Nội Thôn – Nơi ấy con về

(PLVN) - Tình cờ tôi được người bạn gửi link MV “Nội Thôn, nơi ấy con về” nhạc và lời của Trịnh Xuân Hảo do ca sỹ Lan Anh - ca sĩ thính phòng hàng đầu Việt Nam thể hiện. Thú thực, ban đầu nghe tên ca khúc tôi thấy “quen quen”... Khi đó, tôi chưa biết nhạc sỹ Trịnh Xuân Hảo. Chỉ mới “choáng ngợp” với “thương hiệu” Lan Anh. Tôi nghe vì sự tò mò. 
Bìa album "Nội Thôn - Nơi ấy con tìm về".
Bìa album "Nội Thôn - Nơi ấy con tìm về".

Tìm hiểu thêm, tôi biết đó là một thôn của xã Tây Đô, Hưng Hà, Thái Bình. Tôi đã trộm nghĩ, Trịnh Xuân Hảo là người con của Nội Thôn, Tây Đô. Với “Nội Thôn, nơi ấy con về” tứ thơ hay, thi ảnh không bị “nhòe” trong những hình ảnh quen thuộc của làng quê mà các nhạc sỹ trước đó đã sử dụng, Việc xử lý các nốt nhạc tạo nên điểm nhấn của giai điệu sáng tạo. 

Tôi đã tìm gặp nhạc sỹ Trịnh Xuân Hảo để lý giải được về cảm xúc sáng tạo của anh. Gặp anh tôi mới biết mình nhầm, anh sinh ra tại một vùng quê của tỉnh Bắc Ninh, dù bố mẹ có gốc Thái Bình. Khi nói với tôi về cảm hứng sáng tạo “Nội Thôn, nơi ấy con về”, tình cảm quê hương trong anh dường như chảy tràn.

Anh kể, dù sinh ra sau khi kết thúc chiến tranh, nhưng hình ảnh của một thời gian khó của làng quê và đất nước luôn ám ảnh con người này. Đặc biệt, hình ảnh bố, mẹ và quê hương gần như hóa thân làm một. “Mẹ em yêu quê đến khó hình dung. Dù bây giờ sống với con, với cháu ở Hà Nội nhưng cứ nhắc đến quê là trong người như có nguồn năng lượng mới. Đang ốm bà như khỏe ra. Nay đã ngoài 80 tuổi nhưng nếu con cháu vì bận không đưa được về thăm quê là mẹ em nhảy xe bus về”, Trịnh Xuân Hảo chia sẻ. 

Nhạc sĩ Trịnh Xuân Hảo (thứ 2 từ phải sang) bên những người bạn tâm giao, ảnh chụp tại làng Nội Thôn.
Nhạc sĩ Trịnh Xuân Hảo (thứ 2 từ phải sang) bên những người bạn tâm giao, ảnh chụp tại làng Nội Thôn. 

Viết về quê với Trịnh Xuân Hảo luôn có ý nghĩa tri ân nơi chôn nhau cắt rốn, tri ân bố mẹ, tri ân những người đã ngã xuống để làng xóm được bình yên. Tuy nhiên, nghề chính là tổng đạo diễn các chương trình nghệ thuật, hòa âm, phối khí kể cả tham gia các dự án phim lấy hết thời gian của Trịnh Xuân Hảo. 

“Nội Thôn, nơi ấy con về” đã xuất hiện khi bạn anh là một doanh nhân thành đạt ở Thủ đô Hà Nội tên là Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch Tập đoàn GWIN, một người con quê gốc Nội Thôn, đưa anh về thăm vùng quê này. “Bạn em hay lắm, dù lập nghiệp và kinh doanh ở Hà Nội nhưng trái tim luôn hướng về quê nhà. Làm được gì tốt đẹp cho quê hương là anh làm. Điều này thêm tác nhân thôi thúc em. Khi về Nội Thôn, thì tứ thơ và nốt nhạc bay lên. Việc của mình là chỉ ngồi cầm bút viết vào bản nhạc”, Trịnh Xuân Hảo rưng rưng cảm xúc. “Bọn em đã gặp nhau trong cảm xúc chung về quê hương. Quê hương mỗi người chỉ một. Báo hiếu với bố mẹ, trả nghĩa với quê hương là đạo lý Việt, qua bài hát em

muốn chuyển tải thông điệp đến những người con Tây Đô, Hưng Hà nói riêng và những người xa quê nói chung làm được điều gì tốt đẹp cho quê hương hãy cố gắng làm”, anh Ngọc người con của Nội Thôn tâm sự. Bất giác tôi nhớ nhà văn Raxun Gamzatop khi ông viết “không bao giờ đổi ngôi làng của mình lấy bất cứ một thủ đô nào trên trái đất này”. Đúng thế, xóm làng là nơi chôn nhau cắt rốn, hướng về nguồn cội, góp phần mình theo khả năng, điều kiện của mỗi người sẽ làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. 

