Ở Việt Nam, nhắc tới bác sĩ pháp y là nhắc tới những con người làm nghề “định mệnh” mà người đời không phải ai cũng thấu hiểu, thông cảm. Nhưng khi cái thiện và cái ác vẫn song hành tồn tại thì cuộc sống này vẫn rất cần đến bàn tay của bác sĩ pháp y để giải mã sự thật, mang lại công bằng cho cả người sống lẫn người đã chết. Những câu chuyện từ các hồ sơ pháp y sẽ được lần lượt giới thiệu, hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn lĩnh vực đặc thù này.
Cha hay ngoại?
Ngày 6/5/1998, khi thấy cha là Nguyễn Văn Th. đang đi cấy ngoài đồng vắng nhà, cô bé 15 tuổi Nguyễn Thị Minh H. đã lén viết bức thư báo cho dì ruột của mình báo tin đang mang thai. Cũng từ lá thư đó, chuyện bị vỡ lở. Ông Th. đã nhờ mẹ đẻ tức bà nội của H. đưa cháu đi khám.
Tại bệnh viện tỉnh, bác sĩ xác định H. đã mang thai đến tuần thứ 23 không thể phá bỏ được. Sau đó 3 tháng, H. sinh được một bé trai đặt tên là Nguyễn Văn H. Về mặt giấy tờ pháp lý, đứa trẻ này là con của H. và là cháu gọi ông Th. là ông ngoại.
Bức xúc với việc con gái bị xâm hại tới mang bầu, ông Th. đã làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan pháp luật địa phương. Trong lá đơn, ông Th. cho biết con gái ông đã nói cho biết cha của đứa trẻ là người hàng xóm Nguyễn Thành Tr. sinh năm 1978.
Theo H., cô bé đã bị Nguyễn Thành Tr. dùng vũ lực giao cấu 4 lần ngay tại nhà lúc cô bé ở nhà một mình trong khoảng thời gian từ tháng 10/1997 đến tháng 3/1998. Tr. là thanh niên hàng xóm có chiếc xe tải tự chế vẫn hay đậu nhờ trước nhà cha con ông Th.
Điều không ngờ nhất là khi ông Th. và con gái gửi đơn tố cáo thì Cơ quan cảnh sát điều tra cũng nhận được một lá đơn nặc danh của người dân nơi gia đình ông Th. sinh sống tố cáo chính ông Th. mới là cha của đứa trẻ. Tại cơ quan công an Nguyễn Thành Tr. cũng cho biết do là bạn của anh ruột H. nên thỉnh thoảng có gặp để giảng bài tiếng Anh cho H. chứ không hề có hành vi xấu xa. Tr. cho rằng mình đã bị vu khống.
Trước sự xoay chiều bất ngờ của vụ việc, Công an tỉnh Tiền Giang vào cuộc và đã quyết định khởi tố vụ án. Tháng 11/1998 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang quyết định trưng cầu giám định gen di truyền AND và kết quả cho thấy ông Th. mới đích thị là cha của bé H. chứ không phải là Nguyễn Thành Tr. Sau đó ông Th. bị bắt tạm giam và cũng từ đây một kỳ án với cái tên “kỳ án cha ngoại” đã bắt đầu cùng chuỗi hành trình mà nhiều người gọi vui là không khác gì “sổ xố ADN”.
Vậy ai là cha đứa bé?
Như nhiều vụ án khác, vấn đề mấu chốt của vụ án là kết quả giám định ADN cho biết ai là cha của đứa bé, tuy nhiên sự việc càng trở nên phức tạp khi kết quả giám định ở các lần sau đó lại cho ra các kết quả trái ngược nhau.
Cụ thể, lần giám định thứ nhất do Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an tiến hành tháng 11/1999 cho kết quả ông Nguyễn Văn Th. là cha đứa bé. Ông Th. kêu oan, VKSND tỉnh Tiền Giang trưng cầu giám định lại tại Tổ chức Giám định pháp y Trung ương.
Kết quả giám định lần thứ hai tháng 1/2001 kết luận Nguyễn Thành Tr. chính là cha đứa bé. Với hai kết luận giám định trái ngược nhau của hai cơ quan giám định cấp trung ương đã đẩy các cơ quan tố tụng tỉnh Tiền Giang vào thế lúng túng và phải xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan tư pháp cấp trên, để từ đó một cuộc hội thảo khoa học lớn quy tụ các chuyên gia đầu ngành đã được mở ra tại Hà Nội.
Tại cuộc hội thảo này, các nhà khoa học sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các chỉ số huyết học và phân tích gen đã thống nhất với nhận định Nguyễn Văn Th. là cha đứa trẻ chứ không phải Nguyễn Thành Tr. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của vụ án và do yêu cầu về pháp lý, các cơ quan tư pháp vẫn quyết định trưng cầu giám định lại.
Tháng 9/2001, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trưng cầu giám định lại. Hội đồng giám định bao gồm các thành viên từ Viện Pháp y trung ương, Viện Khoa học hình sự, Viện Pháp y quân đội đều thống nhất kết quả: ông Nguyễn Văn Th. là cha ruột cháu bé Nguyễn Văn H. với xác suất 99,999%. Từ kết quả giám định này, TAND tỉnh tiền Giang đã xét xử sơ thẩm vào ngày 24/9/2002 và tuyên phạt ông Th. 3 năm tù.
