Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế Quyền Trẻ em vào ngày 20/2/1990. Từ sau khi phê chuẩn Công ước, Nhà nước Việt Nam có rất nhiều nỗ lực trong việc thực hiện Công ước, như nâng cao nhận thức về quyền trẻ em; đẩy mạnh quản lý nhà nước về trẻ em; tăng cường nguồn lực đầu tư cho trẻ em... Có thể thấy, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới năm tuổi giảm rõ rệt; tỉ lệ tiêm chủng luôn đạt mức cao; trẻ em Việt Nam ngày nay được hưởng nền giáo dục tốt hơn; các cơ hội tăng cường sự tham gia của trẻ em ngày càng được mở rộng...
Tuy nhiên, trẻ em Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức không hề nhỏ. Mới cách đây 6 ngày, một người mẹ ở Bình Thuận vì kém hiểu biết luật pháp đã chôn sống con mình. Tình trạng xâm hại trẻ em như: tước đoạt quyền sống của trẻ em, gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác vẫn xảy ra. Tình trạng trẻ bị đuối nước, nạn xâm hại tình dục trẻ em, nhất là trẻ em gái (thậm chí đối tượng phạm tội là bố đẻ, bố dượng) gây bức xúc dư luận xã hội, lương tri con người.
Cách đây 1 năm Luật Trẻ em (Luật số 102/2016/QH13) có hiệu lực. Luật này quy định về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” luôn là thông điệp nhắc nhớ công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em cần được thực hiện mọi lúc, mọi nơi để tất cả trẻ em đều có một tuổi thơ tươi vui, một tương lai tốt đẹp nhất.
Đã đến lúc phải hành động quyết liệt hơn, thực hiện nghiêm Luật trẻ em, đặc biệt trong việc xây dựng môi trường sống an toàn, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em đến các bậc cha mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người trực tiếp làm việc với trẻ em; cũng như giáo dục, phổ biến cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại...