LTS: Những ai hiểu và say mê lĩnh vực pháp y, hẳn đều biết đến câu nói nổi tiếng về nghề pháp y của Tần Minh – một bác sĩ pháp y danh tiếng thế hệ 8X tại Trung Quốc và là tác giả dòng tiểu thuyết trinh thám “Tay quỷ tâm Phật” dựa trên các hồ sơ pháp y có thật.
Bác sĩ pháp y có đôi tay hành nghề “mổ xẻ” chịu không ít tiếng đời oán trách nhưng việc làm đó là để trừng phạt kẻ ác, rửa nỗi hàm oan, quả đúng là tâm Phật. Ở Việt Nam, nhắc tới bác sĩ pháp y là nhắc tới những con người làm nghề “định mệnh” mà người đời không phải ai cũng thấu hiểu, thông cảm. Nhưng khi cái thiện và cái ác vẫn song hành tồn tại thì cuộc sống này vẫn rất cần đến bàn tay của bác sĩ pháp y để giải mã sự thật.
Năm 2003, Công an tỉnh Bắc Kạn tiến hành điều tra vụ án cố ý gây thương tích gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn tới một em học sinh bị tử vong. Vụ án gây xôn xao dư luận, đặc biệt là với Trường PTTH Nà Pặc nơi vụ án xảy ra, bởi những thông tin về kết luận giám định xác định nguyên nhân chết của nạn nhận do pháp y đưa ra có nhiều mâu thuẫn với các kết quả điều tra thu được.
Tin vào chứng cứ, lời khai hay kết luận pháp y?
Theo hồ sơ, vào khoảng 13 giờ ngày 23/4/2003, học sinh La Hoàng D. sinh năm 1988 ở Trung Hoà, Ngân Sơn, Bắc Kạn học tại trường PTTH Nà Pặc đang ngồi ôn bài trong lớp thì bất ngờ bị Nông Văn H. sinh năm 1980 dẫn theo một nhóm học sinh xông vào đánh. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng chỉ 2 tiếng sau, em đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện huyện Ngân Sơn.
Cơ quan cảnh sát điều tra sau khi nhận được tin báo đã nhanh chóng tổ chức điều tra khám nghiệm hiện trường và trưng cầu Sở Y tế Bắc Kạn giám định pháp y tử thi. Sau khi tiến hành giải phẫu, bản kết luận nhiều trang cùng bản ảnh rõ ràng đã đưa ra kết luận: nạn nhân chết do tràn máu não và màng não. Nguyên nhân nghi do đa vết thương, thấu hộp sọ bởi vật nhọn có kích thước khoảng 0,2cm tác động gây ra.
Đáng lưu ý, kết quả pháp y cho biết có xuất hiện rất nhiều lỗ thủng (46 lỗ) thấu hộp sọ ở vùng trán, đỉnh đầu, thái dương bên và cùng chẩm kích thước khoảng 0,2cm. Nhiều lỗ thủng ở màng não và bề mặt não có kích thước và vị trí tương ứng với các lỗ thủng trên xương sọ. Ngoài ra, có khoảng 50ml máu loãng, phun ra từ vùng đỉnh trái của tổ chức não.
Từ kết luận này, cơ quan điều tra nhận định đây là vụ giết người. Thủ phạm có thể dùng vật nhọn như compa, dùi sắt hay bàn chông cắm hoa đánh nhiều nhát vào đầu nạn nhân gây thủng da đầu, thủng xương sọ, màng não và chảy máu não.
Thế nhưng, công tác điều tra của công an cho thấy giữa kết luận pháp y và lời khai của bị can, các nhân chứng, cùng các tài liệu thu được có nhiều mâu thuẫn. Các bị can một mực khai chỉ dùng chân tay đấm, đá, còn trong bản kết luận giám định pháp y lại mô tả có tới 46 “lỗ thủng” nhỏ trên da đầu và xương sọ nạn nhân.
Không những thế, sự việc xảy ra ngay ban ngày trong lớp học, có nhiều học sinh khác chứng kiến. Qua công tác khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai các nhân chứng và đấu trang khai thác các đối tượng nghi vấn, cơ quan công an không thu được bất kỳ một vật chứng nào khả dĩ có liên quan.
Tình hình càng trở nên phức tạp, vụ án không chỉ nhanh chóng gây xôn xao dư luận quần chúng địa phương, nhất là trong học sinh, phụ huynh trường PTTH Nà Pặc bởi sự độc ác, tàn bạo xảy ra trong môi trường học đường mà quanh cái chết và kết luận giám định pháp y còn khiến giới chuyên môn, nhất là các bác sỹ pháp y cảm thấy không khỏi hoài nghi, đặt dấu chấm hỏi.
Nên tin vào chứng cứ, lời khai của các bị can và nhân chứng hay kết luận pháp y? Nạn nhân bị đấm đá đến chết hay do dùi sắt, compa, bàn chông đâm hay còn yếu tố nào khác? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra cần lời giải đáp thỏa đáng. Rõ ràng, sự công minh, niềm tin vào công lý chỉ có thể có được khi các chứng cứ, lời khai nhân chứng và vật chứng trùng với nhau.
Diễn biến vụ việc quá kỳ lạ
Để giải quyết những vấn đề gai góc đặt ra này quả thực không đơn giản và thực sự nằm ngoài khả năng chuyên môn của địa phương, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn đã quyết định trưng cầu cơ quan chuyên môn cao hơn.
