Hôm nay (29/6), thông xe kỹ thuật đoạn qua Đắk Nông, Bình Phước.
|
Đường Hồ Chí Minh (QL14) qua Tây Nguyên |
Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng), nằm ở trung tâm của Đông Dương, có hành lang tự nhiên thông với Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Khu vực này có một hệ thống giao thông liên hoàn với các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ... Vì thế, Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do nhu cầu vận tải, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải đường bộ tăng cao nên tuyến QL14 thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông, trong khi tuyến đường này đã đầu tư xây dựng từ những năm 1990 trở về trước, quy mô nhỏ, hẹp, qua quá trình khai thác đã bị xuống cấp trầm trọng, không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường này đã trở nên cấp bách, qua đó đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của cả vùng Tây Nguyên.
Trao đổi với PLVN, ông Dương Hồ Minh, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án (PMU) đường Hồ Chí Minh cho hay, việc đầu tư nâng cấp tuyến đường nói trên bắt đầu từ Km444+400 (Tân Cảnh, Kon Tum) đến Km994+188 (Chơn Thành, Bình Phước), với chiều dài 553km.
Trong đó, năm 2014 đã hoàn thành 133km/10 dự án bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015; các đoạn còn lại dài 420km, được xây dựng với quy mô đường cấp III, 2 làn xe với tổng mức đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng/11 dự án (5 dự án theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và 6 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu).
Trước khi tiến hành thủ tục thông xe, trong một chuyến thị sát trên tuyến mới đây, Tổ chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá, dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã hoàn thành việc thi công, chất lượng cơ bản đáp ứng thiết kế và yêu cầu kỹ thuật, qua đi vào khai thác chưa phát hiện tình trạng lún, nứt ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Về mặt thời gian, dự án nâng cấp tuyến đường này đã hoàn thành trước một năm và đã, đang tiến hành công tác thông xe kỹ thuật tại từng dự án qua các tỉnh Tây Nguyên.
Tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng
Việc rút ngắn thời gian thi công, đưa dự án “về đích” sớm hơn một năm so với dự kiến ban đầu đã góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho rằng, có được kết quả trên là nhờ sự phối chặt chẽ giữa Bộ GTVT với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các Bộ, ngành và các địa phương huy động tối đa mọi nguồn lực; giải quyết kịp thời các vướng mắc về vốn, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và nguồn cung vật liệu phục vụ thi công suốt gần 2 năm qua.
Đặc biệt, trên QL14 hiện có tới 5/11 dự án (trị giá hơn 6.000 tỷ đồng) được thực hiện theo hình thức xã hội hóa đầu tư. Chính sự chung sức của các nhà đầu tư đã góp phần giảm gánh nặng đối với Nhà nước trong quá trình nâng cấp kết cấu hạ tầng trên tuyến đường huyết mạch xuyên Tây Nguyên.
“Dự báo nhu cầu vận tải giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và ngược lại sẽ ngày một tăng cao nên chúng tôi quyết định đầu tư nâng cấp Dự án QL14 đoạn Km817 - Km887, với tổng giá trị hơn 1.300 tỷ đồng. Quá trình thi công đã đáp ứng yêu cầu thiết kế, đảm bảo kỹ thuật; độ bằng phẳng và độ nhám mặt đường bảo đảm để xe có thể chạy an toàn với tốc độ 80km/h.
Tin tưởng rằng, tuyến đường này sau khi khánh thành sẽ là lực đẩy cho kinh tế - xã hội Tây Nguyên, bởi thời gian đi lại giữa khu vực này với các tỉnh, thành phía Nam đã rút ngắn được rất nhiều giờ đồng hồ.” - ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Cty Cổ phần BOT&BT Đức Long Đắk Nông nói.
Trao đổi với phóng viên về tiến độ, chất lượng của một trong những dự án sử dụng vốn trái phiếu trên QL14, ông Nguyễn Văn Phan, Giám đốc điều hành Dự án đoạn Cây Chanh - Cầu 38, tỉnh Bình Phước cho biết, ngoài việc tăng cường lực lượng, PMU đường Hồ Chí Minh thường xuyên kiểm tra công tác giám sát của tư vấn giám sát và công tác thi công của các nhà thầu để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong thi công.
Trước đó, đại diện chủ đầu tư đã tổ chức nghiệm thu bàn giao công trình cho Cục Quản lý đường bộ IV quản lý, khai thác theo quy định hiện hành. Các nhà thầu thi công cũng thực hiện chế độ bảo hành công trình theo quy định tính từ thời điểm bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ.
Được biết, sau khi được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng chấp thuận, cuối tuần qua, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã chính thức thông xe kỹ thuật đoạn qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Hôm nay (29/6) sẽ thông xe tiếp đoạn qua hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước. Lễ khánh thành toàn tuyến dự kiến sẽ tổ chức vào đầu tháng 7/2015.