Nỗi niềm “Tay quỷ tâm Phật” và góc khuất nghề pháp y (Kỳ 4): Những chiếc lỗ đầu độc cây rừng đến từ đâu?

(PLVN) - Ngày 3/11/2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, Lâm Đồng cho biết đã xác định được đối tượng đầu độc 59 cây thông 3 lá ở rừng thông đoạn qua địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Nhưng không mấy người biết rằng, để có thể phanh phui sự thật, tìm ra kẻ gian ác, trước đó các bác sĩ pháp y đã tạo ra một “án lệ” khá hy hữu…
Nỗi niềm “Tay quỷ tâm Phật” và góc khuất nghề pháp y (Kỳ 4): Những chiếc lỗ đầu độc cây rừng đến từ đâu?
LTS: Những ai hiểu và say mê lĩnh vực pháp y, hẳn đều biết đến câu nói nổi tiếng về nghề pháp y của Tần Minh – một bác sĩ pháp y danh tiếng thế hệ 8X tại Trung Quốc và là tác giả dòng tiểu thuyết trinh thám “Tay quỷ tâm Phật” bán chạy nhất hiện nay dựa trên các hồ sơ pháp y có thật. Bác sĩ pháp y có đôi tay hành nghề “mổ xẻ” chịu không ít tiếng đời oán trách nhưng việc làm đó là để trừng phạt kẻ ác, rửa nỗi hàm oan, quả đúng là tâm Phật. 

Ở Việt Nam, nhắc tới bác sĩ pháp y là nhắc tới những con người làm nghề “định mệnh” mà người đời không phải ai cũng thấu hiểu, thông cảm. Nhưng khi cái thiện và cái ác vẫn song hành tồn tại thì cuộc sống này vẫn rất cần đến bàn tay của bác sĩ pháp y để giải mã sự thật. Những câu chuyện từ các hồ sơ pháp y sẽ được lần lượt giới thiệu, hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn lĩnh vực đặc thù này. 

Sở dĩ gọi là “án lệ” hy hữu bởi thông thường khi nói đến giám định pháp y, thường nghĩ đến việc giám định thương tích, độc chất, tử thi hoặc tang vật liên quan chứ ít ai biết rằng những cây dừa, cây thông đã từng trở thành đối tượng giám định. “Hòn đất mà biết nói năng”, nếu như cây cối biết nói thì lời đầu tiên sẽ là câu cảm ơn các bác sĩ pháp y đã cứu chúng khỏi cái những chết đầy oan uổng

Dừa, thông và những cái chết tức tưởi

Tháng 5/2015, trên địa bàn ấp An Định Giồng, xã Tân Bình, huyện Càng Long  tỉnh Trà Vinh xảy ra tình trạng dừa đang cho trái bỗng chết hàng loạt. Thấm thoát số cây chết đã lên tới con số trăm. 

Cuộc sống mưu sinh gắn bó với dừa nên những người nông dân hai lúa đều có chung cảm giác vô cùng xót xa khi nhìn những tán lá dừa ủ rũ gục xuống chết khô dần, thay vì xào xạc gọi gió như trước đây. Phải chăng có một dịch bệnh cây trồng nào đó đang hoành hành? Hay những cây dừa đang bị kẻ xấu “bức tử”? Những câu hỏi ngổn ngang trong lòng những nông dân và cơ quan chức năng. 

Bằng kinh nghiệm trồng dừa lâu năm của mình, người dân địa phương khẳng định rằng, dừa chết không phải do bị nhiễm bệnh, mà nguyên nhân chính là do có kẻ xấu gây hại. Sở dĩ người dân khẳng định nguyên nhân này vì khi kiểm tra số dừa chết, phát hiện các cây đều bị kẻ xấu cố tình khoan sâu vào thân hoặc gốc, sau đó bơm một loại chất gì đó vào rồi trám đất lại.  

