Nỗi lòng “anh cả”

(PLVN) - Nghe xong cuộc gọi của mẹ, anh gác máy, tần ngần. Vợ anh đến bên cạnh, nhìn thấy nét mặt của anh, ân cần: “Mẹ lại bảo anh chuyện bé Út phải không?”. Anh gật đầu, nhìn vợ đầy áy náy. Chị biết anh đang băn khoăn không biết phải làm sao.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Số anh vất vả, lúc đến với chị hai bàn tay trắng, lại còn một gánh nặng hai đứa em đang tuổi ăn học và mẹ già đau ốm. Lấy anh, chị bỏ qua mọi lời khuyên, mọi viễn cảnh tăm tối, đồng cam cộng khổ cùng anh. Hai vợ chồng cùng nhau qua thời gian gian khó nhất, anh vừa đi làm cật lực, kiếm tiền nuôi các em ăn học, chữa bệnh cho mẹ.

Chị không một lời phàn nàn. Rồi anh được cất nhắc lên những chức vụ cao, đời sống dần cải thiện. Anh ra ngoài mở công ty, gia đình có của ăn của để. Một tay anh gầy dựng sự nghiệp, dựng vợ gả chồng cho em kế, xin việc cho em út.

Thế nhưng, chính sự chăm lo, bảo bọc hết mình của anh lại khiến cho các em anh đâm ra ỉ lại. Cậu em kế chỉ việc lo cho gia đình nhỏ của mình, không hề san sẻ cùng anh trách nhiệm của gia đình chung. Cô em gái út thì anh xin việc cho ở một công ty có tiếng, nhưng làm một thời gian nghỉ vì bảo “không phù hợp”, anh xin cho một công ty khác, lại xích mích với đồng nghiệp.

Chiều lòng mẹ, anh cho cô em tiền mở shop thời trang để làm chủ, thế mà chỉ 4 tháng sau, cửa hàng đóng cửa vì không biết làm ăn. Mới đây, em gái út lại đòi tiền mở quán cafe. Anh bực mình, không đồng ý. Mẹ anh xót con út, gọi điện nài nỉ anh.

Anh nhìn vợ, chị vẫn một mực dịu dàng, tôn trọng quyết định như thế, chưa bao giờ cằn nhằn lấy một lời khi anh gửi tiền bạc, dành thời gian cho nhà mình. Nhưng anh nhớ lại, mấy hôm trước, anh tình cờ về nhà sớm, nghe con gái xin tiền đi dã ngoại với bạn, chị từ chối, bảo thời gian này vừa qua dịch, công ty bố khó khăn hơn trước, còn lương của mẹ cũng đang giảm, mẹ cũng phải thắt chặt chi tiêu.

Anh xót lòng, nghĩ đến vợ vẫn một mực ủng hộ mình, từ ngày xưa gian khó cho đến lúc dư dả, không bao giờ phàn nàn anh về tiền bạc.

Anh hiểu rằng, dường như mình đã khá “dở” khi vì muốn bù đắp cho những ngày tháng nghèo khó ấu thơ, mà khiến cho các em sinh tính ỉ lại, hay đòi hỏi. Nếu anh vẫn tiếp tục chiều lòng người nhà mình vô điều kiện, mọi sự có lẽ vẫn như thế cả cuộc đời. Đó không chỉ là “làm hư” người nhà, mà còn là sự thiếu tôn trọng đối với người vợ tần tảo, biết điều.

Anh cầm điện thoại lên gọi điện, anh biết từ nay mình phải làm gì.

Đọc thêm