Việc xử lý các vi phạm chưa được giải quyết triệt để bởi vẫn còn thiếu những hướng dẫn cụ thể quy định về điều kiện sản xuất phân bón hợp chuẩn. Hội thảo về thực hiện Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón được tổ chức mới đây cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Thật - giả lẫn lộn
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình trạng phân bón kém chất lượng, phân bón giả, phân bón nhái nhãn mác thật sự là thách thức đối với ngành sản xuất phân bón và gây nhiều bức xúc cho người dân. Trong năm 2013 có 100 cơ sở và trên 40 công ty sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.
Chỉ tính riêng theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương năm 2013, qua kiểm tra hơn 5.372 vụ, có hơn 1.390 vụ vi phạm phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Quý I/2014, Cục Quản lý thị trường cũng phát hiện, xử phạt 88 vụ vi phạm.
“Phân bón là loại dễ làm giả nhất vì chỉ cần với công nghệ bằng cuốc xẻng, máy trộn bê tông, có nơi còn lấy đất pha bột gạch, bột đá trộn làm phân bón để hốt tiền của nông dân” - ông Nguyễn Hạc Thúy nói.
Theo ông Thúy, lâu nay việc kiểm tra mới chỉ tập trung vào điều kiện kinh doanh của các cơ sở sản xuất phân bón, nguồn gốc của các phân bón nhập khẩu chứ chưa đi sâu vào việc kiểm tra chất lượng mặt hàng này trước khi lưu thông nên vẫn còn một lượng hàng lớn bị thả nổi về chất lượng.
Ông Nguyễn Khang, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang cho biết, hàng năm công ty cung ứng hơn 120.000 tấn phân bón các loại ra thị trường, trong đó chủ yếu như phân đạm Lâm Thao, Cà Mau. Nhưng vấn đề hàng giả công ty không sợ bởi vẫn thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, ông Khang cho rằng đáng lo ngại nhất hiện nay lại là hàng thật nhưng chất lượng thấp.
“Điều này còn nguy hiểm hơn cả hàng giả, bởi hàng giả do pha trộn vẫn có thể còn 50% là hàng thật, còn hàng thật kém chất lượng thì các chỉ số hàm lượng NPK chỉ bằng 1/10 so với hàm lượng ghi trên vỏ bao. Do lợi nhuận cao nên có nhiều cơ sở bất chấp tất cả để kiếm lời. Bao bì nhãn mác ghi sao thì phải đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng như vậy chứ” - ông Khang bức xúc.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, nông dân ở tỉnh Sóc Trăng rất khó phân biệt được bằng mắt thường phân bón giả, phân bón kém chất lượng và họ cũng không thể phân biệt được những nơi sản xuất gian dối.
“Trên các phương tiện truyền thông, chúng tôi thấy tất cả các sản phẩm đều được cho là “siêu này siêu nọ” và cứ thế mua chứ thực chất không biết chất lượng thế nào. Vấn đề là các cơ quan chức năng cần đi đầu hướng dẫn, thông tin để người nông dân làm theo” - ông Quang chia sẻ.
Cần chế tài đủ mạnh
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, Nghị định 202 của Chính phủ có hiệu lực từ đầu năm 2014 được đánh giá là có nhiều điểm mới so với các Nghị định cũ về quản lý phân bón và được mong đợi sẽ tạo đột phá trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
“Với các quy định mới này, điều quan trọng là sản xuất phân bón đã trở thành ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện thay vì thả nổi như trước đây. Việc quy định các điều kiện là rất cần thiết, đặc biệt là đối với phân bón hữu cơ. Sản phẩm phân bón phải là kết quả của cả một công trình nghiên cứu, do đó cần phải ban hành quy chuẩn kỹ thuật để cấp phép” - Thứ trưởng nói.
Ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Thế giới đánh giá, Nghị định 202 đã quy định rất chặt chẽ các điều kiện về sản xuất, kinh doanh và cả nhập khẩu. Tuy nhiên, để triển khai Nghị định có hiệu quả thì công tác hậu kiểm đóng vai trò rất quan trọng. Theo ông Dương, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đều mong muốn các cơ quan chức năng làm thật chặt công tác hậu kiểm để lập lại trật tự trên thị trường kinh doanh phân bón.
Với việc hiện đa số nông dân chưa được trang bị kiến thức phân biệt chất lượng phân bón, ông Dương cho rằng cần có chế tài đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh để họ không chỉ biết đưa sản phẩm ra thị trường, quảng cáo sản phẩm mà phải có trách nhiệm tổ chức đào tạo, trang bị kiến thức cho nông dân.
“Nếu nông dân được trang bị kiến thức và nhận biết được tầm quan trọng của phân bón thật - giả thì “nó” sẽ không có đất sống. Hơn nữa, với việc cần có những quy định chứng nhận hợp quy chuẩn trong sản xuất phân bón thì cũng là cơ hội cho các cơ sở kinh doanh phân bón chân chính tập trung đầu tư sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản thay vì sẽ phải chịu những hệ lụy từ các thị trường dễ tính như hiện nay” - ông Dương nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, vướng mắc hiện nay là vẫn chưa có hai Thông tư hướng dẫn cụ thể các quy định về điều kiện sản xuất phân bón và các loại phân bón phải công bố hợp quy, hợp chuẩn theo Nghị định 202. Chính điều này khiến việc xử lý các vi phạm phân bón giả, phân bón kém chất lượng còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu căn cứ xác định phân bón đạt chất lượng với phân bón không đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp chưa quy định thẩm quyền của quản lý thị trường nên chưa có thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng, quá thời hạn sử dụng…
Để nhanh chóng giải quyết những bất cập này, tại hội thảo nói trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm nhất trong tháng 7/2014 phải hoàn thiện, bổ sung hai Thông tư hướng dẫn về phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ để làm cơ sở pháp lý thực hiện Nghị định 202.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát về thẩm quyền của các đơn vị xử lý vi phạm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới quyền lớn nhất là rút giấy phép kinh doanh của các cơ sở vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường phải coi việc chống kinh doanh sản xuất phân bón giả là nhiệm vụ quan trọng và phải làm quyết liệt, không để tình trạng nhà sản xuất bán ra rồi để mặc các đại lý muốn làm gì thì làm.