Từ thực phẩm “sống chết mặc bay”
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư, trong đó có nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hệ lụy, hàng chục ngàn tỷ đồng phải chi trả cho việc khám, điều trị, xét nghiệm, chữa bệnh do thực phẩm “bẩn” gây ra. Không chỉ thế, thực phẩm “bẩn” còn là tác nhân giảm sức lao động, ảnh hưởng đến giống nòi của dân tộc Việt trong tương lai.
Số liệu thống kê từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, tại một số địa phương nhiều loại thức ăn không đảm bảo yêu cầu vệ sinh. 67% thịt quay có dùng phẩm màu độc và ô nhiễm vi sinh vật; 36% xúc xích, lạp xườn, jambon bị nhiễm vi khuẩn; 88% nem chạo, nem chua, giò chả phát hiện có coliform; 59% các loại ô mai có dùng phẩm màu độc và đường hóa học ngoài danh mục cho phép.
Qua tìm hiểu, hiện nay, tình trạng bày bán tràn lan các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn Hà Nội diễn ra một cách phổ biến, đặc biệt là thời điểm cận Tết Nguyên đán, khi nhu cầu mua sắm thực phẩm của người tiêu dùng tăng cao. Những mặt hàng này chủ yếu xuất hiện ở các chợ dân sinh, nơi cung cấp chủ lực các nhu cầu thiết yếu cho người dân.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, tại một số chợ trên địa bàn quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy,... nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn được bày bán trong thời gian khá dài, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người tiêu dùng và làm mất vệ sinh ATTP.
Bên cạnh đó, các sản phẩm tươi sống bày bán tràn lan mà không có dấu kiểm dịch, chứng nhận ATTP của các cơ quan chức năng; các sản phẩm giò, chả... cũng chủ yếu vẫn được sản xuất theo hình thức thủ công nhỏ lẻ, điều kiện sản xuất, trang thiết bị không đảm bảo nên chất lượng rất khó được kiểm soát chặt chẽ.
Không chỉ dừng lại ở thực phẩm, mà các mặt hàng bánh kẹo không đảm bảo vệ sinh ATTP cũng đang “nóng” lên trong dịp cận Tết. Tại các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo tại làng nghề truyền thống như Xuân Đỉnh, La Phù, Dương Liễu... cũng đang khẩn trương bước vào vụ sản xuất để kịp cung cấp hàng cho dịp Tết.
Thế nhưng, dẫu hàng hóa nhiều, mẫu mã, chủng loại đa dạng, phong phú từ bánh kẹo, rượu đến các gói quà Tết của nhiều hãng khác nhau song chất lượng có đảm bảo ATTP hay không lại là điều đáng bàn.
Tại một số chợ nhiều loại bánh kẹo, mứt, ô mai được bán theo cân, không có bao bì, không rõ nơi sản xuất và hạn sử dụng mà chỉ được bày bán trong các rổ to hoặc túi nilon, với giá bán hợp túi tiền của nhiều người. Nhưng chính điều này khiến cho người tiêu dùng cảm thấy lo lắng nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Nỗi lo thực phẩm bẩn |
Trên các con phố Hà Nội chuyên bán bánh kẹo như chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm, Hàng Giầy,… những ngày cuối năm, lượng hàng hóa, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán tăng cao. Tại phố Hàng Buồm, dễ dàng nhận thấy nhiều loại bánh, kẹo, mứt được bày bán theo cân, không rõ nguồn gốc, hạn sử dụng.
Để chèo kéo khách hàng, khi được hỏi về chất lượng sản phẩm, các chủ cửa hàng ở đây đều khẳng định hàng của mình là hàng công ty, hạn sử dụng lâu dài đóng gói trong các bì lớn để được nhập với giá rẻ hơn so với thông thường. Thậm chí, tại chợ Đồng Xuân, một số tiểu thương còn vô tư dùng tay không, tự mình đóng gói các loại mứt, ô mai từ trong một túi bóng lớn vào các túi nhỏ có ghi sẵn nhà sản xuất, hạn sử dụng và cả dòng chữ “Hàng Việt Nam chất lượng cao” để bán lại cho khách hàng với giá cao...
Tới thịt lợn… leo thang
Hai năm nay, cứ đến gần Tết, gia đình chị Nguyễn Thị An Tâm (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) lại lên kế hoạch đặt thực phẩm sạch từ quê nội, ngoại để sử dụng trong những ngày Tết. “Từ đầu tháng 12 âm lịch là gia đình mình đã nhờ ông bà ngoại ở Tuyên Quang đặt trước thịt gà, thịt bò và các loại rau, củ, trái cây. Các loại hải sản tươi, khô thì mẹ chồng mình ở Quảng Ninh gửi từ 23 Tết. Mình không dám mua ở ngoài vì sợ không đảm bảo an toàn mà lại không được tươi, ngon như đồ ở quê”, chị Tâm chia sẻ.