Một góc phong cảnh hữu tình của làng quê Nội Thôn.
Một góc phong cảnh hữu tình của làng quê Nội Thôn.  

Quê hương trong “Nội Thôn, nơi ấy con về” với nhạc sĩ Trịnh Xuân Hảo thật giản dị, mộc mạc và chân thành. Đó là bờ đê, cây lúa, dòng sông, là người mẹ, người em tảo tần…và con người chứa chan tình thân. Anh chắt chiu hình ảnh, nhạc điệu hóa thành ngôn ngữ âm nhạc của mình. 

Quê hương đó là bóng cây, mái trường, bạn bè từ những ngày chơi trò “chơi ô ăn quan”...Đặc biệt xúc động khi ca sỹ Lan Anh nhả chữ “Có dáng mẹ ngồi mong in bóng cha đợi con, hương lúa thơm trời quê...”, “Tre hát ru lúa vàng nặng bông”. Nếu như nói về lời thơ, Trịnh Xuân Hảo đã rất sáng tạo với thi ảnh “dáng mẹ đội mưa/ nắng về trong mắt/ cha bắt trăng” và “ “dáng mẹ/ bóng cha/ hương lúa/tre hát ru”. Ở đây có sự hy sinh vì con, lam lũ vì con như đạo lý Việt truyền thống nhưng bố, mẹ, quê hương đã lồng vào nhau “ba trong một” trong hình ảnh nghệ thuật. 

“Xưa dáng mẹ đội mưa sáng trưa, nắng về trong mắt/ Cha bắt trăng đêm vào bên con, ngoài bờ ao mặt sóng xô ánh bạc/ Dù xa quê vẫn giữ trọn tình quê/ Đi đâu cũng mong trở về/ Trọn đời con mang hơi ấm cha. Nghĩa mẹ tình quê”, giọng ca Lan Anh như khứa vào lòng làm bật tung lên cảm xúc. Tôi hiểu, “Đất mẹ” trong ca khúc còn có ý nghĩa “mẹ quê hương”, “mẹ đất nước”. Với những đứa con biết tôn thời “ơn cha, nghĩa mẹ” như thế bao giờ lớn lên cũng là người tử tế, biết hy sinh vì nghĩa lớn. 

Dẫu rằng nghệ thuật có những cách lý giải khác nhau về cái hay, cái đẹp, tùy quan niệm thẩm mỹ của mỗi người. Nhưng âm nhạc, cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác, cái tối cần để tác phẩm “sống”, là cảm xúc. Dù nhạc ở đâu, nhạc thể loại gì, thì cũng phải đi ra từ nguồn cơn đó. Với góc nhìn hiệu quả nghệ thuật, Trịnh Xuân Hảo đã thành công với “Nội Thôn, nơi ấy con về”. 

Không phải tự nhiên, ca sỹ Lan Anh - một trong số không nhiều những ca sĩ Việt Nam sở hữu chất giọng coloratura soprano (nữ cao, dịu nhẹ) rất tinh tế và sang trọng đã rất mê mẩn với “Nội Thôn, nơi ấy con về” và đã thể hiện rất thành công ca khúc. 

“Em rất trân trọng tình cảm của anh Trịnh Xuân Hảo dành cho anh Nguyễn Văn Ngọc, luôn hướng về quê với tất cả tấm lòng. Quan trọng hơn, lời bài hát đã chạm đến trái tim của những người con xa quê, trong đó có em. Tất cả những hình ảnh trong bản nhạc đều đã gắn bó với tuổi thơ của em. Em thích ca khúc này ngay từ khi anh Trịnh Xuân Hảo hát demo”, ca sỹ Lan Anh chia sẻ trong cảm xúc bồi hồi.

Đọc thêm