Diễn viên Lê Công Tuấn Anh (1967-1996) là người gốc Huế, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Năm 10 tuổi, anh đã phải chứng kiến sự đổ vỡ hôn nhân của cha mẹ. Khi cha qua đời, mẹ đi thêm bước nữa, anh bắt đầu cuộc sống lang thang, bán báo dạo, đánh giày... để kiếm cơm ăn qua ngày. Năm 12 tuổi, Lê Công Tuấn Anh được đưa vào trường Giáo dục thiếu niên 3, được học văn hóa và học nghề. Sau đó, Lê Công Tuấn Anh được một người cô ruột đón về nhà nuôi dưỡng.
Dù gia cảnh nghèo khó, nhưng cô của anh vẫn lo cho anh ăn học tử tế. Nhờ vậy, năng khiếu nghệ thuật của anh có điều kiện bộc lộ và được thầy Lê Bình dìu dắt, rồi được nữ nghệ sĩ Kim Cương phát hiện tài năng và nhận làm học trò. Tên tuổi của Lê Công Tuấn Anh thực sự tỏa sáng, trở thành hiện tượng trong giới điện ảnh khi tham gia vai diễn bác sĩ Quang “Đông ki sốt” trong bộ phim “Vị đắng tình yêu” của đạo diễn Lê Xuân Hoàng.
Ca giám định khó quên
Khoảng 13h ngày 17/10/1996, Bệnh viện Trưng Vương, TP.HCM tiếp nhận một ca cấp cứu. Nạn nhân đã hôn mê được đưa đến trên một chiếc xích lô. Người đó chính là nam diễn viên Lê Công Tuấn Anh.
Chiều tối cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Tuyền - thời điểm đó là Giám định viên trưởng Tổ chức Giám định Pháp y TP HCM nhận thông báo sẽ cùng đại diện Viện Kiểm sát, Cảnh sát điều tra, Công an quận 10, Phòng Khoa học hình sự Công an TP HCM tham gia khám nghiệm tử thi để tìm nguyên nhân tử vong của nam diễn viên Lê Công Tuấn Anh.
Theo hồ sơ giám định mô tả người cháu ở cùng nhà khi phát hiện thấy nam diễn viên ngất xỉu, mặt bê bết máu đã chạy ra ngoài hô hoán và nhờ hàng xóm đưa Lê Công Tuấn Anh vào bệnh viện cấp cứu. Lúc đầu, thấy trên trán anh có hai vết chấn thương, máu ra rất nhiều nên các bác sĩ sơ cứu chẩn đoán bệnh nhân bị chấn thương sọ não và được chuyển sang Bệnh viện 115 vào lúc 13h20’.
Do chẩn đoán ban đầu là chấn thương sọ não nên Bệnh viện 115 cho hồi sức cấp cứu và chụp chiếu kiểm tra nhưng kết quả cho thấy không có chấn thương sọ não. Đến 14h Lê Công Tuấn Anh được chuyển về phòng hồi sức thì nôn thốc, nôn tháo, trong dịch nôn có thuốc tân dược.
Từ hiện tượng này cùng với thông tin từ người nhà bệnh nhân rằng có khả năng bệnh nhân đã uống thuốc tự tử với bằng chứng là một lọ thuốc Quinine Sulfate 250mg đặc trị sốt rét trên nhãn ghi 180 viên nhưng đếm chỉ còn 107 viên, kiểm tra mấy mẫu thuốc trong dịch nôn của Lê Công Tuấn Anh và mẫu thuốc còn trong lọ có hình dạng giống nhau, các bác sĩ của Bệnh viện 115 đã xác định bệnh nhân bị ngộ độc thuốc Quinine Sulfate - một loại thuốc sốt rét cực mạnh nên dùng mọi biện pháp chuyên ngành để cứu chữa. Nhưng đến 16h20 phút ngày 17/10/1996 thì Lê Công Tuấn Anh không qua khỏi.