Nhưng không phải ai cũng may mắn có nguồn hàng đảm bảo, được gửi từ quê lên ăn Tết. nên nhiều chị em nội trợ cũng lựa chọn cách đặt hàng tự làm (handmade) để có một cái Tết an toàn và đảm bảo sức khỏe.
Còn chị Nguyễn Thị Lan (Song Phương, Hoài Đức) lại chỉ tin tưởng mua thực phẩm Tết từ người quen tự làm và nói không với các loại bánh mứt, chả giò bán tràn lan ngoài thị trường. Theo chị Lan: “Thực phẩm handmade của bạn bè, người quen làm thì yên tâm hẳn vì mình biết rõ nguồn gốc, xuất xứ và cũng thấy hài lòng về chất lượng”.
Về nỗi lo khan hiếm, đẩy giá thịt lơn, chị Nguyễn Trường Giang (25 tuổi, Hà Đông) chia sẻ: “Trước tôi vẫn thường mua 50.000 đồng được gần 6 lạng thịt cả nhà ăn đủ 2 bữa, mà giờ giá lợn tăng, cầm 50.000 đồng ra chợ không biết chi tiêu như thế nào cho hợp lý. Cũng thử đổi sang thực phẩm khác nhưng thịt lợn vẫn là thực phẩm dễ chế biến và dễ ăn hơn cả”.
Theo cô Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Giá cứ tăng như thế này thì chỉ khổ người dân, mức thu nhập cả ngày được 200.000 đồng mà thực phẩm cứ tăng liên tục, không biết chi tiêu sao cho hợp lý. Giá thịt lợn hiện tại đang tăng ở mức kỷ lục nhiều năm gần đây. Không biết đến Tết mức giá này sẽ thay đổi như thế nào. Các thực phẩm tết theo thịt lợn như giò, chả, nem... sẽ biến động ra sao. Người dân như chúng tôi khá lo lắng”.
Với tình trạng giá thịt lợn vẫn liên tiếp tăng mạnh như hiện nay, cho thấy đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Theo dự báo, đà tăng giá thịt lợn sẽ còn tiếp diễn từ nay đến Tết Nguyên đán thị trường cả nước có thể thiếu 0,5 triệu tấn thịt lợn, khoảng 20% nhu cầu.
Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, thời điểm giáp Tết, lượng tiêu thụ hàng hóa nói chung, thực phẩm nói riêng sẽ tăng cao. Vì vậy, nguy cơ thực phẩm mất an toàn của các cơ sở sản xuất mùa vụ, cơ sở sản xuất “chui” rất lớn.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên cũng không loại trừ được các thủ đoạn tinh vi của người sản xuất, buôn bán, vận chuyển thực phẩm không an toàn. Mặt khác, nguy cơ tiềm ẩn mất ATTP ở ngay chính người tiêu dùng khi ý thức của một số người dân về vệ sinh ATTP chưa đầy đủ, vẫn còn chủ quan trong việc lựa chọn thực phẩm.
Do nhu cầu lớn và lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng sẵn sàng “tung ra” thị trường các loại thực phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt các loại mặt hàng khô, nhu cầu tiêu dùng rất lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cực kỳ nguy hiểm. Để bảo quản, hàng loạt loại hóa chất được dùng để tẩm ướp các mặt hàng này.
Theo Tiến sĩ Lương Bích Thủy, Khoa Hóa (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, những hóa chất dùng để bảo quản các mặt hàng khô được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm cực độc, sử dụng hàm lượng lớn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng hạn, bifenthrin là loại hóa chất dùng trong thuốc trừ sâu; clorin dùng để khử trùng và tẩy trắng, dính vào quần áo là gây rách ngay...
Những hóa chất này là thuốc gây tê, tác động lên hệ thần kinh hô hấp làm cho ruồi, muỗi, kiến chết; người ăn phải sẽ bị ngộ độc, nhẹ thì buồn nôn, nặng thì khó thở, cơ thể tím tái, nếu tích tụ trong cơ thể lâu dài sẽ phá hư nội tạng.
Để bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới, mỗi người tiêu dùng hãy lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng tại những cửa hàng bán thực phẩm uy tín, an toàn; không mua thực phẩm trôi nổi, kém chất lượng; tẩy chay các cơ sở không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.