Nơi "tiếp sức" cho người lầm lỡ "quay đầu"

Theo nhiều phạm nhân đã thụ án lâu ngày, họ coi Trại giam Thanh Xuân như một "trường học" giáo dục tình người, khơi dậy những “mầm thiện” cho những số phận từng lầm đường, lạc lối, cần được hướng thiện và tìm lại niền tin trong cuộc sống. Ở đây, các phạm nhân đều gọi các cán bộ quản giáo là “thầy”, “cô” và xưng “em” rất tự nhiên, chứ không gọi “cán bộ” như các nơi khác.

Nói về Trại giam Thanh Xuân, Trung tướng Cao Ngọc Oánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Tổng cục VIII – Bộ Công an) giới thiệu: “Đây là một đơn vị điển hình tiên tiến, nhiều năm liền được công nhận là “Đơn vị Quyết thắng”, là tấm gương tiêu biểu được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới” và nhiều phần thưởng cao quý khác”.

Trại giam Thanh Xuân như một
Trại giam Thanh Xuân như một "trường học" giáo dục tình người

Thi đua “giành” cơ hội giảm án

Điều cảm nhận được đầu tiên ở Trại giam này chính là tình người. Ở đây, các phạm nhân đều gọi các cán bộ quản giáo là “thầy”, “cô” và xưng “em” rất tự nhiên, chứ không gọi “cán bộ” như các nơi khác.

Theo nhiều phạm nhân đã thụ án lâu ngày, họ coi Trại giam Thanh Xuân như một "trường học" giáo dục tình người, khơi dậy những “mầm thiện” cho những số phận từng lầm đường, lạc lối, cần được hướng thiện và tìm lại niền tin trong cuộc sống.

Giám thị Hoàng Văn Hiệp bày tỏ: “Họ cũng là con người như bao người khác, chỉ vì hoàn cảnh đưa đẩy, có khi chỉ là bột phát, nhất thời dại dột mà phải vào đây. Vì thế, anh chị em cán bộ quản giáo đều thống nhất quan điểm là cần cảm thông, giúp đỡ, chia sẻ cùng họ, từng bước cảm hóa, giáo dục họ sớm nhận thức ra lỗi lầm, tạo sự chuyển biến về tư tưởng, tình cảm và có quyết tâm cao trong lao động cải tạo, thi đua giành lấy những cơ hội được giảm án, đặc xá, để sớm được trở về với gia đình, xã hội. Nhiều người sau khi được ra trại đã viết thư, gọi điện thăm hỏi đến Ban giám thị trại khiến chúng tôi thực sự cảm động”.

Tham quan nơi ở, sinh hoạt và lao động của phạm nhân, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy sự ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ mà không phải nơi nào cũng có. Nếu không thấy những bộ quần áo kẻ sọc đen trắng và sắc phục cảnh sát, chúng tôi sẽ nghĩ rằng đây là một trường học kiểu mẫu, một mô hình đào tạo chuẩn mực. Mặc dù các điều kiện về cơ sở vật chất còn khiêm tốn, nhiều khó khăn, phạm nhân đông, nhưng Ban Giám thị trại đã biết phát huy mọi lợi thế, chủ động sáng tạo để tiến lên. Thành quả, sản phẩm lao động tạo ra được đầu tư nâng cấp nhà ở, các công trình trong toàn trại, cải thiện mức sống hằng ngày, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phạm nhân.

Điểm sáng nữa ở đây là sức mạnh của tình đoàn kết, gắn bó, trên dưới một lòng, luôn luôn có sự thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị. Chính sức mạnh của sự gắn kết đã làm nên một tập thể mạnh, một đơn vị lập được nhiều chiến công kỳ diệu được ghi nhận.

Cảm hóa bằng tình thương và trách nhiệm

Chúng tôi đến Phân trại số 3 do Phó Giám thị Hoàng Văn Pha phụ trách. Đây thực sự là phân trại kiểu mẫu trong một đơn vị điển hình tiên tiến. Không khí lao động ở đây lúc nào cũng sôi động, khẩn trương, phạm nhân làm việc hết mình để tạo ra năng suất lao động, nhiều sản phẩm chất lượng cao phục vụ trở lại xã hội. Họ ý thức con đường ngắn nhất để trở về với cuộc sống đời thường chính là cải tạo tốt.

Phó Giám thị Hoàng Văn Pha.
Phó Giám thị Hoàng Văn Pha.

Nhiều phạm nhân đã làm được điều đó như Nguyễn Thị Nguyệt ở đội 27, thường trú tại Thăng Long, huyện Đông Hưng – Thái Bình, can tội Chứa mại dâm và mua bán phụ nữ, trẻ em, thụ án từ tháng 5/2007, phạm nhân Dương Minh Tâm, ở đội 7, thường trú tại Cầu Diễn, Từ Liêm – Hà Nội, can tội Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản, thụ án từ tháng 3/2008 khi tuổi đời đã xấp xỉ ngũ tuần…

Ở Phân trại số 3 phải kể đến những gương mặt cán bộ kỳ cựu như đồng chí Hoàng Văn Pha. Ông Pha gắn bó với Trại giam Thanh Xuân từ năm 1976 đến nay (khi đó là Trường Phổ thông Công Nông nghiệp Thanh Xuân). Được đào tạo qua nhiều trường lớp của ngành và đã tốt nghiệp Trường ĐH Cảnh sát, từng kinh qua nhiều cương vị công tác khác nhau, do có bề dày thành tích và kinh nghiệm tại chỗ nên ông Pha được bổ nhiệm trực tiếp phụ trách và xây dựng Phân trại số 3 thành Phân trại kiểu mẫu.

Hay như Phó trưởng phân trại phụ trách Trinh sát Nguyễn Văn Phú, dù tuổi đời mới ngoài 30, từng kinh qua nhiều cương vị công tác trong ngành Công an song như anh tâm sự, “công tác trinh sát luôn được chú trọng và đi trước một bước, nắm bắt đầy đủ tình hình, những diễn biến tư tưởng phức tạp của từng phạm nhân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn trước những tình huống xấu có thể xảy ra.”.

Bằng những tấm lòng chân thành, sự cảm thông sâu sắc đầy tình thương và trách nhiệm, nhiều cán bộ quản giáo đã khơi dậy được “mầm thiện” trong sâu thẳm tâm hồn những con người đã một thời lầm lỗi, giúp đỡ và hướng cho họ từng bước xóa đi các mặc cảm để nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao trong  lao động, cải tạo để sớm được trở về với gia đình, cuộc sống. Đó cũng là sự mong muốn và mục tiêu phấn đấu của từng đồng chí cán bộ quản giáo của Trại giam Thanh Xuân hôm nay.

Hoàng Phúc Long

Đọc thêm