Nỗi lòng người đàn bà xinh đẹp hơn 30 năm yêu người cõi mê

(PLO) - Anh Nên những lúc lên cơn thần kinh lại cầm dao rượt chém vợ chạy khắp nơi. Cảnh tượng đó diễn ra gần ba mươi năm qua. Chị Lượm vợ anh than thở “tính mạng tôi như treo trên ngọn cây chẳng biết rơi xuống lúc nào”. Thế nhưng, người phụ nữ với sức mạnh của tình yêu vẫn nguyện gắn bó suốt đời bên chồng.
Hình minh họa
Hình minh họa

Mang bầu mới biết chồng bị thần kinh

Chị Huỳnh Thị Lượm (sinh năm 1963, ngụ xã Long Thuận, Thủ Thừa, Long An) chạy ra đón chúng tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch, hoen gỉ, chốc lát lại dở chứng không chạy được. Dáng người chị nhỏ thó, khuôn mặt đen sạm, hốc hác.

Trên đầu người phụ nữ là chiếc nón lá đã bạc thếch, bộ quần áo nâu cũ kỹ, rách lỗ chỗ.  Để vào nhà nhân vật chúng tôi phải băng qua con đường đất chật hẹp, nằm chông chênh vênh bờ kênh hun hút. Trong nhà, anh Phạm Văn Nên (sinh năm 1965) chồng chị đang tất bật chuẩn bị pha trà mời khách.

Chị Lượm nhân lúc chồng không để ý ghé vào tai tôi: “Bây giờ, chồng tôi đang tỉnh. Ông ấy khi phát bệnh dữ lắm không ai dám lại gần. Nhiều bữa ông cầm dao đuổi tôi chạy khắp nhà”. Người chồng tật nguyền quay lại, như hiểu vợ đang nói gì cất giọng tự ti: “Tôi bị bệnh lâu rồi. Người tâm thần ai chẳng thế”.

Kể về mối lương duyên của mình chị Lượm cho biết, hai người cùng quê gốc ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Thời chiến tranh loạn lạc, gia đình chị Lượm chuyển lên khu vực Sài Gòn sinh sống. Bà nội chị Lượm và bà nội anh Nên là những người bạn đặc biệt thân thiết nên vẫn giữ liên lạc dù không trực tiếp gặp nhau. Họ vẫn kể cho nhau nghe chuyện về các con, cháu qua những cánh thư tay.

Hai bà khi biết người này có cháu trai người kia có cháu gái tương đương tuổi đã có ý gán duyên cho hai đứa trẻ. Theo chị Lượm đây được xem là điều bình thường vào thời điểm đó nên chẳng ai phản đối. Chị được mặc định làm vợ anh Nên khi còn là thiếu nữ dù chưa một lần gặp mặt hay trò chuyện. Gia đình đôi bên cũng xem nhau như thông gia. 

Ngày đầu về làm vợ, chị Lượm mới ngỡ ngàng biết tin anh Nên vốn là trẻ mồ côi, ở cùng mẹ và bà ngoại. Kinh tế gia đình họ hết sức nghèo nàn. Cha mẹ chị Lượm ở Sài Gòn đều là cán bộ viên chức nên so về gia thế chẳng có gì là “môn đăng hộ đối”.

Chị Lượm nhớ lại: “Lúc biết hoàn cảnh anh như thế tôi vô cùng buồn chán. Nhưng thế hệ chúng tôi mang nặng suy nghĩ “thuyền theo lái, gái theo chồng”, xem đây là số phận sắp đặt. Điều duy nhất an ủi tôi là anh Nên hết sức hiền lành, chăm chỉ. Nhưng rồi một hôm tôi đang làm việc anh ấy bỗng nhiên lao vào đấm đá tôi túi bụi.

Tôi hoảng loạn bỏ chạy thoát thân không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mấy ngày sau đó những sự việc tương tự tiếp tục lặp lại. Tôi nghĩ anh không thương yêu mình muốn kiếm cớ đuổi ra khỏi nhà. Tôi đau đớn thu xếp quần áo bỏ đi. Lúc này, bà nội anh mới tâm sự chồng tôi bị bệnh thần kinh”.

Hôm đó, bà nội anh Nên quỳ sụp xuống dưới chân cháu dâu xin tha thứ. Bà khóc lóc kể vì thương Nên tật nguyền mới lừa cưới chị về làm vợ. Bà nói chỉ cần hai vợ chồng yêu thương nhau thật lòng anh Nên có thể sẽ khỏi bệnh.

Chị Lượm không đành lòng dứt khỏi vòng tay người bà nội già cả đang ôm chặt 2 chân. Hơn nữa, chị nhận ra đang mang trong bụng giọt máu với anh Nên được 3 tháng. Thế rồi chị cũng quỳ xuống ôm lấy người bà tội nghiệp hứa sẽ cùng nhau tìm cách chữa trị cho anh Nên. 

