả các thuyền nhỏ khác dùng để chở hành khách đi hóng mát.

Trong vai là một đầu mối chuyên kinh doanh du lịch, chúng tôi đã đến khu vực bến đò Tòa Khâm để nắm bắt rõ hơn hình thức kinh doanh vận tải hành khách trên khu vực sông Hương.

Tại đây, chúng tôi đặt vấn đề với chủ thuyền TTH- 036* về việc có đoàn khách 15 người muốn đi ngắm cảnh trên sông Hương vào buổi tối. Sau khi đặt vấn đề chủ thuyền cho biết thuyền của mình hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của khách, thế nhưng thay vì hành khách phải vào ban quản lý  bến mua vé thì ở đây chủ thuyền này lại trực tiếp để hành khách của mình lên thuyền đi.

Khi được chúng tôi đặt vấn đề về giá cả, vị chủ thuyền này cho hay, trường hợp đi 15 người không nghe ca Huế thuyền sẽ lấy 700 nghìn đồng, nếu có ca Huế sẽ lấy 1,5 triệu đồng. Trong cả hai trường hợp này, người “cò” sẽ được hưởng 400 nghìn đồng. Khi được hỏi vì sao không vào bến mua vé để đi thì vị chủ thuyền này cho hay, nếu vào mua vé sẽ đắt hơn nhiều với đi “chui” so với bên ngoài và các “cò” cũng sẽ không được hưởng phần trăm như hai bên đã thỏa thuận.

Khi chúng tôi đặt vấn đề khách muốn nghe ca Huế khi thuyền đang chạy giữa sông thì chủ thuyền cho hay, có thể ghép thuyền lại để phục vụ nhu cầu của khách. Về chuyện ghép khách giữa hai thuyền, vị chủ thuyền này cho biết, khách đi giữa sông nhưng muốn nghe ca Huế nếu có thuyền đang diễn ca Huế chạy lại thì hai thuyền có thể đi chậm lại để khách leo từ thuyền này sang thuyền khác để nghe. Khi được hỏi về độ nguy hiểm khi leo sang vị này cho hay không có vấn đề gì cả”.

Rời thuyền TTH- O36* chúng tôi tiếp tục đến tàu TTH- 006* DL để tìm hiểu hoạt động chạy “chui” của các thuyền du lịch, chủ thuyền này đưa ra giá rằng từ khu vực cầu Trường Tiền lên cầu Dã Viên có giá 30 nghìn đồng cho cả 2 lượt lên và về.

Khi hỏi về việc đăng ký tại bến thuyền, chủ thuyền này cho biết: “Đây  là bắt khách chơi cho vui thôi vì chạy thế này ít thuế nên lấy giá khác”.

Áo phao treo trên nóc... tàu

Theo chân một chủ thuyền du lịch, PV Báo PLVN có mặt trên trên thuyền TTH- 0034*, sau khi chở chúng tôi rời khỏi bến tòa Khâm chủ thuyền chạy về hướng chân cầu Trường Tiền để bắt khách. Khi thuyền vừa đến nơi 8 hành khách bước xuống thuyền. Với giá vé 10 nghìn đồng mỗi người, chủ thuyền chở các hành khách từ cầu Trường Tiền về khu vực đập đá sau đó quay ngược lên cầu Phú Xuân rồi về lại cầu Trường Tiền.

Chủ thuyền này cho biết hiện trên thuyền có gần 20 áo phao thừa sức cho khách mặc. Tuy nhiên, trong quá trình thuyền chạy trên sông không có bất cứ hành khách nào mặc áo và nhà thuyền cũng không hề nhắc khách mặc áo phao vào.

Theo quan sát của PV, mặc dù trên thuyền có áo phao nhưng phần lớn số áo này được chủ thuyền cất trên nóc thuyền và cột lại bằng dây thép. Một số khác được buộc lại trong các túi ni lông để phía sau mạn thuyền.

Sau khi chở khách xong chủ thuyền cho thuyền cập bến gần khu vực cầu Trường Tiền để trả khách. Bên cạnh chiếc thuyền vừa vào, một thuyền du lịch khác cũng chuẩn bị rời bến.  

(Còn tiếp)

Đọc thêm