Nỗi nhớ nghề của cụ ông hơn 30 năm đạp xe bán báo dạo ở thành Vinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vài năm trở lại đây, vì lý do sức khỏe cũng như sự "lên ngôi" của báo điện tử, mạng xã hội, chiếc xe đạp bán báo dạo của ông Đinh Văn Thuận không còn lăn bánh nữa. Tuy vậy, ông vẫn nhớ quay quắt cái "nghề" đã gắn bó với mình suốt 30 năm qua...
Hình ảnh cụ ông hóm hình rong ruổi khắp thành phố bán báo từng trong tâm trí nhiều người dân thành phố Vinh.
Hình ảnh cụ ông hóm hình rong ruổi khắp thành phố bán báo từng trong tâm trí nhiều người dân thành phố Vinh.

Hơn 30 năm đạp xe khắp thành Vinh bán báo dạo, đó dường như là một phầncuộc sống của ông Thuận, với ông, đây không chỉ là kế sinh nhai mà còn giúp ông tiếp cận tri thức, chuyển tải bao thông điệp cuộc sống đến từng người dân. Vài năm trở lại đây, vì lý do sức khỏe cũng như sự lên ngôi của báo điện tử, mạng xã hội, chiếc xe đạp chở báo của ông không còn lăn bánh nữa.

“Vua bán báo dạo” cuối cùng

Về khối 16, phường Lê Lợi, (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) hỏi thăm cụ ông hơn 30 năm bán báo dạo không ai là không biết, dù vài năm nay những cuốc xe bán báo của ông thưa dần. Do vậy, không khó để tìm đến căn nhà của ông Đinh Văn Thuận. Bước sang tuổi 78, làn da nhăn nheo nhưng trí nhớcủa ông Thuận vẫn còn minh mẫn. Ông hỏi thăm phóng viên về các vấn đề thời sự, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn.

“Mấy năm trở lại đây báo điện tử lên ngôi, mạng xã hội phát triển, để kịp với thời đại mấy đứa con cũng mua cho tôi chiếc Ipad để “lướt” mạng cho đỡ buồn,nhưng tôi vẫn thích cầm trên tay tờ báo in hơn,đó là một cảm giác rất lạ”, ông Thuận chia sẻ.

Ông Thuận từng được mọi người nhắc đến với tên gọi khá thú vị “vua bán báo dạo”, “người bán báo dạo cuối cùng”. Bởi, trong khi nhiều người chọn công việc khác hoặc chỉ theo một thời gian ngắn rồi bỏ thì ông Thuận vẫn miệt mài đi khắp thành phố bán báo.

Vì thế, hàng chục năm qua, hình ảnh một ông già nhỏ thó, da cháy nắng, tóc bạc, khuôn mặt chằng chéo những nếp nhăn, cưỡi chiếc xe đạp cà tàng cũ kỹ rong ruổi trên khắp các ngả đường bán báo dạo ở thành phố Vinh trở nên quen thuộc với nhiều người.

Đinh Văn Thuận.Đinh Văn Thuận.

Ngồi nhớ lại những ngày tháng hoàng kim của báo giấy, ông Thuận nói: “Hơn 30 năm làm công việc bán báo dạo, tôi đã chứng kiến sự đổi thay, chuyển mình của thể loại báo này. Thời kỳ đầu, khi mới vào nghề, mặc dù chất lượng in chưa được tốt như bây giờ, số lượng đầu báo cũng không phong phú nhưng cứ báo ra lò là người mua tới tấp, để cập nhật thông tin thời sự nóng hổi trên mặt báo. Có hôm, tôi phải đặt số lượng lớn mới đủ bán”.

Vậy là sáng sớm mỗi ngày, không ai khác mà chính những người bán báo dạo như ông Thuận là người may mắn cầm trên tay tờ báo còn ấm hơi giấy, thơm mùi mực.“Thói quen đầu tiên của tôi sau khi nhận báo là chăm chú đọc kỹ từng trang báo, xem có tin bài nào “hot” nhất để lấy thông tin rao.

Hầu hết các tin, bài quan trọng các báo đều cho vào trang đầu tiên nên tôi không tốn nhiều thời gian tóm gọn thông tin, cứ đi một đoạn lại rap. Sau này, tôi thu âm bằng điện thoại rồi phát qua chiếc loa nhỏ treo trên xe”, ông Thuận cho biết trí nhớ của mình rất tốt, đọc qua một lần là nhớ được cơ bản nên cứ thế mà rao.

Để việc bán báo đạthiệu quả, ông Thuận còn có cách thức quảng cáo cho nhiều người chú ý. Ông đọc thuộc vanh vách các bài thơ của Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều của Nguyễn Du và các bài vịnh thơ để khách thích thú. Có lẽ, nhờ tính cách vui vẻ, tếu táo mà “sạp báo lưu động” của ông bán khá chạy. Ông cũng trở thành nhân vật quen thuộc của nhiều độc giá trung thành với báo in. Thời kỳ đông khách, mỗi ngày ông có thể bán trên 300 tờ báo.

