Tuần trước ra bến xe hỏi giá, Tú (quê Nha Trang) chưng hửng bởi vé xe dịp 30/4 đã tăng 50% so với ngày thường. Đắn đo suy nghĩ cả hành trình đi về ngót 1 triệu đồng, cuối cùng cô gái đành ngậm ngùi ở lại Sài Gòn đón lễ.
|
Khoản phí tàu xe đắt đó khiến nhiều bạn trẻ "khất" về quê nghỉ lễ. |
Tú kể, em là con út trong gia đình có hai anh em, bố làm công chức nhà nước, mẹ là giáo viên ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
Từ ngày rời quê vào TP HCM theo học Đại học Kinh tế đã hơn một năm nay chưa đêm nào cô gái 19 tuổi thôi nhớ về gia đình. Nhất là vào dịp nghỉ lễ dài ngày này, trong khi bạn bè đã khăn gói lên đường về quê còn em vẫn ở lại thành phố chỉ vì không đủ tiền phí mua vé tàu xe, Tú lại thấy tủi thân.
"Mấy ngày trước mẹ hỏi, em chỉ nói là phải ở lại học bài thi, còn anh bận trực cơ quan không về nhà được. Vậy mà sáng nay mẹ gọi điện trách sao con người ta về mà con mình thì không, rồi bắt hai anh em ra bến xe mua vé về. Nghe mẹ nói mà em không cầm được nước mắt", nữ sinh khóe mắt vẫn ngấn lệ kể.
Sáng sớm 29/4 Hùng (nhân viên quản trị web tại TP HCM) lên trang mạng xã hội than thở: "Từ ngày đi làm đến giờ chưa năm nào có một kỳ nghỉ lễ trọn vẹn. Hôm nay bạn bè tấp nập về quê hết rồi còn mình vẫn lủi thủi đi trực". Dòng status đầy tâm trạng của chàng trai quê Hà Tĩnh nhanh chóng nhận được sự đồng cảm của những cư dân mạng cùng cảnh ngộ.
"Tớ đây mới đau, ban đầu nghe sếp thông báo được nghỉ lễ 4 ngày cả cơ quan ai cũng mừng quýnh. Mình cũng háo hức lên kế hoạch về quê ai ngờ vừa nhận lịch trực vào đúng ngày 1/5 có tức không chứ, thế là kế hoạch bể tan tành", nick name Nguyen Cong chia sẻ.
Còn Hà Linh cho biết, mặc dù không phải đi trực nhưng chỉ vì khoản phí xe cộ đắt đỏ mà chị đành lỡ dịp về vui vầy gia đình dịp này. Linh tâm sự: "Người Việt Nam mình nặng tình gia đình lắm. Bình thường còn đỡ chứ mấy ngày này thấy bạn bè về mà một mình ở lại nghĩ mà tủi thân muốn khóc".
Trong khi nhiều người tất bật về quê thăm nhà nhân kỳ nghỉ lễ dài, chị Hoa, quê ở Thanh Hóa, vẫn ở lại TP HCM cũng vì khả năng tài chính eo hẹp. Nữ công nhân này tiết lộ, trong túi chị chỉ còn một ít tiền để phòng thân trong khi lúc trước tiền xe 200.000 đồng đã có thể về quê. Nay phải mất một triệu đồng cả đi lẫn về mới cáng đáng nổi.
Hoa tâm sự, đồng lương công nhân vốn đã rất khiêm tốn, lại thêm tình hình kinh tế khó khăn, hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp nợ lương nên người làm công phải thắt lưng buộc bụng. Vì vậy, dịp lễ này tuy được nghỉ 4 ngày chị đành bó gối ở Sài Gòn mà nhớ người thân vì hầu bao gần như sắp rỗng.
"Nghe có kỳ nghỉ lễ dài bố mẹ mong con về thăm nhưng tôi lại chùn bước vì lương chưa có, cũng không thế trách được vì doanh nghiệp đang thiếu vốn và cũng rất khó khăn", chị chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ này, anh Thái quê Cà Mau đang ngụ tại quận 12, làm công nhân ngành nhựa cũng không thể về quê vì doanh nghiệp bỏ hẳn khoản tiền thưởng dịp lễ và chậm lương.
"Đây là lần đầu tiên tôi không về thăm nhà sau 3 năm làm công nhân ở Sài Gòn. Lễ 30/4 năm ngoái dù khó khăn nhưng vẫn có được 200.000 đồng tiền thưởng và nhận lương đúng thời hạn. Năm nay thì chưa có đồng nào", anh than thở.
Thái cho hay, mỗi năm anh chỉ có hai chuyến về quê là lễ 30/4, 1/5 (cộng thêm ngày phép) và Tết nguyên đán. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, anh lo ngại những chuyến về quê của mình sẽ phải gác lại ngoài ý muốn. "Tình hình kinh doanh của công ty khó khăn thì người làm công ăn lương như tôi cũng khốn đốn theo. Chỉ mong kinh tế ổn định để người nghèo bớt khổ".
Cũng chung nỗi niềm phải ngậm ngùi một mình đón lễ độc lập nơi đất khách quê người, nhiều độc giả gửi thư về báo VnExpress.net chia sẻ tâm sự. Mỗi người một lý do không thể về quê dịp này nhưng đa phần đều cho biết vì phí xe cộ đắt đỏ, trong khi doanh nghiệp lại khất tiền lương.
Như chị Thu Hằng (làm công nhân xí nghiệp) cho biết, định về quê nhưng công ty chưa có tiền trả lương cho công nhân nên chị đành "bất hiếu với cha mẹ".
Bạn đọc tên Trang kể, lãnh đạo cơ quan của chị xoay sở mãi cũng chỉ được mấy trăm nghìn trả lương nhân viên còn lại xin khất đến sau lễ nên chị không có tiền về quê. "Người ta hết kế hoạch nọ kia, còn mình thiếu tiền chẳng đi đâu được cả. Thử hỏi vui hay buồn khi lễ càng kéo dài", chị viết.
Cũng lỡ dịp về nhà vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nick name Chua bày tỏ mong muốn qua những dòng thư tâm sự: "Xăng leo thang, điện leo thang lên cao, còn lương leo cột có chét mỡ bò tụt xuống mặt đất. Thôi thì con đành bất hiếu. Mong các cô chú đứng mũi chịu sào làm ơn hướng kinh tế mình lên lại để con còn có dịp về thăm gia đình".
Theo VnExpress