Việt Nam được quốc tế đánh giá cao về chỉ số hạnh phúc
Theo Bảng xếp hạng hạnh phúc thế giới năm 2021 vừa được bởi Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp quốc (LHQ) đưa ra, Việt Nam đứng ở vị trí 79 trong tổng số 149 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. Với dân số hiện tại của Việt Nam là hơn 97 triệu người, gồm 54 dân tộc anh em; trong đó hơn 60% số dân sống ở nông thôn, phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế- xã hội những năm 80 và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong suốt nhiều năm qua, LHQ đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Theo tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội New Economics Foundation (NEF) có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, Việt Nam là quốc gia có Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam cũng được đánh giá cao về dịch vụ công, tỷ lệ phổ cập giáo dục cao. Năm 2012, tỷ lệ trẻ em nhập học của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới với 98%. Số trường cao đẳng, đại học cũng tăng nhanh chóng. Với chỉ số HPI là 40,3 và tuổi thọ trung bình 75,5, Việt Nam là nước châu Á duy nhất nằm trong 10 nước đầu bảng được khảo sát.
Nhìn nhận về chỉ số hạnh phúc được quốc tế công bố về người Việt Nam, TS Trịnh Hòa Bình khẳng định: “Tôi cho rằng chỉ số hạnh phúc mà các tổ chức quốc tế công bố họ dựa trên nhiều tiêu chí như GDP bình quân đầu người tính theo sức mua ngang giá, số năm sống khỏe mạnh so với tuổi thọ trung bình, hỗ trợ xã hội, tự do lựa chọn đời sống... Bhutan nổi tiếng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới mặc dù nền kinh tế của họ không mấy phát triển. Để người dân sống hạnh phúc thực sự, quốc gia đó không nhất thiết phải giàu có, phát triển. Quan trọng là người dân ở đó có thể sống thoải mái. Một đất nước hạnh phúc là nơi người dân luôn cảm thấy họ sống có ích, muốn chia sẻ và cống hiến cho cộng đồng. Theo tôi Việt Nam được thế giới đánh giá cao về chỉ số hạnh phúc là nhìn từ những giá trị văn hóa tinh thần, nền tảng đạo đức cũng như truyền thống”.
“Yêu thương và chia sẻ”
Tháng 6/2012, LHQ đã chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết hưởng ứng bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.
|
Chỉ số hạnh phúc của người dân Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. |
Ở Việt Nam, ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm” nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân, gia đình về lịch sử, ý nghĩa Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3, từ đó có những hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam. Đến nay, hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 được diễn ra hàng năm trên toàn quốc, tạo nên hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, khích lệ các tổ chức, cá nhân có các hoạt động thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.
Ngày Quốc tế hạnh phúc năm 2022 với chủ đề: “Yêu thương và chia sẻ” nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn truyền thống của gia đình Việt Nam; triển khai các hành động cụ thể, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc. Đồng thời, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, kế thừa phát huy truyền thống văn hóa của gia đình Việt Nam, hướng tới vì hạnh phúc và thịnh vượng chung của toàn xã hội; xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Người dân hồ hởi với những chủ đề yêu thương, chia sẻ được gắn bó qua từng năm. Về căn bản, hạnh phúc thực sự dựa trên tiêu chí yêu cầu thiết yếu nhất của người dân là được bảo đảm, được thỏa mãn, ví dụ: An toàn trong môi trường xã hội, những dịch vụ cơ bản trong cuộc sống như y tế, giáo dục được đáp ứng thiết thực nhất.
|
lSố liệu khảo sát nghiên cứu của PGS.TS Lê Ngọc Văn và nhóm nghiên cứu. (Ảnh: Việt Hưng) |
Để đo lường quan niệm hạnh phúc và hạnh phúc trong đời thực của người dân, PGS, TS Lê Ngọc Văn và nhóm nghiên cứu đã có những nghiên cứu chuyên sâu về khái niệm, cách tiếp cận và chỉ số đánh giá về hạnh phúc của người Việt Nam.
Kết quả tính toán cho biết chỉ số hạnh phúc chung của người Việt Nam trong cuộc điều tra này là 2,583 điểm đối với thang điểm 4 và 6,457 điểm đối với thang điểm 10. Chỉ số này là tính trung bình cộng mức độ hài lòng của người dân thuộc các lĩnh vực kinh tế - vật chất, môi trường tự nhiên, quan hệ gia đình - xã hội và đời sống cá nhân. Chỉ số hạnh phúc của các nhóm xã hội được khảo sát theo giới tính, nhóm tuổi, học vấn, nông thôn và đô thị, nghề nghiệp, mức sống, tộc người, tôn giáo.
Chỉ số hạnh phúc trong lĩnh vực đời sống kinh tế - vật chất, môi trường tự nhiên (5,780 điểm) thấp hơn đáng kể so với chỉ sổ hạnh phúc ở lĩnh vực quan hệ gia đình - xã hội (7,182 điểm) và đời sống cá nhân (6,122 điểm). Điều này một mặt cho thấy đời sống kinh tế - vật chất hiện tại chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân, nhất là người nghèo, người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc ít người. Mặt khác, nó cũng phản ánh điều kiện xã hội khách quan để phát triển kinh tế còn có nhiều rào cản và hạn chế. Trong bối cảnh chuyển đổi của nền kinh tế ở nước ta hiện nay, đặc biệt là quá trình đô thị hóa, người dân không chỉ lo lắng về an ninh kinh tế - vật chất mà còn lo lắng về môi trường sống tự nhiên bị tàn phá, ô nhiễm, về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính sách của nhà nước và các địa phương trong việc bảo đảm việc làm, thu nhập, nhà ở, bảo vệ môi trường sống tự nhiên, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm không những mang lại cuộc sống hạnh phúc cho người dân mà hơn thế nữa bảo đảm sự phát triển bền vững, công bằng xã hội, mọi người dân đều được hưởng lợi từ sự phát triển.
Hạnh phúc là cảm nhận chủ quan của con người, là sự thỏa mãn của con người trong các mối quan hệ với môi trường sống xung quanh: Môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường nội tâm của chính bản thân mỗi người. Hạnh phúc là đầu ra của toàn bộ quá trình phấn đấu của con người với tư cách là một cá nhân, một thành viên của cộng đồng, quốc gia. Hạnh phúc luôn vận động và biến đổi trong không gian và theo thời gian, đó là cả một quá trình, là mục tiêu của cuộc sống con người, mục tiêu của sự phát triển.
TS Trịnh Hòa Bình cho rằng một xã hội mà luật pháp nghiêm minh, nghiêm trị những hành vi không minh bạch, đảm bảo cho quyền lợi của người dân, tạo niềm tin trong dân, là cơ sở bền vững cho sự phát triển hạnh phúc của toàn xã hội nói chung, của cá nhân người dân nói riêng. Từ trong gốc rễ, nếu người dân thực sự hạnh phúc, xã hội sẽ ít tệ nạn hơn.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, trong đó xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Có chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiếu số. Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”.