Thế nhưng, đến tháng 7/2003, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM lại tuyên hủy án sơ thẩm với lý do quá trình lấy mẫu giám định đã vi phạm tố tụng. Do Hội đồng giám định lần thứ ba bảo lưu ý kiến ông Th. là cha đứa trẻ nên tháng 3/2005, TAND tỉnh Tiền Giang lại xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Văn Th. 3 năm tù. Nhưng bản án sơ thẩm này rốt cuộc cũng lại bị hủy do cơ quan điều tra không thực hiện tái giám định
Tháng 9/2005, Công an Tiền Giang trưng cầu Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an giám định lại. Kết quả giám định ADN lần thứ tư ngày tháng 12/2005 xác định ông Th. là cha đứa bé và tháng 2/2006 TAND tỉnh tiền Giang xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Th. 5 năm tù về tội “Giao cấu với trẻ em”. Ông Th. và con gái tiếp tục kháng cáo, kêu oan.
Tháng 8/2007, TANDTC lại tuyên hủy án sơ thẩm vì thủ tục giám định chưa đảm bảo tính pháp lý. Ông Th. đề đạt nguyện vọng xin được giám định thêm lần nữa. Viện KSNDTC cũng vào cuộc với quyết tâm tổ chức giám định lại lần thứ 5 một cách thật chặt chẽ, thật khách quan để trả lời cho câu hỏi “Ai là cha đứa trẻ?” mà qua 4 lần giám định ADN và 6 phiên tòa (3 sơ thẩm, 3 phúc thẩm) vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng, trong khi người được coi là thủ phạm trong vụ án thì nhất quyết khẳng định mình vô tội.
Lời tâm sự vào phút cuối của giám định viên
Ngày 26/6/2009 vì tính chất phức tạp của vụ án, theo quyết định trưng cầu giám định của Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định thành lập Hội đồng Giám định do TS.Vũ Dương - Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia thời điểm đó làm Chủ tịch Hội đồng.
Ngày 12/10/2009 tại TP. Mỹ Tho, Hội đồng đã tiến hành lấy mẫu giám định ADN đối với ông Th., cô H., anh Tr. và bé Nguyễn Văn H. Khi được lấy mẫu, ông Th. tuyên bố ông hoàn toàn an tâm và tin tưởng mình sẽ được giải oan. Thậm chí ông còn khẳng định món tiền được bồi thường oan sai ông sẽ dùng làm từ thiện.
Lúc này những người liên quan đến vụ án như chị Nguyễn Thị Minh H. đã 26 tuổi nhưng vì chịu hậu quả của kỳ án này mà đâm dang dở chuyện tình duyên, cháu Nguyễn Văn H. đã học lớp 5, còn anh Nguyễn Thành Tr. đã lập gia đình.
Thế nhưng, kết quả giám định công bố ngày 3/11/2009 (và cả mẫu gửi ra nước ngoài đối chiếu) đều cho thấy ông Nguyễn Văn Th. chính là cha đứa trẻ. Như vậy hai tiếng “cha ngoại” mà dư luận gán cho nhân vật chính của vụ án suốt mười mấy năm qua quả là không sai.
Về phần mình những giám định viên pháp y tham gia giám định lại có một câu chuyện khác để kể với nhau. Đó là câu chuyện “khi giám định viên mở lời”.
Thường các giám định viên pháp y khi làm việc rất ít khi trao đổi dài dòng với đối tượng được giám định. Họ chỉ nói, hỏi những câu cần thiết phục vụ công tác chuyên môn. Thế nhưng, lần giám định này, không hiểu vì lý do gì TS. Vũ Dương đã mở lời “tâm sự” cùng ông Th.
Kể lại với phóng viên, TS. Vũ Dương cho biết ông đã có cuộc trò chuyện với ông Th. trước khi tiến hành lấy mẫu giám định.
“Bác ạ, làm khoa học chúng tôi tuyệt đối tin tưởng kết quả khoa học và không nghiêng về bất cứ bên nào. Nhưng bác biết không, ở đời lại có một thứ luật là luật nhân quả mà khó ai có thể cưỡng lại được. Quy luật đó nói rằng, người làm điều ác thì trước sau gì cũng phải đối mặt với điều ác mình gây ra nếu không biết sớm ăn năn, sám hối”. Đáp lại những lời của giám định viên chỉ là sự im lặng kéo dài của ông Th. cả khi kết quả cuối cùng được công bố.
Vụ kỳ án ở Tiền Giang kết thúc với cái án tù 7 năm cho ông Nguyễn Văn Th. mà không có kháng cáo nữa. Có lẽ bên cạnh sự thuyết phục của kết luận giám định, cũng có một phần nhỏ trong đó từ những lời tâm sự gan ruột của giám định viên.
Còn một điều nữa của vụ án mà ít người biết là “thủ phạm” hụt Nguyễn Thành Tr. lấy vợ sau bao năm vẫn không có con, đi khám bác sĩ cho biết anh bị… vô sinh bẩm sinh.