Là giám định viên của Viện Y học tư pháp trung ương lúc đó (nay là Viện Pháp y quốc gia) tham gia giám định, ông Hồ Kim Châu cho biết, sau khi tiếp nhận hồ sơ, các bản ảnh tử thi và các dấu vết thương tích được các giám định viên cấp cao đem ra nghiên cứu cẩn trọng.
Qua nghiên cứu hồ sơ, các giám định viên nhận thấy có những điểm chưa rõ ràng và có phần… vô lý về những tổn thương trên hộp sọ của nạn nhân cần được làm rõ nên đã đề nghị khai quật tử thi để nghiên cứu, giám định lại xem trên xương sọ và màng não của nạn nhân có 46 “lỗ thủng” đúng như mô tả trong kết luận giám định của pháp y địa phương hay không.
Lý do được đưa ra là bởi nếu đúng như lời khai của các bị can và nhân chứng thì đây là trường hợp rất kỳ lạ và chưa có tiền lệ trong ngành pháp y Việt Nam, hung thủ phải là người rất điên khùng, dữ tợn, khi gây án đã trút hết mọi sự bực tức, lòng căm thù cao độ lên đầu nạn nhân. Điều này hoàn toàn không phù hợp với tâm lý tội phạm ở lứa tuổi học trò.
Việc gây ra được 46 thương tích trên đầu một bạn học trong một khoảng thời gian ngắn ngay trước mắt đông đảo các bạn học sinh đang ngồi trong lớp, nhưng không ai nhìn thấy bất kỳ hung khí nào được sử dụng, quả là điều hết sức bất bình thường.
Hơn thế nữa, tại hiện trường, qua khám nghiệm lại cũng không thấy dấu máu để lại cũng là câu hỏi lớn, khắc sâu sự mâu thuẫn giữa kết luận giám định và kết quả điều tra, lấy lời khai.
Ngày 29/10/2003, sau 6 tháng xảy ra vụ việc rúng động ấy, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn đã quyết định khai quật tử thi và trưng cầu giám định lại.
“Kết quả khai quật không hề phát hiện thấy các lỗ thủng trên xương sọ và màng não do tác động của compa, dùi sắt hay bàn chông” – Giám định viên Hồ Kim Châu cho biết.
“Mặc dù tử thi đã đang ở quá trình phân huỷ nhưng trong tổ chức não bên trái vẫn còn nhận thấy ổ tụ máu màu nâu đỏ. Nguyên nhân chết là chảy máu não do vật tày tác động. Và như vậy, kết quả này hoàn toàn trái ngược với kết luận giám định lần đầu của Hội đồng giám định pháp y, Sở Y tế Bắc Kạn”.
Lật lại hồ sơ vụ án, căn cứ lời khai nhân chứng, các giám định viên cũng biết được, sau khi bị đánh, nạn nhân loạng choạng lệch người sang phải rồi ngã khuỵ. Đó có thể là dấu hiệu liệt nửa người bên phải. Được biết, trước đó chừng một tháng, nạn nhân có đi viện điều trị chứng cao huyết áp với biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Phò tá pháp luật, giám định viên không được phép sai lầm
Lý giải về bản kết luận ban đầu với 46 “lỗ thủng”, giám định viên Hồ Kim Châu phân tích: “Vấn đề đáng nói là những lỗ thủng nhỏ trên xương sọ không phải là do chấn thương của vật nhọn tác động gây nên mà thực chất đó chỉ là những lỗ tự nhiên dành cho các mạch máu nhỏ nuôi xương và phần mềm. Những kiến thức giải phẫu mà bác sỹ pháp y địa phương không nắm được đã gây hoang mang không chỉ cho phương hướng phá án của cơ quan điều tra mà còn vô tình để lại nỗi sợ hãi trước hành vi tưởng chừng man rợ của những cậu học trò”.
Đến lúc bấy giờ, cơ quan điều tra mới trút được trăn trở về đạo đức, nhận thức hành vi của bị can Nông Văn H. Sự thật đã được làm sáng tỏ rằng không có bàn chông, compa hay dùi sắt nào tác động gây ra các thương tích trên đầu La Hoàng D. cả.
Tuy nhiên, một câu hỏi khác được đặt ra: Vậy “thủ phạm” chính dẫn đến chảy máu não và gây tử vong ở cậu học trò đang tuổi 15 này là do đấm đá hay do cơ địa của bệnh cao huyết áp lại trở thành một câu hỏi lớn cần lời giải ngay tức khắc.
“Dĩ nhiên các yếu tố này có liên quan với nhau và có tác động nhân quả. Do đó khi phân tích, đánh giá các nguồn chứng cứ để xác định mức độ sai phạm của bị can để luận tội, các yếu tố này phải được đề cập tới. Đang bình thường ngồi trong lớp, chưa có biểu hiện nào của cơn cao huyết áp, dù có tiền sử bệnh nhưng khi có xung đột, căng thẳng do va chạm tác động ngoại lực (đấm, đá) huyết áp đã tăng lên đột ngột tới mức nguy kịch, làm vỡ mạch máu não và gây ra tử vong” – ông Châu kết luận.
Vụ việc khép lại nhưng câu chuyện đáng tiếc ấy đã là bài học rất bổ ích cho các giám định viên. “Dù sao đây cũng là một bài học đắt giá cho các bác sĩ pháp y. Là những người được mang trên vai nhiệm vụ, trọng trách phò tá cán cân công lý, chỉ cần một sai lầm nhỏ do thiếu hiểu biết về kiến thức bình thường cũng có thể gây ảnh hưởng tới uy tín, danh dự và thậm chí là sinh mạng của con người, không thì cũng dễ dẫn đến oan sai, xét xử không đúng người đúng tội” – giám định viên Hồ Kim Châu trăn trở.