Nỗi trăn trở của vị giám thị trại giam nơi cuối trời Tổ quốc

(PLO) -Thượng tá Phan Văn Hái không chỉ hiểu hơn về nhiệm vụ cải tạo, giáo dục phạm nhân mà còn được lắng nghe những trăn trở về đời sống của cán bộ, chiến sĩ trại giam ở vùng đất “muỗi kêu như sáo, đỉa lềnh bánh canh” nơi cuối trời Tổ quốc.
Thượng tá Phan Văn Hái, Giám thị Trại giam Cái Tàu
Thượng tá Phan Văn Hái, Giám thị Trại giam Cái Tàu

Không quản ngại khó khăn

Thượng tá Hái nhận nhiệm vụ Giám thị Trại giam Cái Tàu (thuộc Tổng cục Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ Tư pháp - Bộ Công An) đã được 1 năm nay.

Người đàn ông ngăm đen, rắn rỏi, gương mặt nghiêm nghị nhưng vẫn toát lên sự gần gũi này sinh năm 1967, quê ở Cai Lậy, Tiền Giang. Anh vào ngành đến nay đã ngót nghét 30 năm. Lúc 18 tuổi, anh thanh niên Hái đi lính ở Trại giam Đồng Tháp, học nghiệp vụ tại đây rồi làm cảnh sát bảo vệ trại giam.

Trải qua nhiều nhiệm vụ, cùng với quá trình phấn đấu học tập rèn luyện, năm 2006, anh trở thành phân trại trưởng, quản lý một phân trại ở Trại giam Đồng Tháp rồi làm Phó giám thị Trại giam Phước Hoà (Tiền Giang), Phó giám thị Trại giam Cao Lãnh (Đồng Tháp), Phó giám thị Trại giam Mỹ Phước (Tiền Giang) trước khi được luân chuyển về Trại Cái Tàu làm nhiệm vụ giám thị.

Quá trình công tác với nhiều lần thuyên chuyển, đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, anh tâm sự, đời công an trại giam, nay đây mai đó, nhiệm vụ nào được giao cũng phải cố gắng hoàn thành. Đi khá nhiều nơi, trải qua nhiều khó khăn vất vả, tuy nhiên khi về Cái Tàu công tác, anh Hái cũng không khỏi ngỡ ngàng.

Dù cùng là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đều cảnh sông nước, nhưng trước đây, những nơi anh công tác đều là vùng nước ngọt quanh năm, trong khi đó, Cà Mau là vùng bán đảo, Cái Tàu nơi anh công tác cách biển chỉ vài chục cây nhưng thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt.

“Mùa mưa là mùa gió chướng, nơi nào cũng mênh mông nước, lầy lội. Mùa hạn thì nước vừa nhiễm mặn vừa bị phèn, nước giếng khoan đã qua hệ thống bể lọc nhưng không hết được phèn, áo mặc 1 thời gian đã thấy vàng đi hẳn. Sinh hoạt đã khổ, đến lúc ngủ còn phải chống “giặc” muỗi hoành hành. Có đến đây mới hiểu hết câu “muỗi kêu như sáo, đỉa lềnh bềnh cành” là như thế nào”, anh Hái kể.

Điều kiện tự nhiên khó khăn nhưng Trại giam Cái Tàu là một trong những đơn vị có quy mô lớn nhất cụm 8 trại giam (thuộc Tổng cục VIII) vùng Miền Tây Nam Bộ, với hơn 450 cán bộ chiến sỹ, quản lý 3 phân trại, với hơn 2300 phạm nhân. Trong khi đó, các phân trại lại nằm cách xa nhau, điều kiện đi lại vô cùng khó khăn.

“Phân trại K1 nằm cạnh trung tâm chỉ huy nhưng cũng là vùng xa xôi hẻo lánh của huyện U Minh, phân trại K2 nằm ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), cách phân trại K1 hơn 40km, phân trại K3 nằm ở xã Khánh An, cách K1 20km nhưng điều kiện đi lại vô cùng khó khăn, cách trở”, vị giám thị tâm sự.

Trong khi đó, phạm nhân thụ án ở Cái Tàu đa số là các đối tượng phạm tội về ma túy với tỉ lệ chiếm hơn 20%. Việc quản lý số phạm nhân này khá gian nan, vất vả bởi khác với các loại tội phạm khác, tội phạm ma túy khi vào trại vẫn tìm mọi cách tái phạm, mua bán, sử dụng ma túy, chất gây nghiện ngay trong trại.

Bên cạnh đó, phạm nhân đã liên quan đến ma túy thì có nhiều phức tạp, như bị lây nhiễm HIV, AIDS. Tỷ lệ phạm nhân bị nhiễm ở đây hiện tại là trên 10%, cao hơn các đơn vị khác trong vùng. Việc quản lý, giam giữ cải tạo cũng như chăm sóc phạm nhân yêu cầu phải có sự quan tâm sát sao và các biện pháp đặc thù nên trách nhiệm của người lãnh đạo hết sức nặng nề.

