Gian nan hành trình Nam tiến
Sau giải phóng năm 1975, với sự khuyến khích và chính sách hỗ trợ của chính quyền, nhiều gia đình đã rời Thủ đô vào Tây Nguyên để khai hoang mở đất, lập khu kinh tế mới. Lâm Hà là một trong những vùng đất người tha hương dừng chân định cư tại Lâm Đồng.
Bà Hồ Thị Loan (87 tuổi, trú thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, quê gốc ở quận Tây Hồ, Hà Nội) nhớ lại: “Trước năm 1975, tôi buôn bán ở chợ Đồng Xuân. Lúc ấy tôi là người đầu tiên xây căn nhà gác 3 tầng, có cả vườn hoa đào 1.000m2, trong tay có tới 30 cây vàng”. Chồng bà hoạt động ở Đà Lạt 10 năm trong thời kì chống Mỹ, sau khi thống nhất đất nước, ông về Hà Nội và quyết định đưa gia đình vào Lâm Đồng, lập vùng kinh tế mới theo chính sách của Nhà nước.
Vì thương chồng, thương con nên bà Loan quyết định bán đất, bán nhà theo chồng. “Nhiều người nghèo khó, không có điều kiện mới đi kinh tế mới, còn bà giàu có thì đi làm gì? Nhiều người hỏi tôi như thế, nhưng tôi mặc kệ tất cả. Đợt đầu tiên vào kinh tế mới có 12 gia đình, trong đó có nhà tôi”, bà Loan nói.
Đưa 12 gia đình vào vùng kinh tế mới, xe ủi đi trước, xe chở người đi sau, tất cả đều là rừng già hẻo lánh, âm u, cả mảnh đất mênh mông không có một bóng người. Ngay trên mảnh đất ở, cỏ tranh mọc dày, tiếng thú rừng gầm gừ đêm ngày. Hơn 1 tháng trời bà Loan không bước ra cửa nhà vì bị ngợp trước cảnh tượng heo hút ở đây.
Khi mới vào vùng đất mới, mỗi hộ dân được hỗ trợ dựng cho căn nhà tranh, nhà gỗ để ở tạm, cấp đất để khai hoang, sản xuất và cho tiền lương 1 năm. Người dân Hà Nội lúc ấy từ chưa bao giờ lội sình, lội bùn đã bắt đầu trồng ngô, trồng lúa, cà phê, sắn.
“Người Hà Nội vào đây làm ăn rất chật vật, lối sống ở thành đô rất khác với miền sơn cước. Nhiều người không biết trồng lúa, trồng cà phê đã bỏ về lại Hà Nội, do đó được vài ba năm sau, người gốc Hà Nội cũng vãn dần” - bà Loan cho hay.
|
Bà Loan sau bao năm vất vả giờ đã có thể an nhàn tuổi già bên con cháu. |
Vốn là người kinh doanh, biết tính toán kinh tế, bà Loan nhận thấy nếu không có việc làm thì đến lúc nào đó số vốn mang theo sẽ cạn. Bà bán 2 chỉ vàng, đi từ Lâm Đồng xuống tận TP Châu Đốc (tỉnh An Giang) khảo sát thị trường, tìm công việc, kiếm mối có thể làm ăn được.
Lúc đó, cà phê là mặt hàng rất được ưa chuộng, có giá trị cao. Bà Loan mua gom cà phê rồi gửi hàng xuống TP HCM bán lại. Mỗi tạ cà phê, trừ chi phí lãi hơn 1 cây vàng lúc đó. Cứ như thế gia đình bà vượt qua thời gian khó khăn nơi rừng sâu, nước thẳm.
Biến cố ập đến với bà Loan từ đầu những năm 1990, lúc đó bà bị lừa lấy hết hàng phải bán hết nhà cửa để trả nợ. Trắng tay, chồng mất, bản thân bị tai nạn gãy tay, không làm gì được, cuộc sống gia đình trở nên khó khăn. Mãi đến sau này nhờ anh em giúp đỡ, bà Loan mới có thể vực dậy. Rời Hà Nội, cuộc sống của bà Loan gặp rất nhiều biến cố nhưng bà vẫn thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều “bạn đồng hương” khác.
Cũng là người từ Hà Nội vào Tây Nguyên lập nghiệp, ông Đỗ Đình Lực (59 tuổi, trú tại thị trấn Nam Ban) chia sẻ: “Năm 1976, đang học lớp 4 thì tôi phải theo bố mẹ đi kinh tế mới. Vào đây cuộc sống khó khăn, không có trường lớp nên phải bỏ dở việc học, cùng mẹ phát rẫy để gieo trồng”.
|
Ông Lực nhớ lại cuộc sống những ngày đầu đi kinh tế mới. |
Ông Lực kể, ngày đó toàn phải ăn sắn thay cơm, mỗi lần đi chợ phải đi bộ hơn nửa ngày. Từ năm 1976 đến năm 1978 có tổng cộng 7 đợt di dân làm kinh tế mới với gần 1.000 hộ, được 1 đến 2 năm thì nhiều người lại trở về Hà Nội hoặc đi nơi khác làm ăn.
