Nỗi niềm vợ một lính đảo những ngày Hoàng Sa sóng gió

(PLO) - Những ngày biển Đông dậy sóng vì sự hiện diện trái phép của giàn khoan Hải Dương 981, rất nhiều bạn bè, người thân của tôi hỏi chồng tôi đang phục vụ ở vùng biển nào có đang ở “vùng nguy hiểm” hay không tôi có lo lắng không. Tôi đợi tin anh nhưng không lo lắng, vì tôi tin dù ở Trường Sa hay Hoàng Sa anh và đồng đội vẫn kiên cường giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương cho mọi người Việt Nam, trong đó có tôi và con của chúng tôi.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. Nguồn internet
“Làm vợ đơn thân”
Những ngày cuối năm 2010, khi biết anh sắp lên tàu, tiếp tục đi phục vụ biển đảo quê hương, tôi vui vẻ nhận lời cầu hôn của anh. Đám cưới của chúng tôi được quyết khá nhanh, chỉ hơn một tháng kể từ ngày người lớn gặp mặt. Khi ngày cưới ấn định, chồng tôi vẫn còn lênh đênh trên biển Đông cùng đồng đội làm nhiệm vụ, đặc biệt và anh chỉ về trước 4 ngày trước khi cử hành hôn lễ. Khác với nhiều đám cưới, chú rể của tôi mang lễ phục người lính Hải quân Việt Nam. 
Cưới chưa được nửa năm, anh lại lên tàu. Tôi sớm mang thai và thực sự bắt đầu cuộc sống tự lập của “vợ lính đảo”. Tôi thuộc nhóm máu A(Rh-) nên bất cứ rủi ro bất chợt nào trong quá trình đi lại cũng có khả năng tạo kháng thể, gây nguy hại lập tức cho mẹ và thai nhi. Tôi còn bị mắc bệnh loãng xương nên phải ở nhà viết thuê quảng cáo cho một số công ty quen biết, thu nhập chỉ bằng 1/3 khi đi làm việc chính thức. Phương tiện đi lại duy nhất để khám thai, sinh nở của tôi là xe buýt. 
Thai càng lớn, tay chân tôi càng đau, có lúc đau quá phải lần vách mà bước, tôi bật khóc nhưng lại tự động viên mình cố gắng. Muốn liên hệ với chồng để nhận được những lời động viên, an ủi nhưng biển cả mênh mông, điện thoại không có sóng để liên lạc... Những lúc cô đơn, nằm mơ gặp ác mộng, tôi lấy sách Kinh Phật ra đọc để trấn an mình. Cũng may, từ lúc mang thai đến khi sinh nở, tôi chỉ phải nằm bệnh viện một lần duy nhất lúc sinh. 
Cùng với hoàn cảnh, chị Thảo - vợ một sĩ quan Hải quân cùng đơn vị chồng tôi mắc chứng cao huyết áp. Không có người thân thường xuyên ở bên cạnh giúp đỡ lại phải nằm viện nhiều tuần để chữa bệnh và bảo đảm an toàn cho thai nhi. Khi sinh mổ, chị phải nhờ bạn cùng công ty đến chăm sóc. 
Sinh con ra, trẻ nhỏ thường ốm đau, gia đình nội, ngoại ở xa, chúng tôi phải một mình đưa con đi bệnh viện. Không phải không có lúc chạnh lòng, nhưng phút yếu đuối nhanh chóng qua đi, chúng tôi lại nỗ lực gấp đôi, thậm chí gấp nhiều lần so với phụ nữ khác, bởi mọi việc nhà chúng tôi đều phải tự làm như: bày trí sắp xếp nhà cửa, chỉnh sửa ổ điện, đóng bàn ghế mỗi khi chúng mất đinh, vỡ ốc..
