Trước ngày chuẩn bị vào Khung cách ly tập trung phục vụ người dân tại xã Tiên Sơn (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), chị Dương Thị Thuyết, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tiên Sơn có những dòng chứa chan tình cảm gửi gắm con trai bé nhỏ đang ngày ngày mong ngóng chị trở về...:
"Vậy là đã gần một tháng trôi qua, người dân xã Tiên Sơn phải chống chọi với cuộc chiến không tiếng súng mang tên COVID-19. Những lần trước đó, mọi người nghe về dịch bệnh ở Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Dương... Nhưng lần này dịch bệnh đã gọi tên quê hương thân yêu bé nhỏ của mình rồi.
Gần một tháng chiến đấu chống dịch bệnh là gần một tháng toàn thể chính quyền và nhân dân dốc hết tâm sức, tinh thần, của cải vật chất... với chung một mục tiêu duy nhất là đẩy lùi dịch bệnh, đem lại sự bình yên vốn có của xóm làng. Mẹ vẫn còn nhớ như in cái đêm triệu họp khẩn cấp giữa 12 giờ đêm của cán bộ trong xã để triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Ai ai cũng căng thẳng, lo lắng, hồi hộp khi biết dịch bệnh đã tìm đến quê mình.
Hình ảnh cháu bé ngồi ăn cơm ở khu cách ly làm chị Thuyết nhớ con trai của mình vô cùng. |
Rồi ngay sau buổi họp, trong đêm thanh vắng, tiếng loa vang lên khắp xóm làng, thông báo khẩn cấp việc phong tỏa tất cả các thôn trong xã để khoanh vùng dịch bệnh. Vậy là ngay trong đêm, tất cả các chốt phong tỏa của các thôn trong xã được xác định và triển khai thiết lập. Lúc ấy, mẹ cùng mọi người dân trong xã, người đi kéo rào, người lấy khung, người tấm chắn... mỗi người một việc, không quản ngại đêm khuya, dưới ánh đèn xe máy chiếu rọi. Khẩn trương, thần tốc hoàn thiện tất cả các chốt, kiểm soát mọi đường đi vào từng thôn cũng như vào xã.
Sáng hôm sau, mọi người ai cũng truyền tai nhau: “Giữa đêm thời bình mà nghe tiếng loa thông báo khẩn cấp. Nghe chẳng khác nào thời chiến tranh ác liệt ngày xưa”. Vậy đấy, cuộc chiến chống COVID nó cũng sẽ cam go và quyết liệt giống như chống giặc vậy.
Từ những ca F0 đầu tiên, quê mình ngày ngày đón nhận những tin mà không ai muốn nhận. Hôm nay nhà này F0, ngày mai nhà kia F1. Cái danh sách cứ dài dần, dài dần. Tuyến trên quá tải, địa phương phải thành lập các khu cách ly tập trung tại chính cơ sở. Thế là quê mình có khu cách ly tập trung thứ nhất, rồi thêm khu thứ hai, rồi lại thêm khu thứ ba... (cầu mong lắm quê mình không phải thành lập thêm khu cách ly tập trung nào nữa).
Hình ảnh đội Khung cách ly của chị Thuyết trước ngày vào làm nhiệm vụ chống dịch COVID-19. |
Lúc nan nguy nhất, khó khăn nhất, cũng là lúc tinh thần dân tộc, tinh thần đoàn kết, tình yêu thương con người được thể hiện sâu sắc. Toàn thể bộ máy chính quyền làm việc không ngơi nghỉ, tích cực truy vết, khoanh vùng, không để sót F1, F2..., nhân viên y tế làm việc bằng 200% sức lực.
Thương nhất là những người trong khung quản lý, phục vụ khu cách ly tập trung. Họ vào đó không phải để cách ly, mà để phục vụ những người cách ly. Với những người cách ly thì còn có thời hạn. Còn với họ, không có thời hạn nào cho họ. Họ vào đó và ăn ở trong đó, giống như những người cách ly. Người cách ly hết hạn thì được về.
Họ thì cứ ở trong đó, đón hết lớp F1 này đến lớp F1 khác. Họ chỉ dừng nhiệm vụ, chỉ được về nhà khi dịch bệnh đã tan. Thương lắm mấy chị y tá, mấy cô giáo mầm non đã bao nhiêu ngày không được trở về nhà, không được ấp ôm các con thơ bé. Vì nhiệm vụ, họ phải đè nén tình thương, nỗi nhớ. Không ít giọt nước mắt đã rơi trong đêm, vì nhớ thương con da diết. Nhưng lại chỉ có thể kìm nén vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.
Hôm nay mẹ thấy trong khu cách ly có một bé trai mới hơn 2 tuổi. Em vào đây cùng bố và anh chị. Nhưng cả bố và anh chị em đã dương tính, đã được đưa đi điều trị. Mẹ em thì cũng đã được đưa đi trước đó. Giờ đây, chỉ còn lại một mình em trong khu cách ly với các cô y tá. Một hình ảnh ám ảnh, làm nhói tim bao người. Mẹ nhìn sang con trai của mẹ. Cầu mong mọi sự bình yên. Cầu mong bình an cho tất cả mọi người. Cầu mong dịch bệnh hãy dừng lại ở đây. Cầu mong cuộc sống yên bình ngày nào sẽ trở lại trên quê hương mình. Cầu mong lắm sự bình yên.
Họ đã phải xa gia đình, người thân, con nhỏ để làm nhiệm vụ chống dịch. |
Rất có thể trong những ngày tới mẹ cũng sẽ như các cô, các chị trong khung phục vụ của khu cách ly tập trung. Sẽ vào đó để thực hiện nhiệm vụ. Đồng nghĩa mẹ sẽ phải tạm thời xa con và không biết khi nào mới được về với con. Chàng trai 2 tuổi của mẹ. Ngủ vẫn phải mẹ ru. Thức dậy vẫn phải thấy mẹ nằm bên, không là sẽ khóc đòi mẹ. Ăn vẫn phải mẹ bón... Nhưng có thể con sẽ phải bắt đầu tập làm quen với cuộc sống không có mẹ. Bà nội sẽ thay mẹ chăm sóc con.
Sinh nhật sắp tới của con sẽ không có mẹ ở bên, mẹ sẽ nhớ con lắm đấy. Sẽ nhớ cái giọng bi bô con gọi mẹ, hỏi mẹ, nói yêu mẹ. Nhớ cái dáng đi lon ton, nhiều khi như rối bước của con. Nhớ cái điệu đi ngủ là phải ôm cổ mẹ. Nhớ mỗi lần mẹ đi làm về là con chạy ào ra ôm mẹ. Nhớ cái miệng trĩu dài mỗi khi con giận dỗi... Ôi... sẽ nhớ nhiều lắm đấy chàng trai của mẹ ạ. Tất nhiên, mẹ chỉ có thể nhớ và cất nỗi nhớ đó vào trong thôi. Mẹ con mình sẽ cùng mạnh mẽ con nhé. Rồi mọi chuyện sẽ ổn. Rồi mẹ sẽ sớm trở về với con. Và mẹ con ta sẽ lại cùng làm bạn con nhé.
Cầu mong sự bình yên cho quê hương, sự bình an cho tất cả mọi người. Thương lắm chàng trai của mẹ!"