Đến công tác ở vùng đất xa xôi cực Nam Tổ quốc, anh Hái cũng như nhiều cán bộ, chiến sỹ khác, không tránh được nỗi nhớ nhà. Anh tâm sự, nhà cửa vợ con giờ vẫn ở Tiền Giang, thỉnh thoảng anh mới về thăm nhưng dường như đã quá quen thuộc với cảnh xa nhà, anh chỉ cười xòa.

Trong khó khăn, điều đáng mừng là anh em cán bộ, chiến sỹ trại giam cũng như chính quyền địa phương luôn nhiệt tình ủng hộ, tạo điều kiện để anh làm quen môi trường mới, thuận lợi cho công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ. “Ban đầu khó khăn nhiều, nhưng giờ quen rồi, mọi việc cũng đâu vào đó”, anh Hái tâm sự.

Hết lòng vì mọi người

Chia sẻ nhiều về những khó khăn, đặc biệt là áp lực khi bản thân là người phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của trại giam nhưng khi nói về những thành tựu đạt được, Thượng tá Hái lại rất kiệm lời. Dường như với anh, thực hiện tốt công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, giúp họ tìm về nẻo thiện là điều bắt buộc, là trách nhiệm không cần kể lể, khoe khoang.

Ngoài nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo trại giam còn luôn quan tâm chăm lo tới đời sống của anh em cán bộ chiến sỹ trong đơn vị. Hỏi về điều ấn tượng nhất trong năm qua, anh bảo, đó là việc vận động được số tiền gần trăm triệu đồng, cất căn nhà đồng đội cho một trường hợp nữ cán bộ có hoàn cảnh éo le.

Nữ cán bộ ấy là Trịnh Thị Dân, 26 tuổi, lúc trò chuyện với tôi đã không giấu được niềm vui trong căn nhà mới. Chị Dân quê mãi Thanh Hóa, vào đơn vị công tác từ năm 2009, làm nhiệm vụ cấp dưỡng. Năm 2013, chị ly hôn, một mình nuôi con với đồng lương ít ỏi, lại phải ở nhà thuê, không người thân thích.

Thấu hiểu hoàn cảnh đó, Thượng tá Hái đã vận động mọi người trong đơn vị, tận tình giúp đỡ, từ tiền bạc đến hỗ trợ nhân công, cất cho mẹ con căn nhà cấp 4 kiên cố trên mảnh đất mượn của đơn vị. Với chị Dân, đây là niềm vui khó nói thành lời, bởi căn nhà không chỉ là nơi hai mẹ con nương náu qua mùa gió mưa mà đó còn là sự ấm áp từ những tấm lòng đồng chí, đồng đội.

Anh Hái tâm sự, đất U Minh không làm lúa được, nuôi tôm thì bấp bênh, dân đã khổ, cán bộ chiến sỹ cũng khổ không kém. Đa phần cán bộ chiến sỹ vì để thuận tiện công việc nên chuyển gia đình, vợ con tới gần đơn vị sinh sống. Thế nhưng vì điều kiện khó khăn, các chị em thường chỉ ở nhà lo nội trợ, cuộc sống phụ thuộc đồng lương của chồng.

Thấu hiểu điều đó, lãnh đạo trại giam luôn tìm cách giúp đỡ các cán bộ chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn đồng thời thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội, gắn kết với địa phương. Những đóng góp ấy, có thể còn nhỏ bé, nhưng với người dân xung quanh lại rất ý nghĩa, còn với cán bộ chiến sỹ, đó là động lực để an tâm làm nhiệm vụ.

Trung tá Tạ Đức Hoan (đội tham mưu Trại giam Cái Tàu) tâm sự, từ khi anh Hái về làm lãnh đạo đơn vị, Trại giam Cái Tàu như đón một làn gió mới. Hạnh phúc nhất của Cái Tàu giờ là, từ đầu năm đến nay, số phạm nhân vi phạm quy chế trại giam rất thấp. Thứ nữa là cán bộ chiến sỹ luôn được quan tâm, từ việc đào tạo trình độ đến cuộc sống gia đình.

“Tính đến giờ, đơn vị chỉ còn 37 chiến sỹ là trình độ sơ cấp. Tháng 11/2015, đơn vị mở lớp Đại học chuyên ngành trại giam, cuối tháng 5 này sẽ mở thêm lớp Trung cấp chính trị. Ngoài ra, đơn vị cũng luôn quan tâm đến cuộc sống của bản thân cán bộ chiến sĩ”, anh Hoan tâm sự.

Làm được nhiều điều ý nghĩa cho đơn vị, thế nhưng với anh Hái, vẫn còn đó nhiều điều trăn trở, như làm sao để nâng cao việc dạy nghề cho các phạm nhân, để khi ra trại, họ sống tốt, hòa nhập được với cộng đồng; làm sao để giúp đỡ cải thiện cuộc sống anh em chiến sỹ và người dân trong vùng…

Đọc thêm