Nơi “thế giới” tượng phật, đồ thờ …

Từ quận Hà Đông chỉ mất hơn 20 phút đi xe máy, chúng tôi đã có mặt ở làng nghề điêu khắc sơn mỹ nghệ Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) - nơi được coi là “thế giới” của những tượng Phật, đồ thờ. Làng Sơn Đồng hôm nay sầm uất chẳng khác những phố phường ở chốn kinh kỳ xưa...

Từ quận Hà Đông chỉ mất hơn 20 phút đi xe máy, chúng tôi đã có mặt ở làng nghề điêu khắc sơn mỹ nghệ Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) - nơi được coi là “thế giới” của những tượng Phật, đồ thờ. Làng Sơn Đồng hôm nay sầm uất chẳng khác những phố phường ở chốn kinh kỳ xưa...

Nghề gia truyền

Mặc dù không ai biết cái nghề tạc tượng gỗ, sơn tượng thờ của Sơn Đồng có từ bao giờ, nhưng theo ông Nguyễn Chí Lợi - Chủ tịch UBND xã - nghề có hàng chục thế kỷ nay. Hầu hết các gia đình, dòng họ trong làng đều đã có người rất rành về lĩnh vực này và từ đời nọ qua đời kia, những bí quyết trong nghề tạc tượng được truyền dạy lại cho nhau và duy trì cho đến tận bây giờ.

sdfbg
Người thợ đang hoàn thiện các pho tượng thờ.

Khoảng hơn chục năm lại đây, do đời sống khấm khá, người dân quan tâm đến tín ngưỡng nên nghề tạc tượng Sơn Đồng đã phát triển trở lại. Hiện cả xã có khoảng 200 tổ hợp làng nghề, mỗi năm thu hút hơn 5000 lao động…

Ông Nguyễn Như Hải - Uỷ viên thường trực Hiệp hội làng nghề - kể lại: Khi làng nghề hồi sinh, cả làng mừng lắm! Nhiều người làm ăn khắp nơi đem theo tinh hoa học hỏi bốn phương trở về làng. Người dân Sơn Đồng hiện chưa giầu nhưng đa phần đã có “bát ăn bát để”. Bây giờ đi khắp trong Nam, ngoài Bắc, khắp các đình chùa miếu mạo, đâu đâu cũng có tượng thờ mang dấu ấn Sơn Đồng...

Nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh- Chủ tịch Hội nghệ nhân Hà Nội, Chủ tịch Hiệp Hội làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng nói: “Trong hệ thống tượng thờ của tôn giáo Việt Nam có hàng nghìn pho tượng, mỗi pho một kiểu dáng, tư thế,  gương mặt, trang phục khác nhau. Song, đã mang danh là thợ Sơn Đồng thì chí ít cũng phải hiểu và biết được về vài trăm pho tượng.

Chính vì vậy, khi một ngôi chùa, ngôi đình được tu bổ, xây dựng, việc đầu tiên là người ta nghĩ đến mời thợ Sơn Đồng. Và nếu không có mẫu chỉ cần nói đó là tượng gì, Phật tổ, Quan Âm, Thập bát La Hán hay Đức Ông, Bà Chúa…là thợ ở đây có thể hình dung ra tạc được ngay.”

Góp phần làm giàu lịch sử - văn hoá nước nhà

Về Sơn Đồng hôm nay, du khách sẽ tận mắt chứng kiến quy trình chế tác tượng và được hoà mình trong “bản nhạc” làng nghề với tiếng lách cách của tràng, đục âm vang khắp ngõ xóm.

Xưởng gỗ của ông Nguyễn Chí Quảng, người được coi là thợ giỏi của một số thợ trong làng, rộng khoảng 800m2, những người thợ đang tập trung cao độ vào khúc gỗ hình thù một pho tượng lớn, tiếng đục lách cách vang lên trong mái tôn rộn rã.

Ông Quảng đang chỉnh sửa phần thô bức tượng A-di-đà để chuẩn bị đến công đoạn sơn. Sau chén trà đặc quánh, ông dốc bầu tâm sự về cáí nghiệp mà ông đã trải qua không ít thăng trầm: “Tôi vẫn nhớ như in kỷ niệm lần về Nam Định làm tượng cách đây hơn 20 năm, hồi đó người ta đã nhốt tôi vì hiểu lầm là mê tín dị đoan.

Nếu không quyết tâm thì tôi đã bỏ nghề sau lần đó rồi…”. Hiện nay, những người thợ của nhà ông đều có kinh nghiệm 15 năm trong nghề trở lên; ngoài 30 thợ làm ở xưởng, ông còn phải thuê hàng chục thợ làm một số công đoạn tại nhà, khi nào xong thì đem sản phẩm đến xưởng. Nhờ đó, ông có thể đáp ứng được mọi yêu cầu của khách hàng, giao sản phẩm đúng hẹn.

Đã có không ít Việt kiều sau khi đến tham quan làng nghề Sơn Đồng đã đặt hàng, thậm chí còn mời những người thợ ra nước ngoài để xây đình chùa, phục vụ cộng đồng người Việt ở đó. Giờ đây, giá trị của những pho tượng được nâng lên hơn trước rất nhiều, có một số pho tượng, khách hàng đặt mua tới hơn 100 triệu đồng…

Nghề truyền thống của ông cha không chỉ giúp người dân Sơn Đồng làm giàu mà quan trọng hơn, đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trong khi đồng đất đang bị thu hẹp bởi tốc độ đô thị hoá. Các thế hệ làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng đã góp phần làm giàu thêm lịch sử - văn hoá Việt Nam, lưu truyền không chỉ hôm nay mà còn mãi về sau.

Trinh Vinh – Đặng Vũ
 

Đọc thêm