Cha cho con mượn xe đi chơi. Con đem đi cầm, tiêu xài hết. Cha “tố” với công an. Con bị bắt. Sáng 6/12/2016, bị cáo bị TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) xét xử về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Cố giấu nỗi buồn trong đáy mắt
Bầu trời đen thẫm. Mưa càng lúc càng thêm nặng hạt. Chiếc xe tù rẽ màn mưa, tiến vào sân tòa. Người cha bước những bước thảng thốt về phía đứa con trai hai tay bị còng chặt. Những bước chân run run chựng lại. Rồi ông nặng nhọc quay lưng, trở vào phòng xét xử. Tấm lưng người cha già như thể còng thêm dưới cơn mưa.
Bị cáo Trần Văn Rin (30 tuổi, ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) mặt buồn thiu, thỉnh thoảng lại nhìn về phía cha mẹ và các anh em đang ngồi như những chiếc bóng lặng lẽ. Cho đến khi hai đứa trẻ chạy ào đến, đôi mắt bị cáo liền sáng rực.
Một đứa 8 tuổi, một 4 tuổi đều là con của bị cáo. Chưa đủ lớn để hiểu chuyện, cả hai đứa trẻ sau một hồi mừng rỡ được gặp cha, bắt đầu hiếu kỳ nghịch chiếc còng lạnh toát trên tay và sợi dây xích dưới chân cha mình.
Bị cáo ôm từng đứa con vào lòng, cười với chúng. Niềm vui đoàn tụ nhanh chóng bị cắt ngang, bởi tiếng chuông báo hiệu phiên tòa bắt đầu. Bị cáo bất đắc dĩ lủi thủi ra trước vành móng ngựa.
Tòa hỏi bị cáo: “Bị cáo có mối quan hệ thế nào với bị hại?”. “Dạ đó là bố bị cáo”. “Vì sao bị cáo lấy xe của cha đi cầm?”. “Dạ vì bị cáo thiếu tiền tiêu xài”. Chủ tọa nghiêm giọng: “Chỉ vì thiếu tiền tiêu xài mà phạm tội? Đến cha mình bị cáo cũng đi lừa?”. Bị cáo cúi mặt lí nhí: “Vì bị cáo nghĩ xe của ba thì không phạm tội. Cùng lắm là bị ba la mắng”.
Nghe lời khai của bị cáo, nhiều ánh mắt đổ dồn về phía người cha như những dấu chấm hỏi. Họ hoài nghi, phải chăng vì mất chiếc xe giá trị mười mấy triệu đồng, người cha lại “đẩy” con mình vào vòng lao lý? Bất giác, người cha cúi đầu, như cố giấu nỗi đau trong đáy mắt.
Bị cáo khai, mình mượn xe cha đi uống cà phê với bạn. Nhưng lúc đổ xăng, thấy giấy tờ xe nằm trong cốp, nên bị cáo mới nảy ý định mang xe đi cầm cố, lấy 11 triệu đồng. Lần trước, bị cáo cũng từng cầm xe của cha mình, nhưng tự chuộc về. Lần này thấy con đi chơi về “tay không”, nên người cha biết con trai “bổn cũ soạn lại”, mấy ngày sau, ông gửi đơn lên công an.
Bị cáo từng bị xử phạt hành chính về hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy”, do đó tòa liên tục truy hỏi, để làm rõ cáo sử dụng tiền cầm xe vào mục đích gì. “Bị cáo khai tiêu xài hết tiền, vậy đã tiêu những gì?”. Những người ngồi bên dưới “nhắc” bị cáo: “Nói đánh đề hết”, “Bao bạn bè ăn hết”... Bị cáo cúi gằm mặt, lí nhí: “Dạ bị cáo mua áo quần mặc”.
Tòa: “Bị cáo không có áo quần mặc hay sao mà phải cầm xe đi mua quần áo?”. Bên dưới lại có tiếng cười rúc rích. Đầu bị cáo càng cúi thấp. “Bị cáo có dùng số tiền trên để mua ma túy sử dụng không?”. Bị cáo lắc đầu lia lịa, bảo không. “Tại sao ở cơ quan điều tra, bị cáo khai có dùng số tiền trên để mua ma túy?”. Bị cáo nói, do lúc đó tinh thần không ổn định, nên khai không đúng sự thật.
Tòa: “Bị cáo phải biết, chiếm dụng tài sản của người khác, không phải của mình là phạm pháp. Cha bị cáo biết bị cáo nghiện hút, nếu ông không báo công an, chỉ sợ sau này, bị cáo càng thêm lún sâu vào con đường sai lầm, bị cáo hiểu không”. “Dạ bị cáo biết”.
“Bị cáo nghiện từ năm nào?”. “Dạ năm 2015”. “Lúc đó, bị có đã có vợ con, sao không lo làm ăn, còn sa chân vào nghiện ngập? Bị cáo đã làm bố, phải hiểu rõ tâm trạng của cha mình chứ? Bị cáo sống thế này, sau này làm sao dạy dỗ con cái, làm gương cho con cái?”. Trước những câu hỏi liên tục này, bị cáo im lặng. “Bị cáo có muốn ở trong trại giam lâu hơn để cai nghiện không?”. Bị cáo tiếp tục im lặng.
