Vốn sở hữu ngoại hình ở mức trung bình, nhưng chị Thu (Thanh Liêm, Hà Nam) lại là người tháo vát, nhanh nhẹn, biết làm đủ mọi công việc nội trợ.
Nhận thức rõ điểm mạnh của mình, nên từ ngày là cô gái đôi mươi chân ướt chân ráo ra Thủ đô, chị xác định sẽ làm giúp việc để kiếm sống.
Đến nay, khi đã gần 50 tuổi, chị cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã được nhận vào làm ở bao nhiêu gia đình. Có nơi gắn bó 3,4 năm, có nơi trụ lại vài tháng, và cũng có những nhà chỉ ở được 1, 2 ngày.
Chị kể, nơi nào cũng để lại cho chị nhiều kỷ niệm, có vui, có buồn, có chuyện cười ra nước mắt và cũng có những nỗi uất ức chẳng thể nói cùng ai. Thậm chí, có lần chị còn bị mang tiếng… ngoại tình với ông già 80 tuổi.
|
Người giúp việc cũng có rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. (Ảnh minh họa) |
Hồi ấy, chị Thu vào làm cho một gia đình có 3 thế hệ. Thời gian đầu, các thành viên đều để ý và thử thách người giúp việc mới. Chị nhớ lại: “Hai vợ chồng chủ nhà thường xuyên để tiền vương vãi, nào là trên bàn, dưới gầm giường, gầm tủ và cả trong túi quần áo đem đi giặt, có lần gom lại lên đến 300.000 đồng. Nhưng tôi chưa từng lấy một cắc mà đều mang trả tận tay cho họ”.
“Thêm nữa, công việc hàng ngày tôi làm đều được cụ bà kiểm tra rất cẩn thận. Bà thường xuyên ra ngoài để tham gia sinh hoạt với câu lạc bộ khiêu vũ, nhưng cứ về đến nhà là lại đi thẳng vào bếp hay nhà tắm, tỉ mẩn săm soi từng ngóc ngách.
Sau vài tháng, họ có vẻ yên tâm hơn, không còn quá khắt khe nữa và dần coi tôi như người trong gia đình. Cuối tuần, thi thoảng tôi còn được nghỉ xả hơi. Cứ thế, cho đến tháng thứ 8, chuyện rắc rối mới bắt đầu xảy ra”.
Ngoài công việc giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chị Thu có nhiệm vụ chăm sóc cho cụ ông 80 tuổi bị tai biến, liệt nửa người. Buổi tối, sau khi dọn dẹp xong xuôi, chị vẫn thường vào phòng đưa cụ ông đi vệ sinh cá nhân, pha sữa và trò chuyện khoảng 30 phút.
“Tôi coi ông như cha mẹ mình. Ngày nào cũng tâm sự nên tôi hiểu cụ buồn thế nào khi đau ốm mà vợ chẳng mấy khi quan tâm. Sợ cụ suy nghĩ nhiều mà bệnh trở nặng, nên mỗi khi rảnh tay, tôi lại vào chăm sóc, thi thoảng hát cho cụ nghe vài câu chèo”, chị Thu tâm sự.
Ấy thế nhưng những hành động đó lại bị cụ bà để ý. Có hôm vừa bước ra khỏi phòng, chị Thu đã thấy cụ bà đứng sẵn ngoài cửa, khuôn mặt cau có, tỏ ý dò xét và khó chịu. Cũng từ đó, bà thường xuyên bày thêm việc, bắt chị làm và không cho lúc nào ngơi tay.
Đến tối, bà đuổi người giúp việc về phòng sớm, lấy lí do có hơi người lạ nên ông cụ khó ngủ. Khi thấy chồng phản đối, muốn chị ở lại bóp chân thì hai người bắt đầu to tiếng. Sợ ảnh hưởng đến hòa khí gia đình, chị Thu chỉ còn dám trò chuyện với ông khi bà không để ý.
Có lần, loáng thoáng nghe thấy cụ bà đem nỗi nghi ngờ kể với vài người bạn già, chị Thu cũng chẳng để ý vì coi đó chỉ là cơn tự ái thoáng qua. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, cả con ngõ nhỏ đã xôn xao, bàn tán về câu chuyện “mờ ám” của chị. Mỗi lần đi chợ, chị lại nghe thấy bao lời bóng gió lẫn chửi mắng, cả những người chị thường nói chuyện cũng tỏ ra xa lánh, dè bỉu.
“Từ trước đến nay tôi luôn cố giữ trọn nhân cách, không làm ảnh hưởng đến gia đình ở quê. Thế nhưng, tự nhiên tiếng xấu ở trên trời rơi xuống, giải thích thì chẳng ai hiểu cho. Đem chuyện tâm sự với con trai, con dâu của ông bà những mong có người bênh vực. Nhưng bà vô tình nghe thấy lại khóc lóc, chửi rủa, đổ cho tôi lợi dụng chuyện tình cảm để lấy tiền của ông, nằng nặc đòi tự mình chăm sóc ông và đuổi tôi đi ”, chị Thu ngán ngẩm nói.
“Cũng định cắn răng chịu đựng cho qua chuyện, phần vì thương ông cụ, phần vì cả hai vợ chồng người con đều muốn giữ tôi ở lại, nhưng tôi chẳng thể chịu được sự dò xét của cụ bà cùng những lời nói to nhỏ của hàng xóm xung quanh. Cực chẳng đã, tôi phải xin nghỉ việc về quê cho nhẹ lòng”.
Chị Thu cũng kể thêm, trong một lần gọi điện hỏi thăm sức khỏe ông cụ, chị được biết, bà mới chăm ông được vài ngày đã kêu đau nhức, than vất vả rồi đùn đẩy công việc cho người khác. Mãi về sau, khi nghe con trai hết lời thuyết phục, bà cũng đành đồng ý để tìm về một người giúp việc mới.