Những người lính - chồng của chúng tôi hầu hết chẳng biết tính toán kinh doanh hay có cơ hội làm thêm kiếm tiền giúp vợ. Họ không thể bên chúng tôi hàng ngày nhưng vào những dịp hiếm hoi được ở nhà, chúng tôi thường được thưởng thức những bữa ăn ngon do các anh làm bếp trưởng. Công việc lặt vặt của phụ nữ như quét dọn, lau nhà, rửa chén cũng được các anh làm chu toàn và ngăn nắp. Thậm chí, anh Nguyên, anh Liêm, đồng đội của chồng tôi còn tự nguyện thay tã, cho con uống sữa ban đêm để vợ  được trọn giấc…
Tất cả vì biển đảo quê hương
Khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống đời thường, tôi lại nghĩ về chồng và các đồng đội của anh để vượt qua. Tôi biết, anh và đồng đội thường xuyên phải chống chọi với những đợt sóng to, gió lớn,  cái nóng gay gắt trưa hè trên biển và mọi sự đều có thể xảy ra khi các anh đi làm nhiệm vụ… 
Có những thời điểm tôi bặt tin anh nhiều ngày, sau mới nghe anh kể, các anh vừa cứu được những ngư dân gặp nạn do bão lớn; hoặc vừa đưa thi thể một công nhân xây dựng giàn khoan không may bị rơi xuống biển; hoặc có khi là tin về một đồng đội vừa hy sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ tàu khác...
Trong những ngày biển Đông dậy sóng vì sự hiện diện trái phép của giàn khoan Hải Dương 981, có rất nhiều bạn bè, người thân của tôi liên lạc, hỏi xem chồng tôi đang phục vụ ở vùng biển nào, có đang ở trong “vùng nguy hiểm” hay không, và tôi có lo lắng không. Tôi đợi tin anh nhưng không lo lắng, vì tôi tin dù ở Trường Sa hay Hoàng Sa, anh và đồng đội vẫn kiên cường giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương. 
Tôi  đã kể cho họ về những gia đình quân nhân khác: Vợ của một kiểm ngư viên đang chờ nhận tàu ra khơi cho biết, chồng chị đang háo hức được cống hiến sức mình. Bản thân chị đang làm việc ở Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) vẫn ngày ngày đến công ty đều đặn để đảm bảo thu nhập, chu toàn việc nuôi con thay chồng. 
Vợ của những người lính trong đơn vị  chồng tôi có không ít chị mỗi ngày phải đi làm ở công ty cách xa nhà gần 20km và nuôi hai con nhỏ chưa quá 3 tuổi như chị Minh Lê, để anh Tiến Hiếu - chồng chị an tâm đi Trường Sa. Vợ của anh Bá Kình ở nhà thuê, cũng vừa làm việc vừa tự chăm 2 con nhỏ để anh đăng ký ở lại đảo 2 năm liền. Hay trường hợp của anh Thi vừa về đất liền lại xin ra đảo, đúng vào thời điểm Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở Hoàng Sa. 
Anh Thành có hơn 10 năm đi tàu phục vụ Trường Sa thì vợ anh ở quê nhà cũng ngần ấy năm vừa chăm mẹ chồng, vừa lo nuôi hai con nhỏ, và chỉ gặp chồng chưa quá 20 ngày phép mỗi năm. Tất cả những người vợ ấy đều đảm việc nhà để chồng yên tâm công tác. Họ luôn mong chồng bình an và khỏe mạnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 
Con trai của chúng tôi vừa sinh ra, bạn bè đã mua tặng những bộ quần áo may theo phong cách áo Hải quân Việt Nam. 15 tháng tuổi, cháu được theo mẹ đến cơ quan, ngủ ngon lành khi mẹ đang làm việc. 18 tháng tuổi, cháu đã biết giúp mẹ nhặt rác bỏ vào thùng. Xem chương trình các chú bộ đội đặc công đang diễn tập, cháu tập trườn theo. 
Mỗi buổi sáng, trước khi đi nhà trẻ, cháu hướng mắt về tờ lịch mà cơ quan chồng tôi tặng, nơi có hình các chú lính Hải quân trẻ các nước ASEAN đang giao lưu trò chuyện, đưa tay vẫy và nói: “Chào cha, Minh đi học”. Nếu có ai hỏi cháu “Cha con đi đâu?. Cháu đáp ngay: “Cha ở Trường Sa rồi”. Con và tôi chung niềm tự hào về anh - người chiến sỹ đang nỗ lực vì nhiệm vụ cao cả là góp phần gìn giữ biển đảo cho quê hương, cho mọi người Việt Nam, trong đó có con và tôi.

Đọc thêm