“Những người có điều kiện thì gói ghém đồ đạc về lại Hà Nội, hay vào Nam lập nghiệp. Những gia đình khó khăn thì bất đắc dĩ phải ở lại. Như nhà tôi mẹ góa con côi, muốn đi nơi khác cũng không được, loanh quanh cũng chỉ còn được nhà tôi và 2 hộ khác ở lại trong vùng này”, ông Lực nói.
Dấu ấn Hà Nội nơi cao nguyên
Hơn 40 năm rời mảnh đất cố đô, đến giờ kí ức về quê cũ vẫn rõ ràng như mới hôm qua. Hà Nội giờ đây đã đổi khác, nhưng những hoài niệm về Hà Nội vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người con xa quê.
Bà Đinh Thị Cảnh (50 tuổi, trú thôn Tiền Lâm, xã Đông Thanh) chia sẻ: “Tôi quê gốc ở Mỹ Đình, Hà Nội, vào đây lúc mới được 5 tuổi, lúc đó ở đây có 4 xóm và chỉ hơn 20 hộ dân sinh sống. Thực sự thì 10 gia đình đi kinh tế mới từ Hà Nội, đến nay chỉ còn được 1-2 gia đình ở lại. Mặc dù vậy nhưng nếp sống miền Bắc vẫn được những người xa quê duy trì qua các món ăn, đám cưới, ma chay...”.
Sau hơn 11 năm khai hoang, vỡ đất, đến ngày 28/10/1987, huyện Lâm Hà chính thức được thành lập. Tên gọi đầy ý nghĩa và thiêng liêng này được ghép lại từ hai cái tên Hà Nội và Lâm Đồng. “Thi đua làm giàu cũng là yêu nước”, khẩu hiệu này in sâu trong tâm tưởng của từng người dân Hà Nội đi làm kinh tế mới. Chẳng mấy chốc Lâm Hà có sức hút mạnh mẽ đối với nhiều người dân các tỉnh đến sinh sống lập nghiệp. Từ vùng đất hoang vu, Lâm Hà ngày nay đang dần chuyển mình, phát triển thành một đô thị giàu đẹp của tỉnh Lâm Đồng.
|
Thác Voi, điểm du lịch nổi tiếng của huyện Lâm Hà. |
Trừ cái tên Nam Ban có từ trước, nhiều địa danh ở huyện Lâm Hà đều là tên các quận, phường ở Hà Nội như: Ba Đình, Đống Đa, Đông Anh, Từ Liêm... Những món ăn đậm chất Thủ đô như: bánh cuốn Thanh Trì, bún chả, miến ngan, quán ăn Ba Đình cũng được kinh doanh. Nếu người từ nơi khác đến, có dịp ghé thị trấn Nam Ban, dạo quanh các con phố, nghe những tiểu thương giọng miền Bắc chào hàng sẽ cảm giác như đang ở giữa Hà Nội.
Cuộc sống ngày một khấm khá hơn, những người “con của Hà Nội” giờ đây có thể dễ dàng trở về thăm quê lúc rảnh rỗi. Đối với những người như bà Loan, ông Lực, Lâm Hà đã trở thành quê hương thứ hai của họ. Cuộc sống yên bình nơi “đất mới” phần nào khiến cuộc sống tấp nập nơi Hà thành đã dần xa lạ với họ.
Lâm Hà nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Lâm Đồng, phía Bắc giáp thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương, phía Nam giáp huyện Di Linh, phía Đông giáp huyện Đức Trọng, phía Tây giáp huyện Đam Rông và tỉnh Đắk HuyệnNông. Diện tích tự nhiên là 60.000 ha, chiếm khoảng 10% diện tích tỉnh Lâm Đồng.
Lâm Hà nằm trên cao nguyên Di Linh và một phần cao nguyên Lang Biang, có độ cao trung bình trên 900m so với mực nước biển. Địa hình tương đối phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, có 3 dạng địa hình chính: dốc núi cao, đồi thấp và thung lũng. Lâm Hà có các loại đất chính đó là đất phù sa, đất dốc tụ, trong đó đất đỏ bazan phù hợp với trồng các loại cây như chè, cà phê, dâu tằm.
Theo thống kê năm 2009, Lâm Hà có 30 dân tộc sống xen kẽ ở 16 xã, thị trấn. Trong đó có K’ho, Mạ là dân tộc gốc Tây Nguyên. Trải qua quá trình lịch sử, các dân tộc khác như: Mơnông, Churu, Raglây, Xtiêng… di cư đến sinh sống tạo nên cộng đồng dân tộc bản địa đa dạng, phong phú, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới. Sau năm 1975, một bộ phận các dân tộc thiểu số phía Bắc như: Thái, Tày, Nùng, Thổ, Dao... di cư vào Lâm Hà sinh sống tại các xã Phi Tô, Tân Văn, Tân Thanh, Phúc Thọ, Liên Hà. Mỗi một dân tộc có truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán khác nhau, cho đến nay các dân tộc thiểu số phía Bắc vẫn giữ được nét văn hoá đặc trưng của từng dân tộc, tạo nên sự phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam sinh sống trên quê hương Lâm Hà.
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước thực hiện chủ trương phân bổ lại lao động và dân cư, tạo thế chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn Tây Nguyên. Ngoài các đợt bố trí sắp xếp lại dân cư theo kế hoạch, trong giai đoạn 1980 - 2000 một bộ phận không nhỏ dân cư từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đã vào sinh cơ lập nghiệp tại huyện Lâm Hà.