Bà nội lúc này mới cho chị biết bố chồng là liệt sỹ hy sinh ở chiến trường miền Nam khi con trai mới 4 tuổi. Năm anh Nên lên 7, trong một lần cùng bạn bè chạy ra đồng đùa nghịch bất ngờ lạc vào bãi mìn của kẻ thù. Mìn phát nổ, anh bị một mảnh vỡ găm sâu vào đầu. Anh may mắn giữ lại được tính mạng nhưng thần kinh bị ảnh hưởng, tình trạng ngày một tồi tệ hơn khi không có điều kiện chữa trị.

Sau đó, người ta xác định anh bị tâm thần, lúc tỉnh lúc mê. Có một điều khiến bà nội tin tưởng bệnh của anh có thể chữa được là sau 3 tháng cưới vợ cháu trai mới lên cơn trở lại. Dường như niềm vui của người chồng cưới được cô vợ xinh đẹp tác động rất lớn đến thần trí.

Nhưng điều thần kỳ đã không xảy ra, gần 30 năm qua, anh Nên vẫn lúc tỉnh, lúc mê vô hạn định. Những lần lên cơn anh đánh đập, chửi bới bất cứ ai gặp phải. Chị Lượm ngậm ngùi: “Lên cơn anh ấy còn cầm dao đuổi chém cả mẹ ruột nói gì người khác. Từ ngày làm vợ anh tôi không biết đã phải chịu bao nhiêu trận đòn roi vô cớ.

Tính mạng cứ như treo trên ngọn cây có thể rụng xuống lúc nào. Tôi đã từng bỏ trốn khỏi anh để giải thoát cho mình. Nhưng khi anh tỉnh táo trở lại, tìm đến năn nỉ, khóc lóc. Tôi nghĩ chỉ có tình yêu thương, cảm thông thực sự mới giúp tôi đủ dũng khí sát cánh bên cạnh anh đến lúc này”. 

Thời điểm khó khăn nhất trong cuộc sống chị Lượm chia sẻ đó là lúc đứa con đầu lòng của hai người mới 3 tuổi. Trong năm, anh Nên lên cơn nhiều hơn tỉnh, không chỉ đập phá nhà cửa mà còn quấy quả cả hàng xóm. Bao nhiều tiền bạc chị Lượm và mẹ anh Nên làm ra đều phải đem đền bù tiền thuốc men, tài sản cho người khác. 

Chị Lượm và người chồng hạnh phúc bên nhau
Chị Lượm và người chồng hạnh phúc bên nhau

Quyết tâm vượt qua tất cả

Năm 1991, anh chị quyết định tham gia kinh tế mới, khai khẩn đất hoang hóa ở vùng Thủ Thừa để mong thay đổi không khí. Vùng đất Long Thuận, Thủ Thừa khi đó hoàn toàn là đầm lầy với cỏ dại, rắn rết. Những gia đình làm kinh tế mới dựng chòi bằng lá dừa tạm bờ bên mé kênh Bo Bo.

Làm việc nơi “rừng thiêng nước độc”, bệnh tình của anh Nên tái phát trầm trọng. Anh không chỉ hành hạ vợ và đứa con thơ còn gây sự, truy sát bạn bè. Năm đó, chị Lượm buộc phải đưa chồng đi Bệnh viện Biên Hòa chữa trị.

Anh nhập viện, còn mình chị vật lộn với đồng ruộng sình lầy. Không có thu nhập chị phải bấm bụng trở về TP.HCM xin cha mẹ, anh em hỗ trợ. Song thân chị thương xót cho con gái khuyên nên ly dị chồng. Những lúc này chị đã thực sự yêu thương anh Nên, quyết tâm cùng anh vượt qua số phận. 

Chị Lượm kể: “Trong số những hộ tham gia khai khẩn đất hoang hóa từ năm 1991 đến nay chỉ còn 2 gia đình, những người khác không chịu được cảnh cực khổ đều ‘bỏ của chạy lấy người”. Tôi thì khác, ở vùng đất mới tôi cảm thấy tự do hơn. Sau này dù việc chữa trị cho anh Nên không có kết quả nhưng tôi cam chịu. Số phận tôi nó thế. Tài sản quý giá nhất với tôi bây giờ là hai đứa con chăm ngoan, học giỏi”.

Thật bất ngờ khi chúng tôi được biết, vợ chồng người đàn ông mắc chứng thần kinh đó ngoài cô con gái sinh năm 1988, còn cậu con trai sinh năm 1995. Trong khi người chị cả đã tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh thì cậu em đang theo học trường Đại học Cao Thắng.

Chị Lượm luôn xem những “hoa thơm, trái ngọt” đó là phần thưởng xứng đáng nhất mà cuộc đời đã bù đắp cho mình. Đây chính là sức mạnh, là niềm tin để chị tiếp tục đương đầu với mọi sóng gió phía trước.

Trong suốt cuộc trò chuyện, chúng tôi thấy ở người phụ nữ đối diện một sức sống mãnh liệt, niềm tin và ý chí sắt đá vào cuộc sống. Có lẽ, gần ba mươi năm phải làm vợ một người điên khiến chị Lượm mạnh mẽ khác thường. 

Đọc thêm