Kết quả giám định pháp y đã xóa tan sự nghi ngờ trong lòng người hâm mộ về cái chết của người nghệ sĩ. |
“Ca mổ giám định pháp y để tìm nguyên nhân cái chết của Lê Công Tuấn Anh được thực hiện ở Bệnh viện 115 sáng ngày 18/10/1996. Lúc đó, cơ sở hạ tầng và khuôn viên bệnh viện còn khá sơ sài nên người hâm mộ tụ tập đông lắm, họ đứng sát ngay cạnh phòng mổ để chờ đợi thông tin về nguyên nhân cái chết của nam diễn viên mà họ yêu mến. Thấy tôi họ nhao nhao hỏi: Vì sao Lê Công Tuấn Anh lại chết? Tử tử hay bị sát hại? Tuy nhiên, vì kỷ luật nghiệp vụ nên tôi không thể trả lời nhưng cũng cảm nhận được rằng trọng trách tìm ra sự thật đặt trên vai mình là rất lớn” – giám định viên Nguyễn Thanh Tuyền nhớ lại.
Căn cứ theo hồ sơ của bệnh viện khi Lê Công Tuấn Anh cấp cứu với vết chảy máu trên trán, giám định viên Nguyễn Thanh Tuyền đã xem xét rất tỉ mỉ từng dấu vết trên thi thể nam diễn viên.
“Khám nghiệm cho thấy vết chấn thương trên trán Lê Công Tuấn Anh không thể dẫn tới tử vong. Có khả năng sau khi uống thuốc, anh đã bị vật vã không còn làm chủ được hành vi rồi đập đầu vào tường. Trên người nam diễn viên cũng không thấy có dấu vết nào của việc bị tác động ngoại lực gây chấn thương nội tạng bên trong dẫn đến tử vong. Hơn nữa, khi mổ phần nội tạng vẫn còn nhiều viên thuốc chưa tan hết. Thế nên, mọi suy đoán ban đầu của tôi căn cứ từ kết quả mổ giám định pháp y cũng như kết hợp với ghi chép của bệnh viện lúc cấp cứu và lời kể của người nhà đều dồn về giả thuyết Lê Công Tuấn Anh đã tự tử bằng thuốc” - bác sĩ Tuyền cho biết.
Để xác định được chất gây tử vong có trùng khớp với thành phần của thuốc trị sốt rét thu giữ tại hiện trường hay không, tự tay giám định viên Nguyễn Thanh Tuyền đã trích xuất mẫu nội tạng của nạn nhân để gửi ra Hà Nội thực hiện giám định hóa pháp tìm độc chất vì tại thời điểm cách đây 20 năm Tổ chức Giám định pháp y TP.HCM chưa đủ điều kiện giám định.
Người thực hiện giám định hóa pháp tìm độc chất của vụ việc Lê Công Tuấn Anh tự tử là giám định viên Đào Trọng Phúc – nguyên Trưởng Phòng Độc chất của Viện Pháp y quốc gia. Trao đổi với phóng viên, ông Phúc cho biết, đúng là tại thời điểm ấy ông Phúc có thực hiện một số mẫu giám định độc chất để tìm ra nguyên nhân tử vong, nhưng tất cả các hồ sơ đều được mã hóa bằng số nên ông không biết mẫu nào là của Lê Công Tuấn Anh.
Sau này kết quả giám định pháp y được cơ quan điều tra công bố cho thấy chất gây tử vong cho nam diễn viên Lê Công Tuấn Anh trùng khớp với thành phần của thuốc trị sốt rét Quinine Sulfate có tại hiện trường. Như vậy, nam diễn viên đã tự tử chứ không bị sát hại như nhiều lời đồn đoán trước đó.
Kỷ niệm buồn của người bác sĩ pháp y
Giám định viên Nguyễn Thanh Tuyền theo nghề bác sĩ pháp y đã mấy chục năm. Trong cuộc đời làm nghề của mình, ông đã trải qua rất nhiều ca giám định khó quên và một trong số đó là ca giám định tìm nguyên nhân tử vong của nam diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh.
Sau khi giám định trên tử thi, giám định viên Nguyễn Thanh Tuyền cho biết ông đã cùng cơ quan điều tra đến căn nhà thuê của nam diễn viên để khám nghiệm.
“Tôi là người mê phim ảnh nên mấy phim mà nam diễn viên này đóng đều có xem, thế nên khi đến căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm đường Tô Hiến Thành, tôi cũng không nghĩ một diễn viên nổi tiếng lại có cuộc sống nghèo khó quá mức tưởng tượng như thế.