Hy vọng
Bên dưới khán phòng, người cha ngồi lặng lẽ nhìn con trai nơi vành móng ngựa. Dường như nỗi giằng xé trong lòng khiến gương mặt ông thêm khắc khổ. Ông buồn bã giãi bày, ngày xưa đứa con trai ông vốn hiền lành, chăm chỉ, rất hiếu thuận với cha mẹ, hết mực thương vợ con, vậy mà không ngờ lại dính vào ma túy.
Phát hiện ra điều này, vợ chồng ông rã rời. Cố nén hoang mang, ông bà tìm mọi cách để con cai nghiện. Nhưng ma lực của “cái chết trắng” thật kinh khủng. Con ông vẫn không thể nào dứt ra được. Con đi tù, vợ chồng ông đau lòng lắm. Nhất là đi tù vì cha tố cáo, lại càng đau như bị cắt ruột cắt da.
Dẫu đau lòng, nhưng ông vẫn nhất quyết đi báo công an. Làm như vậy không phải hại đời con, hủy hoại tương lai của con, mà là để cứu con. May ra vào trại giam, cách ly với đám bạn bè xấu, với ma túy, là cơ hội để con ông cai nghiện, bắt đầu lại cuộc sống của một người bình thường. Không khí phòng xét xử giãn ra như một tiếng thở dài.
Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo nhìn về cha mẹ, cái nhìn không gợn chút oán trách. Rơm rớm. Ân hận. Bị cáo xin lỗi bố mẹ, xin lỗi vợ con, hứa sẽ cải tạo tốt. Tòa tuyên bố nghị án, người thân líu ríu chạy đến bên bị cáo. Những lời trò chuyện rất ngắn, giọng nói rất nhỏ. Chỉ những ánh mắt đầy tâm trạng. Cha mẹ từng khuyên can, thậm chí van lơn, nhưng con không nghe, nên mới ra nông nỗi.
Cha bị cáo ngồi lặng lẽ ở một góc hành lang hút thuốc, nhìn vợ, con, và hai đứa cháu nhỏ vây quanh con trai. Không biết ông khóc, hay cơn gió tạt những giọt nước mưa lạnh buốt làm ướt nhòa gương mặt khắc khổ.
Người cha tâm sự, ngày trước con trai ông theo cha phụ xe cẩu gỗ mưu sinh. Công việc nặng nhọc chốn rừng sâu núi thẳm, con ông chẳng nề hà. Việc nặng nhọc thì giành phần thay cha, miếng ăn ngon cũng nhường phần cha ăn trước. Rồi công việc ngày càng khó khăn, một năm trước, gia đình ông thôi không theo nghề nữa. Con ông thành ra thất nghiệp, rồi bị bạn bè lôi kéo lúc nào không hay.
Suốt câu chuyện, người cha nói về con trai với tình cảm thương yêu nặng trĩu, dù không ít lần trách cứ. Ông trách con sao nhẹ dạ, nghe lời rủ rê của bạn bè, thử ma túy cho biết, để rồi trượt dài.
Ông trách con không đủ bản lĩnh, để đứng lên từ chỗ vấp ngã, đến nỗi cuộc đời ngày càng xám xịt. “Lúc viết đơn trình báo công an, tui cũng đau khổ, dằn vặt lắm. Nhưng chỉ còn cách đó, mới mong kéo con ra khỏi vũng bùn”, người cha thở dài.
Rồi ông kể, đây không phải là lần đầu tiên ông báo công an bắt con. Mấy năm trước, người con trai đầu của ông cũng từng mang xe nhà đi cầm, nói mãi con không nghe, nên ông đành cắn răng báo công an.
Vậy mà không ngờ, đứa con trai kế vẫn tiếp tục phạm sai lầm, như đứa lớn. Con sinh ra, dạy dỗ là trách nhiệm của người làm cha làm mẹ. Vậy mà ông đành bất lực, phải nhờ đến pháp luật dạy dỗ, may ra con ông mới tỉnh ngộ.
Người làm cha như ông, coi như đã thất bại nặng nề. Với vợ chồng ông bây giờ, điều mà họ hy vọng, là con trai sẽ tỉnh ngộ. Những ngày tháng trong trại giam, sẽ là liều thuốc quý báu. “Có thể sẽ vật vã, khó khăn, nhưng trong quá trình thi hành bản án, cải tạo, tui hy vọng hắn sẽ cắt được cơn nghiện”, ông nói đầy hy vọng.
Vậy mà, khi nghe tòa tuyên con trai 9 tháng tù giam, ông đã đứng bất động mất một lúc. Bị cáo từ giã cha mẹ, vợ con, rồi lầm lũi theo công an ra chiếc xe tù, ông vẫn đứng như bị chôn chân xuống đất. Khi chiếc xe tù chở đứa con trai mất dạng dưới màn mưa dày đặc, người cha mới thẫn thờ lê chân ra khỏi phòng xét xử.