Nhà vườn Nguyễn Văn Ngoan bức xúc kể, gia đình ông có 0,5ha trồng chuyên canh dừa, với hơn 120 cây đang cho trái, hàng tháng cho thu nhập không dưới 5 triệu đồng. Tuy nhiên, khoảng 4-5 tháng gần đây, dừa có hiện tượng teo ngọn, chết dần. Khi kiểm tra ông Ngoan phát hiện các thân cây bị khoan 1 lỗ sâu khoảng 15-20 cm và trám lại một lớp đất. Khi bóc bỏ lớp đất ra, chỗ lỗ khoan bốc mùi hôi của thuốc khai hoang hay còn gọi là thuốc trừ cỏ…

Những lỗ khoan oan nghiệt trên thân cây
 Những lỗ khoan oan nghiệt trên thân cây

Một vụ việc khác. Ngày 6/6/2015, Hạt Kiểm lâm thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng phát hiện rừng thông tại tiểu khu 466A thuộc địa bàn thôn 9, xã Đam B’ri bao gồm 684 cây thông gần 30 năm tuổi nằm trên diện tích 2,6ha đã chết. Trên các thân cây, đều có dấu vết bị khoan lỗ bơm hóa chất vào hoặc vạt vỏ quanh thân khiến cây dần khô cành, trụi lá, khoảng 3 tháng sau thì chết đứng từng vạt. Hạt Kiểm lâm thành phố Bảo Lộc đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Công an thành phố Bảo Lộc và đề nghị phối hợp điều tra. 

Trước đó, theo thông tin báo chí, thì không riêng gì những cây thông ở thành phố Bảo Lộc bị “bức tử”, mà thực trạng này còn xảy ra tại khoảnh 3, tiểu khu 262A thuộc xã Phi Tô, giáp ranh xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Hàng trăm cây thông trên diện tích 3.500m2 bị khoan lỗ bơm thuốc sâu vào hoặc vạt vỏ quanh thân khiến cây dần khô cành, trụi lá, khoảng 3 tháng sau thì chết đứng từng vạt. 

Năm 2014, tại Đắk Nông cũng xảy ra vụ việc tương tự, khi hàng ngàn cây thông từ 25 – 30 năm tuổi ở xã Quảng Sơn, hyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông bị đẽo khoét một lỗ sâu vào góc thân cây cách mặt đất chừng 20 – 30cm, sau đó “tiêm” hóa chất làm cây ngấm và chết từ từ. Tại các vị trí bị đẽo vạc có sủi bọt màu trắng, cành lá cây đã ngả sang màu vàng. Thời gian từ lúc bị “đầu độc”, ngấm thuốc cho đến lúc cây bị chết trong vòng khoảng từ 2 – 3 tháng, thậm chí chỉ chưa đầy một tháng. Những cái chết tức tưởi của cây diễn ra trong một thời gian dài… 

Pháp y góp phần chỉ mặt “kẻ thủ ác”

Trước sự việc trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh đã gửi quyết định trưng cầu tới Phân Viện Pháp y quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Nội dung Quyết định trưng cầu nêu rõ, ngày 8/5/2015 Cơ quan CSĐT Công an huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh nhận được tin báo của các hộ dân ngụ ấp An Định Cầu, xã Tân Bình, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh trình báo sự việc các cây dừa đang trong thời kỳ cho trái thì bị chết, trên thân dừa có lỗ khoan tròn nghi vấn bị đối tượng khoan bỏ thuốc bảo vệ thực vật vào gây chết cây dừa. 

Tương tự, Cơ quan CSĐT Công an TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cũng có quyết định trưng cầu gửi tới Phân Viện Pháp y quốc gia tại TP Hồ Chí Minh. Nội dung trưng cầu cho thấy, ngày 9/6/ 2015, Công an TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng nhận được tin báo từ Hạt kiểm lâm Bảo Lộc về việc xảy ra vụ hủy hoại rừng tại khoảnh 1, tiểu khu 466a thuộc thôn 9, xã ĐamBri, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. 

Qua điều tra ban đầu xác định diện tích rừng có dấu hiệu bị hủy hoại là 7,6 ha, số cây có dấu hiệu bị hủy hoại là 684 cây, chiều cao ngọn trung bình là 16 m, loại cây bị hủy hoại là: thông 3 lá, hình thức hủy hoại: dùng búa, rìu vạt ba phía tại mỗi gốc cây. Quá trình khám nghiệm hiện trường ngày 15/6/2015 cơ quan điều tra đã thu giữ 5 mẫu gỗ cây thông bị chặt đẽo ở gốc cây tại hiện trường và 33 chai nhựa tại hiện trường.

Dù sự việc xảy ra đã vài năm nhưng khi nói về vụ giám định cây hy hữu, giám định viên Nguyễn Đức Nhự - Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia vẫn không thể quên cảm xúc khi lần đầu tiên “đối tượng giám định” là cây cối. 