Tôi nhớ, trong nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc tivi, đầu máy video, một máy cassette và hai cái quạt bàn cũ kỹ. Nhà không có tủ đựng quần áo nên quần áo phải treo trên tường, cũng không có giường ngủ. Tại đây, cơ quan điều tra và tôi phát hiện một số vỉ thuốc đã uống hết hoặc đang uống dở, vương vãi một số thư từ trên nền nhà. Tôi phát hiện thư tuyệt mệnh Lê Công Tuấn Anh để lại. Đến đây, chúng tôi đã có cơ sở để đưa ra kết luận nguyên nhân cái chết của nam diễn viên tài hoa năm đó.
Thời điểm chúng tôi công bố kết luận điều tra, người thân, bạn bè, người hâm mộ của nam diễn viên đã òa khóc. Tất cả đều tiếc thương cho sự dại dột, khốn cùng của một diễn viên tài hoa đã tìm đến cái chết trong tuyệt vọng. Bản thân tôi dù đã kinh qua rất nhiều vụ việc, nhiều cái chết thương tâm, nhưng trong lòng cũng cảm thấy bùi ngùi tiếc thương cho một tài năng sớm tắt” – ông Tuyền ngậm ngùi kể.
Những chuyện kỳ lạ quanh đám tang người nghệ sĩ
Trong câu chuyện của mình, giám định viên Nguyễn Thanh Tuyền còn nhắc đến một sự việc nữa cũng liên quan đến cái chết của Lê Công Tuấn Anh. Đó là cây si một gốc hai thân xanh tốt tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
Trước đó, khi Nghĩa trang Bình Hưng Hòa mới thành lập, với tư cách là Giám định viên trưởng Tổ chức Giám định Pháp y TP.HCM, ông Tuyền đã xin với thành phố cho phép xây một phòng lạnh lưu giữ tử thi và phòng mổ trong khuôn viên nghĩa trang.
Cùng thời gian này, được sự đồng ý của Ban quản lý nghĩa trang, tự tay ông Tuyền đã trồng một cây si tại sân nghĩa trang. Khi diễn ra đám tang của Lê Công Tuấn Anh, cây si này cũng được 5-6 năm và khá to. Vì thế, nhiều người hâm mộ nam diễn viên tham dự đám tang do không còn chỗ đứng đã leo cả lên cây khiến thân cây không chịu được sức nặng đã chẽ thân ra làm đôi.
“Cứ tưởng sau cú tách đôi thân đó cây si sẽ chết, nhưng lạ lùng thay cây không chết mà từ đó lại tách thành hai ngọn cây riêng biệt, có chung một gốc nom rất đẹp. Về sau này mỗi khi có việc đến Bình Hưng Hòa, nhìn vào cây, tôi lại nhớ một ca giám định buồn trong cuộc đời làm nghề của mình” – ông Tuyền kể lại.
Mới đây, trong show truyền hình Ký ức vui vẻ phát trên VTV3, các nghệ sĩ tham gia đã tìm về những mảng màu kỷ niệm về Lê Công Tuấn Anh.
Nghệ sĩ Hồng Vân kể khi ấy cô chỉ nặng 53kg và vào vai tiên cá, nhưng bạn diễn Lê Công Tuấn Anh không thể bê nổi vì sức khỏe quá yếu, cô trách bạn diễn: “Không được nhậu nhẹt nữa thì mới có sức khỏe làm việc chứ”. Đáp lại, Lê Công Tuấn Anh lại nói: “Nhà mình nhiều sách lắm, nếu có chuyện gì thì Vân đừng để cho ai khác bỏ sách của mình đi”. Không ngờ một tuần sau thì Lê Công Tuấn Anh mất.
Trong tang lễ, Hồng Vân nhiều lần đến Chùa Xá Lợi nhưng không thể nhìn tận mắt người bạn diễn vì anh đã nằm trong linh cữu. Đêm ấy trong giấc ngủ, Hồng Vân mơ thấy Lê Công Tuấn Anh mặc áo vàng và cầm tay mình dẫn đi. Sáng hôm sau khi Hồng Vân hỏi những nghệ sĩ tham gia khâm liệm thì được biết, đúng là Lê Công Tuấn Anh được liệm trong chiếc sơ mi màu vàng như trong giấc mơ Hồng Vân nhìn thấy.