Nỗi nhớ khôn nguôi của người mẹ 112 tuổi

“Mẹ già cuốc đất trồng khoai/ Nuôi con đánh giặc đêm ngày/ Cho dù áo rách sờn vai”..., những vần thơ vẫn vang lên trong ngôi nhà tình nghĩa, nước mắt đã cạn, đôi mắt mờ đục theo tháng năm nhưng nỗi nhớ về những đứa con ra đi không bao giờ trở lại còn mãi in sâu trong tâm trí người mẹ 112 tuổi.

“Mẹ già cuốc đất trồng khoai/ Nuôi con đánh giặc đêm ngày/ Cho dù áo rách sờn vai”..., những vần thơ vẫn vang lên trong ngôi nhà tình nghĩa, nước mắt đã cạn, đôi mắt mờ đục theo tháng năm nhưng nỗi nhớ về những đứa con ra đi không bao giờ trở lại còn mãi in sâu trong tâm trí người mẹ 112 tuổi.

Ký ức người mẹ già

Cận ngày thương binh liệt sĩ (27-7)  tìm về thôn Lập Trí, Xã Minh Trí, Huyện Sóc sơn thăm cụ Nguyễn Thị Ngoan- người mẹ đã bước sang tuổi  xưa nay hiếm nhưng vẫn đang canh cánh nỗi nhớ hai người con trai  ra đi mãi không trở về.

 Mái tóc cụ Ngoan giờ đã bạc trắng như cước, khuôn mặt gầy guộc, nhăn lại bởi thời gian cũng nỗi nhớ con khôn nguôi.

Chị Hạnh - cháu gái của cụ cho biết: “Dạo này cụ yếu lắm, có nhiều hôm đang nắng lại mưa, cụ bị sốt nằm mấy ngày rồi đến hôm nay vẫn chưa đỡ nhưng sắp tới ngày thương binh liệt sĩ rồi, cụ cứ đòi tôi đưa sang bên nghĩa trang thắp hương cho bác và bố tôi” .

Cụ Nguyễn Thị Ngoan đang cầm những chiếc huy chương của hai người con.
Cụ Nguyễn Thị Ngoan đang cầm những chiếc huy chương của hai người con.

Ngôi nhà nghĩa tình của Bộ quốc phòng xây cho cụ đã ngã theo màu thời gian, những bức tường vôi màu xanh nhạt, hơi ố vì ngấm nước mưa. Nhưng mọi vật bầy biện trong ngôi nhà vẫn gọn gàng. Đối diện cửa ra vào là bàn thờ của gia đình, trên bức tường vôi màu xanh nhạt treo chi chít trướng, bằng mừng thượng thọ mẹ, bằng Tổ quốc ghi công, Bảng vàng danh dự…  

Gia đình cụ Ngoan là gia đình có bề dầy thành tích trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, bản thân cụ  từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và được Nhà Nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất năm 1998 và Bảng vàng danh dự năm 1994. Cụ sinh được bốn người con, hai trai hai gái nhưng hai người  con trai của cụ đã nằm lại nơi chiến trường. Đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Tuế (hy sinh năm 1947) và Nguyễn Văn Hóa ( hy sinh năm 1972).

Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của mẹ...
Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của mẹ...

Cụ nhìn lên bàn thờ, bồi hồi nhớ lại quá khứ hai dòng nước mắt cứ trào ra : “ Mới đó mà đã gần 70 năm rồi con ạ! Từ ngày thằng Tuế nó đi họp trên đội nghe phát động phong trào kháng chiến chống pháp của Bác, nó cả đêm không ngủ cứ trằn trọc. Sáng dậy nó nói vớ mẹ “ con đi đánh giặc Pháp mẹ ạ” lúc đó mẹ cũng bất ngờ, tính nó nhát lắm, hồi nó cao hơn mẹ cả cái đầu mà còn sợ ma cơ mà. Thế mà đòi đi đánh giặc. Có lẽ do lòng yêu nước và cũng theo tiếng gọi của Đảng nó mạnh dạn đi nhập ngũ đó, nó đi năm 1947  và cũng năm đó nó hy sinh con à”. 

Mất đi đứa con trai đầu cụ đã khóc không biết bao nhiêu đêm, tưởng chừng nước mắt tưởng đã cạn vì anh Tuế, nhưng ngờ đâu kháng chiến chống Pháp kết thúc được vài năm nhưng giặc Mỹ còn đó, đất nước chia cắt. Người con thứ hai là anh Nguyễn Văn Hóa cũng lên đường nhập ngũ chiến đấu tại chiến trường Bình - Trị - Thiên và hy sinh năm 1972.

Đau thương nối tiếp đau thương khi hai người con trai lần lượt ra đi. Anh Nguyễn Văn Tuế hy sinh khi chưa lập gia đình còn Anh Hóa ra đi bỏ lại người vợ là bà Bùi Thị Phận và đứa con gái 5 tuổi là chị Nguyễn Thị Hạnh.

Chị Hạnh nhớ lại “Năm ấy khi bố tôi đi ra chiến trường tôi còn rất bé, còn nhớ mãi buổi tiễn bố đi, mẹ thì khóc còn tôi thì được bố bế nên cứ ghì lấy túm cổ áo đòi đi theo. Bố tôi cũng rớm nước mắt, vì lúc ấy còn nhỏ nên không hiểu sao bố mẹ lại khóc. Chỉ nhớ mãi câu nói “ bố đi đánh giặc mỹ, cho nó không thả bom làm con sợ nữa. Con ở nhà với mẹ phải ngoan nhé. Bố đi mấy bữa,  khi nào về sẽ mua kẹo cho con nhé”. Vậy mà bố tôi ra đi mãi mãi”.