Viện trưởng Nguyễn Đức Nhự cho biết, Khoa Hóa pháp tại Viện Pháp y quốc gia cũng như Phân Viện Pháp y quốc gia tại TP Hồ Chí Minh thường xuyên giám định những trường hợp liên quan đến các vụ ngộ độc thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu… giúp cho cơ quan điều tra giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, các mẫu gửi giám định thường là những mẫu dịch sinh học, phủ tạng người hoặc tang vật liên quan. Đây là trường hợp đầu tiên cơ quan giám định nhận mẫu giám định là thực vật, cụ thể là mẫu cây dừa và cây thông.

Ngay sau khi nhận được các quyết định trưng cầu, Phân Viện Pháp y quốc gia tại TP Hồ Chí Minh đã tiến hành giám định bằng hoàng loạt các phương pháp phân tích như: sắc ký lớp mỏng; quang phổ hấp thu tử ngoại; sắc ký lỏng; sắc ký khí khối phổ và đã tìm thấy thuốc trừ cỏ Glyphosate trong các mẫu tang vật. Glyphosate là thuốc trừ cỏ hậu nẩy mầm (diệt cỏ sau khi cỏ đã mọc). Thuốc được bán trên thị trường chủ yếu dưới dạng lỏng đóng chai. Khác với những loại thuốc trừ cỏ có tính chọn lọc, chỉ diệt cỏ dại chứ không diệt cây trồng, thì thuốc Glyphosate là thuốc trừ cỏ không chọn lọc, sẽ diệt luôn cả cây trồng. Chính đặc điểm này của Glyphosate đã bị kẻ xấu lợi dụng để triệt hạ cây ở Trà Vinh và Lâm Đồng. 

“Về cơ bản, việc phân tích các mẫu tiến hành theo quy trình thường quy. Nhưng đây là loại thuốc bảo vệ thực vật hiếm gặp nên việc xử lý mẫu ban đầu có chút khó khăn. Tuy nhiên với sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ Khoa Hóa pháp cuối cùng đã phát hiện được loại thuốc bảo vệ thực vật này. Kết quả giám định giúp cho cơ quan điều tra truy tìm thủ phạm và xử lý theo pháp luật, góp phần giải quyết vụ án nhanh chóng, chấm dứt được sự hoang mang, lo sợ của người dân trồng dừa ở Trà Vinh và cây thông ở Lâm Đồng trong thời gian qua. Và những người giám định viên như chúng tôi cũng củng cố thêm niềm tin về vai trò bác sĩ công lý của mình trong nhiều lĩnh vực của đời sống”- Giám định viên Nguyễn Đức Nhự nhấn mạnh.

Được biết, căn cứ theo kết quả điều tra và kết luận giám định pháp y, sau đó ít lâu nhiều sát thủ giết cây đã sa lưới pháp luật. Đơn cử như Công an thành phố Bảo LộcLâm Đồng đã bắt khẩn cấp Phạm Văn Hải (46 tuổi), ngụ thôn 9, xã Đam Bri một trong 3 thủ phạm đầu độc 684 cây thông gần 30 năm tuổi tại tiểu 466A... 

Ngày 29/7/1957 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký nghị định số 845/ BYT-NĐ tách bộ phận Độc chất khỏi Viện Vi trùng học để thành lập Phòng Kiểm nghiệm trực thuộc Bộ Y tế, có trụ sở tại 48 Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm – Hà Nội. Bộ phận Độc chất là một trong bốn bộ phận chuyên môn của Phòng Kiểm nghiệm, cơ cấu tổ chức gồm 8 người (2 Dược sĩ trung cấp, 5 Dược tá, 1 công nhân), phụ trách bộ phận Độc chất là DS Trần Văn Uyển.

Ngày 30/06/2004, Bộ Y tế ra Quyết định số 2293/QĐ- BYT chuyển Phòng Độc chất từ Viện Kiểm nghiệm sang Viện y học tư pháp Trung ương và đổi tên phòng thành Khoa Hóa pháp.

Các cán bộ Khoa Hoá pháp không ngừng nghiên cứu ứng dụng các phương pháp trên các máy phân tích hiện đại nhằm nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện khi gặp các đối tượng mới có thể thực hiện phân tích được kịp thời, tiến kịp với trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

  

Đọc thêm