Nỗi trăn trở “sống chung hay chống lại biến đổi khí hậu?”

(PLO) - Suốt cuộc trò chuyện với PLVN, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đau đáu nỗi niềm về câu chuyện vựa nông sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải đối mặt với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.
GS Xuân cho rằng cần tìm ra các giống lúa chịu được độ mặn cũng là cách làm “nông nghiệp 4.0 kiểu Việt Nam”
GS Xuân cho rằng cần tìm ra các giống lúa chịu được độ mặn cũng là cách làm “nông nghiệp 4.0 kiểu Việt Nam”

“Nhiều hội thảo về nông nghiệp, về biến đổi khí hậu đã được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp. Nhưng với tôi, giải pháp duy nhất là con người phải sống chung với thiên nhiên. Tức là phải biết cách tận dụng tốt những biến đổi của thiên nhiên chứ không được chống lại. Chống lại thiên nhiên, nhất là ngăn mặn, đào kênh lấy nước ngọt từ thượng nguồn để rửa mặn hết sức tốn kém và sai lầm. Phải xem hạn mặn là cơ hội để tái cơ cấu nông nghiệp”, GS Xuân mở đầu câu chuyện.

Có nên cố “cứu” cây lúa bằng mọi giá?

Thưa GS, nếu không chống mặn, ngăn mặn thì “vựa lúa” của Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng rất nhiều?

- Quan điểm của tôi lại cho rằng Việt Nam hiện dư thừa 7 – 8 triệu tấn gạo để xuất khẩu nhưng không đạt giá trị kinh tế cao. Trong khi đó, chi phí đầu tư xây dựng đê ngăn, kênh mương chống mặn rất cao khiến lợi tức trồng lúa không còn bao nhiêu. Trong khi đó, những nơi bị xâm nhập mặn, tại sao không nuôi tôm? Nuôi tôm, hải sản có lợi tức gấp 5 lần trồng lúa.

Bị nhiễm mặn, nông dân chỉ cần cải tạo một ít là có thể nuôi tôm. Vì sao lại đi cứu cây lúa. Chúng ta có dư thừa lúa gạo để ăn, để dự trữ, không như những năm 1980 nữa. Bị nhiễm mặn, chúng ta từng cố gắng chống lại và cấm nông dân không được phá lúa nuôi tôm. Thành ra mấy năm gần đây nông dân khá khó khăn vì liên tiếp thất thu lúa. Trong khi đó, một số nông dân lén đào ao nuôi tôm lại giàu có.

Nói như vậy, chẳng lẽ chúng ta lại có nguy cơ không còn tên trên bản đồ xuất khẩu lúa gạo, thưa GS?

- Vấn đề là ĐBSCL cần tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng vùng chuyên canh. Như các tỉnh thượng nguồn An Giang, Đồng Tháp, Long An, có lượng nước ngọt dồi dào, không bị nhiễm mặn thì trồng lúa. Trồng theo hướng sử dụng phân bón thông minh như vi sinh, sinh học. Không nên lặp lại chuyện người trồng lúa bón phân hóa học, thuốc trừ sâu một cách vô tội vạ gây ra biến đổi thành phần đất.

Vùng hạ lưu Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ nên trở thành vùng trồng cây ăn trái nhiệt đới. Nhu cầu trong và ngoài nước với trái cây là rất lớn. 

Về các tỉnh ven biển như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh... thì chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, hoặc mùa mưa trồng lúa. Việt Nam có những giống lúa chịu được độ mặn ở mức thấp và cho hạt gạo rất ngon. Tôi cho rằng nên khuyến khích nuôi tôm ở vùng này.

Việc chuyển đổi, tái cơ cấu này, nông dân không tự làm được mà phải có sự hỗ trợ từ nhà nước. Nhà nước phải tổ chức lại nông nghiệp. Nếu nông dân tự phát sẽ không bền vững. Như hiện nay một số nông dân đào ao nuôi tôm một cách đơn lẻ hoặc không có quy hoạch, nước lấy vào thải ra không đúng nơi khiến nhiều lần dịch tôm bùng phát. Nhà nước cần quy hoạch vùng chuyên canh nuôi tôm bền vững giúp nông dân.

