Nỗi niềm người lao động lỡ Tết sum vầy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Gác niềm vui đoàn tụ, nỗi nhớ quê, nhiều lao động ngoại tỉnh quyết định ở lại thành phố đón Tết. Dù xa quê nhưng họ vẫn cảm thấy ấm lòng bởi tình đồng hương, bởi những món quà nhỏ của địa phương, nơi họ đang thuê trọ.
Dù rất nhớ quê, người thân nhưng năm nay gia đình chị Thương cùng các con sẽ ở lại miền Nam đón Tết.
Dù rất nhớ quê, người thân nhưng năm nay gia đình chị Thương cùng các con sẽ ở lại miền Nam đón Tết.

Lỡ hẹn Tết đoàn viên

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, khi nhiều gia đình trong xóm trọ háo hức chuẩn bị đồ đạc để về quê đón Tết thì vợ chồng chị Nguyễn Thị Thương (33 tuổi, quê huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, hiện đang thuê trọ tại tỉnh Bình Dương) chỉ biết nén nỗi buồn trong lòng. Tết này là năm thứ 2 gia đình chị quyết định ở lại phòng trọ mà không về quê.

“Nhìn nhiều nhà rộn ràng chuẩn bị ngày về, sum họp cùng gia đình mà chạnh lòng. Thương hơn là các con nhỏ, các cháu luôn mong mỏi được về quê gặp ông bà, họ hàng nhưng do hoàn cảnh chúng tôi đành lỗi hẹn”, chị Thương nén tiếng thở dài.

Vợ chồng chị Thương và anh Hoàng Ánh cùng quê Nghệ An. Sau thời gian mưu sinh ở Bình Dương, họ quyết định về chung một nhà vào năm 2015. Hai bên nội, ngoại đều làm nông, cuộc sống khó khăn nên vợ chồng chị phải tự thân vận động. Với đồng lương công nhân, họ phải chắt bóp để đủ các khoản chi tiêu đắt đỏ nơi thành phố.

Cách đây khoảng 4 năm, chị Thương không may phát hiện bị ung thư tuyến giáp. Khó khăn đối với đôi vợ chồng trẻ càng lớn hơn. Nhưng họ vẫn quyết bám thành phố để tiện cho việc thăm khám, điều trị bệnh và công việc. Vợ chồng chị cũng nhiều lần nâng lên đặt xuống phương án về quê lập nghiệp nhưng rồi lại quyết định bám trụ thành phố trong phòng trọ nhỏ.

Gần Tết năm ngoái, chị Thương sinh đứa con trai thứ 2. Nhà thêm con, niềm vui nhân lên nhưng vất vả cũng thêm nhiều. Chị tâm sự: “Tết năm ngoái, khi dịch COVID-19 mới bùng phát, con lại còn nhỏ nên vợ chồng tôi quyết định ở lại, không về quê. Năm nay, các tỉnh miền Nam vừa trải qua những tháng khó khăn vì dịch bệnh, gia đình tôi với 4 thành viên cũng không may nhiễm COVID-19. Vì thế, cuộc sống của gia đình càng khó khăn hơn. Do đó, dù rất nhớ quê, nhưng chúng tôi đành quyết định ở lại để tiết kiệm chi phí”.

Rồi chị tâm sự thêm, từ ngày bị bệnh hiểm nghèo và sinh con nhỏ, chị không thể đến công ty làm việc. Vì thế, kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào đồng lương công nhân của chồng khiến cuộc sống luôn chật vật.

“Tôi nhẩm tính Tết nếu về quê riêng tiền xe cộ cũng mất gần chục triệu đồng. Đó là chưa tính các khoản quà cáp hay chi phí phát sinh khác. Do đó, năm nay gia đình sẽ ở lại miền Nam ăn Tết thêm một năm nữa. Bà nội khi biết chúng tôi không về quê đã bật khóc. Bà bảo nhớ con cháu, nhất là đứa cháu đích tôn từ khi sinh ra chưa một lần được gặp mặt... Vợ chồng tôi dù rất nhớ gia đình, nhớ quê nhưng đành lỡ hẹn Tết đoàn viên”, người mẹ của hai đứa con nhỏ bộc bạch.

Xóm trọ chật chội nơi vợ chồng chị Thương sinh sống nhiều năm qua.

Xóm trọ chật chội nơi vợ chồng chị Thương sinh sống nhiều năm qua.

Ấm áp Tết xa quê

Năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Phương Huyền (35 tuổi, quê Nghệ An) cũng quyết định ở lại miền Nam ăn Tết. Sau nhiều năm mưu sinh, anh chị mới mua được căn chung cư trả góp để “an cư lạc nghiệp”. Năm nay, dịch bệnh khiến công việc của hai vợ chồng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, vì lo sợ hai đứa con nhỏ nhiễm COVID-19 trong quá trình di chuyển nên vợ chồng chị quyết định không về quê. Vì đã xác định trước tư tưởng nên cặp vợ chồng xứ Nghệ này không quá buồn.

Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chị cùng vài người bạn đồng hương đi siêu thị sắm sang những món đồ cần thiết cho ngày Tết. “Tết xa quê nhưng mình vẫn muốn có hương vị tết trong nhà. Vì thế, mình đã kịp chuẩn bị một số món ăn để gia đình cùng thưởng thức vào dịp cuối năm, Tết đến”, chị Huyền chia sẻ.

Gần chục năm lập nghiệp ở Sài Gòn và cũng có nhiều bạn bè đang sinh sống trong này nên chị đã lên kế hoạch cho những ngày tết xa quê của mình. Gia đình chị sẽ có những buổi gặp đồng hương tại nơi họ lập nghiệp vào dịp Tết đến, Xuân về. “Dù không về quê được nhưng chúng tôi sẽ gửi quà cáp về cho hai bên nội, ngoại. Niềm an ủi của những người xa quê như chúng tôi là được gặp gỡ, tụ tập cùng bạn bè, đồng hương trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc”.

Còn đối với chị Thương, Tết xa quê năm nay họ kịp thời có niềm an ủi khi được giáo xứ nơi hai vợ chồng sinh sống biết hoàn cảnh nên đã gửi món quà Tết sớm. Dù chỉ là yến gạo, gói bánh, chai dầu ăn... nhưng cũng khiến họ thêm ấm lòng. “Nhận được món quà đó chúng tôi rất xúc động. Cảm giác như thấy lòng mình ấm hơn dù không được về quê ăn Tết”, chị Thương xúc động.

Dẫu biết rằng Tết xa quê sẽ buồn nhưng vì hoàn cảnh nhiều lao động chấp nhận ăn Tết xa quê. Chính sự quan tâm, những món quà nhỏ nhưng kịp thời của mọi người giúp các lao động phần nào vơi sẽ cảm thấy vui hơn, dù xa quê nhưng vẫn được đón Tết đầm ấm, sum vầy.

Đọc thêm