Giọt nước mắt và những vần thơ

Chiến tranh đã qua đi, nhưng vết thương còn mãi. Đã gần nửa thế kỷ, thời gian là phương thuốc hiệu quả nhất chữa lành vết thương. Thế nhưng đối vợ cụ Ngoan thì tình yêu, nỗi nhớ con mãi không nguôi ngoai. Năm tháng có qua đi nhưng hình bóng, khuôn mặt của người từng người con vẫn in hằn trong trái tim người mẹ.

Bằng mừng thọ cụ Nguyễn Thị Ngoan của UBND Xã Minh Trí, Huyện Sóc Sơn, Hà Nội năm 2012 nhân dịp cụ thọ 111 tuổi.
Bằng mừng thọ cụ Nguyễn Thị Ngoan của UBND Xã Minh Trí, Huyện Sóc Sơn, Hà Nội năm 2012 nhân dịp cụ thọ 111 tuổi.

Cụ Ngoan kể “hồi đó, chiến tranh liên miên, cuộc sống nghèo khó, khi hai đứa ra đi cũng chẳng để lại tấm hình nào, nhưng mẹ vẫn nhớ cái dáng gầy guộc, nụ cười hóm má đồng tiền của thằng Tuế, còn thằng Hóa thì cái chán cao, cái mũi giống y đúc bố nó”. Nói đến đây cụ bỗng bật khóc, nước mắt lại dàn ra. Cụ lại hướng đôi mắt về phía bàn thờ hai người con mà cất lên những dòng thơ  mộc mạc mà sâu lắng đến lạ kỳ.

Chị Hạnh kể ngày nào cụ cũng thắp hương, đứng trước bàn thờ rất lâu và những lời thơ thương nhớ lại được vang lên trong căn nhà tình nghĩa đã mấy mươi năm nay rồi. Nhìn cụ nước mắt rơi, miệng thì đọc thơ với giọng trầm ngâm đôi lúc nghẹn lại.

Đó là lời bài thơ “ Bà mẹ gió linh” của nhạc sỹ Phạm Duy:

Mẹ già cuốc đất trồng khoai

Nuôi con đánh giặc đêm ngày

Cho dù áo rách sờn vai

Cơm ăn bát vơi bát đầy ….

Mẹ mừng con giết nhiều Tây …

Mẹ già một con yêu nước có kém chi

Đêm nghe xa xa có tiếng súng lắng về

Mẹ nguyện cầu cho con sống rất say mê…

Quân thù đã bắt được con

Đem ra giữa chợ cắt đầu

Hò ơi ơi ới hò ! Hò ơi ơi ới hò !

Nghẹn ngào không nói một câu

Mang khăn gói đi lấy đầu …

Tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầy

Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay

Ta yêu con ta, môi thắm bết máu cờ …

“ Ngày nào cụ cũng vậy, cứ  nhìn lên bàn thờ là cụ lại khóc và đọc thơ, khuyên mãi cũng không được. Nhiều khi nghe cụ đọc buồn quá mà khóc theo. Cụ dạo này ít ngủ lắm, đêm nào cũng tỉnh giấc và lại thút thít khóc một mình. Mấy hôm nay ốm nên tôi đưa bà về nhà để tiện chăm sóc. Nhưng cứ được một lúc là cụ lại đòi sang bên nhà tình nghĩa  để thắp hương”. Không đưa cụ đi thì cụ lại tự chống gậy đi sang, chị Hạnh kể lại.

 Cụ Nguyễn Thị Ngoan ( bên trái) và con dâu Bùi Thị Phận ( bên phải) đang hồi ức lại kỷ niệm xưa
Cụ Nguyễn Thị Ngoan ( bên trái) và con dâu Bùi Thị Phận ( bên phải) đang hồi ức lại kỷ niệm xưa

Đã bao năm, người mẹ ấy đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm, một trăm mười hai năm nhưng có đến hai phần ba cuộc đời nước mắt cụ rơi vì nhớ thương những đứa con ra đi mà không trở lại. Đôi mắt cụ giờ đây đã trắng đục, nước mắt không còn nhiều, cuộc đời đã mờ hơn trước đôi mắt nhưng nỗi nhớ con thì còn đau đáu. Có bao đêm nằm mơ các con về mà cụ giật mình  giữa đêm, không thấy ai lòng lại quặn đau trở về với thực tại.

“Nhiều khi mẹ chỉ muốn chết đi để mong được gặp được chúng nó con ạ! Nhưng không hiểu sao bao năm rồi mẹ vẫn không thể đi được, ông trời thương mẹ cho mẹ ở lại với con cháu. Nhưng mẹ nhớ hai đứa nó lắm, chỉ muốn được gặp ngay thôi!” Cụ Ngoan ngậm ngùi nói.

Thời gian có thể xoa dịu mọi thứ, nhưng nỗi đau mất con sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí mỗi người mẹ. Cụ Ngoan cả đời mình hy sinh cho kháng chiến, cho tổ quốc, những người con của mẹ mãi ra đi để lại một khoảng trống mênh mông và một nỗi nhớ khôn nguôi. Nhưng Cụ vẫn tự hào, vì những người con hy sinh vì quê hương, tổ quốc, vì ngày mai tự do, độc lập.

Văn Hùng

Đọc thêm