Có nên cố cứu cây lúa? Từ việc hỗ trợ bằng tiền đến đầu tư xây dựng đê, kênh ngăn mặn với kinh phí khủng. Nhưng lúa vẫn thất mùa như thường vì không thể ngăn xâm nhập mặn toàn bộ hệ thống sông, kênh rạch dày đặc. Nếu nhà nước không đủ kinh phí xây dựng vùng chuyên canh thì có thể kêu gọi xã hội hóa.

Đã tới “mùa xuân” nông nghiệp 4.0?

Giáo sư nhận xét gì về chính sách khuyến khích nông nghiệp 4.0 hiện nay?

- Biến đổi khí hậu buộc phải thay đổi phương thức sản xuất. Nhà nước khuyến khích hướng đến nông nghiệp 4.0. Một mặt phải chống biến đổi khí hậu, một mặt áp dụng nông nghiệp tiên tiến. Tôi trăn trở câu chuyện liệu áp dụng ở ĐBSCL có phù hợp, có khả thi?

Chi phí đầu tư cho nông nghiệp 4.0 là rất lớn, trong khi nông dân đa số là nghèo. Một cá nhân hoặc tổ chức xây dựng trang trại lớn, họ áp dụng nông nghiệp 4.0 sẽ đỡ chi phí thuê nhân công hơn. Còn nông dân đơn lẻ, không thể áp dụng được.

Nông nghiệp 4.0 cực kỳ tốt vì hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, giúp cải tạo thiên nhiên, không gây biến đổi khí hậu. Ở các nước tiên tiến, ví dụ như Hà Lan, tỷ lệ nông dân chỉ có 2,7% nên buộc lòng họ phải có nông nghiệp tiên tiến vì thiếu nhân công, thiếu người làm. Ở mình ngược lại, 75% là nông dân. Nếu áp dụng nông nghiệp 4.0 rộng rãi thì gây ra áp lực thất nghiệp. Chưa kể mỗi nhà có diện tích đất nông nghiệp nhỏ, nông nghiệp 4.0 kiểu gì?

Vậy theo GS, có cách nào “gỡ rối” vấn đề đó để dung hòa được các yếu tố?

- Nói nông nghiệp 4.0, nhưng bón phân thông minh, vi sinh hay sản xuất một loại giống nào đó theo hướng công nghệ cũng là 4.0 rồi. Tôi cho rằng không cần cứng nhắc nông nghiệp 4.0. Cái chúng ta cần làm là tạo ra vùng chuyên canh, áp dụng kỹ thuật để làm ra nông sản sạch, vừa an toàn cho người, cho thiên nhiên, vừa có thể xuất khẩu.

Muốn có nông nghiệp 4.0, nhà nước cần tổ chức lại nông dân theo hình thức tổ sản xuất, hợp tác xã. Ví dụ như trồng khoai tây. Nông dân không thể tự để giống từ mùa trước. Mà một mình họ cũng không thể sản xuất ra giống sạch, đủ sức đề kháng. Điều này cần có tập thể. Tập thể có sự liên kết về giống, ngày xuống giống, ngày thu hoạch. Như vậy, nông nghiệp 4.0 sẽ cần có sự liên kết nông dân.

Tôi xin nhấn mạnh, nông dân ĐBSCL phải tự thích ứng với biến đổi khí hậu, không thể chống lại được thiên nhiên. Chúng ta đừng bắt nông dân theo hướng nông nghiệp 4.0 vì chưa phù hợp với tri thức, với hoàn cảnh. Chúng ta nên học hỏi có lựa chọn cho phù hợp với điều kiện của chúng ta.

Xin cảm ơn GS!

Đọc thêm