Đại dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam, khiến nhiều trăm ngàn công nhân kiệt quệ, phải “tháo chạy” về quê, một lần nữa phơi bày sự thật là đời sống công nhân vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn sống trong cảnh thiếu thốn, “ráo mồ hôi là hết tiền”.
Theo số liệu công bố tại hội nghị giữa Công đoàn Việt Nam và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chiều 12/10, khoảng 70% công nhân đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây, diện tích dưới 3m2/người. Việc gia tăng hàng loạt khu công nghiệp tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh... thu hút hàng triệu lao động làm việc, khiến nhu cầu chỗ ở tăng cao.
Hiện hơn 1,7 triệu công nhân cả nước cần chỗ ở ổn định, trong khi thu nhập bình quân chỉ từ 4 - 6 triệu đồng mỗi tháng (chưa tính tăng ca). 70% công nhân thuộc nhóm thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng. Người lao động hầu như không có khả năng mua nhà, khi chi phí phòng trọ, nuôi con đã khiến họ không còn tích lũy. Thế nên công nhân phải chấp nhận ở thuê trong các phòng trọ chật hẹp, hôi hám điều kiện vệ sinh không đảm bảo, diện tích chỉ 2 - 3m2 mỗi người.
40% công nhân phải gửi con về quê cho người thân trông nom, gần 22% gửi ở nhóm trẻ gia đình, nhà trẻ tư nhân. Công nhân xa con ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm gia đình. Họ cũng không có nhiều thời gian chăm sóc con cái khi phải tăng ca. Đời sống giải trí, tinh thần của công nhân khá nghèo nàn. Tình trạng bạo lực gia đình, công nhân mắc nợ xấu, tín dụng đen... đã là một tệ trạng và có thể gia tăng sau đợt dịch.
Các ý kiến trong hội nghị cho rằng số lượng công nhân sẽ tăng nhanh trong những năm tới, nhưng trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp chưa tính tới nhu cầu về chỗ ở cho họ. Chính sách hiện hành cũng chưa khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân, nhất là vốn và đất đai. Vì vậy các tỉnh, thành cần khảo sát nhu cầu để có kế hoạch xây dựng nhà ở, bán cho công nhân với giá ưu đãi; đi kèm là các công trình như nhà trẻ, trường mầm non cho con công nhân trong các khu công nghiệp, chế xuất. Có như vậy địa phương mới giữ chân được người lao động ở lại làm việc.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thiếu nhà ở, nơi khám bệnh là một trong những bức xúc của công nhân. Ngoài ra, công nhân còn gặp tình trạng chấm dứt hợp đồng lao động ở độ tuổi 35 - 40; mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Họ phải gửi con về quê, gửi con ở điểm trông trẻ điều kiện kém; không có thời gian chăm sóc gia đình.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cơ quan này đã khảo sát một bộ phận công nhân về đề xuất làm thêm giờ. 80% công nhân đồng ý làm thêm vượt trần 40 giờ mỗi tháng, tối đa 300 giờ mỗi năm. Lý do chính mà họ phải chấp nhận làm thêm giờ là không có tích lũy, giảm thu nhập sau đợt dịch kéo dài.
Đợt dịch thứ tư kéo dài đã khiến hơn 2 triệu công nhân phải nghỉ việc, giãn việc, mất việc do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc đi cách ly, trị bệnh. Khoảng 1,3 triệu lao động đã rời các TP để về quê, đó là số liệu mới chỉ tính đến 15/9/2021. Hơn lúc nào hết, đã tới lúc cần có một cuộc “đại phẫu” trong cải thiện chế độ chính sách cho công nhân, trong đó vai trò rất quan trọng là chính quyền và các đơn vị sử dụng lao động.