Không đi bán báo dạo nữa nhưng ông Thuận vẫn là độc giả trung thành của báo giấy.

Không đi bán báo dạo nữa nhưng ông Thuận vẫn là độc giả trung thành của báo giấy.

Cũng theo ông Thuận, thời hoàng kim của báo giấy thì những tờ báo liên quan đến pháp luật như: các ấn phẩm của báo Pháp luật Việt Nam, Cảnh sát toàn cầu, Tuổi trẻ... được nhiều người chọn mua. Bởi lẽ theo ông những tờ báo này có những câu chuyện gắn liền với cuộc sống, pháp luật...Đọc qua những bài báo ấy, độc giả sẽ rút được những bài học cho bản thân.

Hàng chục năm theo nghề bán báo dạo, ông chia sẻ, điều quan trọng để làm nghề là cần có sức khỏe dẻo dai và bền bỉ. Ông Thuận tự hào, suốt thời gian dài dầm sương, dãi nắng nhưng bản thân ít khi ốm, nếu có thì hôm sau cũng khỏi luôn.

Nhiều người thắc mắc sao ông đi mưa đi gió nhiều vậy mà không ảnh hưởng sức khỏe. Ông nghĩ rằng đạp xe là cách tập thể dục khiến cơ thể luôn hoạt động nên khỏe chứ chẳng có bí quyết gì. Thậm chí, những khi trời mưa, ông chỉ lo ướt báo chứ không sợ ướt người.

Ký ức đẹp thời bán báo

Ông Đinh Văn Thuận vốn quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, từng là công nhân giao thông. Do đặc thù công việc, ông phải đi nhiều nơi, trong đó có Nghệ An. Năm 1980, sau khi về hưu, ông quyết định ở lại gắn bó với mảnh đất này.

Với đồng lương hưu ít ỏi, ông phải làm thêm nhiều việc để trang trải cuộc sống gia đình từ cắt tóc, bán kem, bán bánh mỳ… nhưng những nghề đó có vẻ “ít duyên” với ông. Cuối cùng, ông chọn gắn bó với nghề bán báo dạo. Theo ông giải thích, một phần là để kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình, quan trọng hơn là được thỏa mãn sở thích đọc báo, cập nhật thông tin thời sự.

Hơn 30 năm gắn bó với công việc mà ít người theo đuổi, điều khiến ông Thuận cảm thấy vui vì nghề này không chỉ được gặp gỡ nhiều người, chu du khắp nơi mà còn tích lũy thêm nhiều kiến thức, thông tin hữu ích.Do đó, bất kể ngày nắng gắt hay giông mưa, bước chân và vòng xe của ông vẫn rong ruổi vòng quanh khắp các phố phường.

Là người gắn bó nhiều năm với nghề bán báo dạo nên với ông đây là công việc cơ cực trong trăm nghề vất vả. Người bán phải có sức khỏe để rong ruổi hết phố này đến phố khác. Ngoài ra, người bán báo dạo cũng cần phải có “mẹo”, phải nhanh nhạy, nhận biết được thị hiếu của độc giả. Việc tiếp thị cũng có kỹ năng và phong cách riêng của người bán, lời mời chào phải làm sao cho thu hút, nhất là việc đưa những tin nóng, vụ án hấp dẫn để khách thích thú và rút ví mua.

Mấy năm trở lại đây, hình ảnh người bán báo dạo càng trở nên hiếm có, khó tìm. Hầu hết những người bán báo dạo đều đã chuyển nghề, ông Thuận cũng không nằm ngoài quy luật khắc nghiệt ấy. Dù đã từ giã nghiệp bán báo dạo nhưng với ông đó là ký ức đẹp. Bởi cái nghề “trời đày” ấy là nguồn sống để ông nuôi vợ và 2 đứa con ăn học.

Dẫu không giàu có nhưng ông Thuận luôn tự hào vì mình có những cuốn sách tư liệu hay, những bài báo hấp dẫn mà ông vẫn lưu giữ làm kỷ niệm. Đó là những “tài sản” của cụ ông hơn 30 năm bán báo, sách dạo.

Trong câu chuyện chia sẻ cùng người viết, ông Đinh Văn Thuận thừa nhận, bản thân rất nhớ cảm giác đi lấy báo, rao tin và bán cho khách. Nỗi nhớ nghề ấy đôi lúc khiến ôngmơ ngủ, giật mình nhỏm dậy cất tiếng rao thảng thốt “Báo đơi, báo mới nào!”.

Đọc thêm