Nông dân miền Tây ưa dùng thiết bị bay trong sản xuất nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm gần đây, nông dân huyện Tam Nông, Đồng Tháp đã dùng các trang thiết bị, máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả rất đáng kể. Nổi bật là việc ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trị bệnh cho lúa.
Người dân dùng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trị sâu bệnh hại lúa.
Người dân dùng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trị sâu bệnh hại lúa.

Dùng rất tiện và lợi nhiều mặt

Anh Đặng Minh Vương ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông, Đồng Tháp canh tác 30 ha lúa, rất hài lòng khi thuê máy bay phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa của Công ty CP Nông nghiệp Chính Xác Ma Pa.

Anh Vương cho biết: “Từ khi có thiết bị bay phun thuốc của Công ty này, bà con rất phấn khởi. Bởi tính ra, giá thành rẻ và phun nhanh hơn so với mình mướn phun bằng thủ công. Phun bằng thiết bị bay không phải lội vào ruộng, giẫm đạp lên lúa… Hiệu quả và lợi ích lắm”.

Ông Nguyễn Văn Phương ở ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông canh tác 40 ha ruộng, vừa sạ lúa hè thu 2022 được 1 tuần tuổi. Ông Phương thuê “đội bay” của Công ty Chính Xác Ma Pa để phun thuốc diệt mầm. Chỉ trong buổi sáng, đội bay đã phun thuốc diệt mầm xong.

Theo ông Phương: Vụ hè thu năm 2022 này là vụ thứ 6 ông áp dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trị sâu bệnh hại lúa. Ban đầu, sử dụng thiết bị bay dịch vụ chỉ có 10 lít nước để phun. Còn bây giờ, thiết bị bay đã tăng dung tích lên 20 lít và chịu tải trọng đến 52 kg. Từ đó, chỉ từ 7 giờ sáng đến khoảng 12 giờ trưa là đã phun xong 400 công ruộng lúa của ông. Thiết bị bay này vừa phun nhanh, đều vừa chính xác mà giá thành lại rẻ, chỉ tốn từ 130.000 - 160.000 đồng/lần phun thuốc cho 1 ha. Tiết kiệm chi phí lên đến 6 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Nguyễn Văn Phương thuê “đội bay” phun thuốc bảo vệ thực vật để tiết kiệm chi phí.

Ông Nguyễn Văn Phương thuê “đội bay” phun thuốc bảo vệ thực vật để tiết kiệm chi phí.

Ông Phương vui vẻ chia sẻ: “Hồi đó, tui mần có 3 mẫu ruộng, xịt thuốc bảo vệ thực vật bằng tay truyền thống, tốn nhiều thời gian, công sức lắm. Bây giờ, nhờ có thiết bị bay này, tôi mới khỏe re như vầy. Làm ruộng nhiều mà xịt tay đâu có nổi. Vả lại, bây giờ mướn không có lao động. Thiết bị bay này làm khỏe, mấy anh em trong đội bay pha thuốc có kỹ thuật nên đều lắm. Mỗi mẫu sử dụng bao nhiêu chai thuốc là các em nó chia đều ra phun.

Nhờ có thiết bị bay nên không có hại cho sức khỏe nữa; giá thuê rẻ, lượng thuốc giảm được 2 bịch so với mướn phun bằng tay... Tóm lại, sử dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật rất tiện và lợi nhiều mặt”.

Thiết bị bay đang phun thuốc.

Thiết bị bay đang phun thuốc.

Sẽ nhân rộng, ứng dụng vào nhiều công đoạn khác

Theo cán bộ ứng dụng thiết bị bay, một thiết bị bay có thể phun 60 ha/ngày, mỗi lần bay phun 20 lít thuốc/10.000 m² ruộng lúa, tốn 10 phút, nhanh hơn 15 lần so với phun thuốc truyền thống. Hiệu quả trị bệnh tối ưu, giảm lượng thuốc sử dụng, tránh tồn dư hóa chất trên sản phẩm lúa sau thu hoạch, không giẫm đạp lúa trong quá trình phun nên tăng thêm sản lượng lúa và hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất.

Anh Nguyễn Hào Quí, Công ty CP Nông nghiệp Chính Xác Ma Pa ở ấp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, Đồng Tháp bày tỏ: “Lúc đầu, khi mang máy bay ra thì người dân không chịu phun vì nghi ngờ tính hiệu quả. Mình bắt đầu tiếp cận dần, phun thử cho người ta. Sau đó, người ta chịu và tin tưởng thuê thiết bị bay của mình, phun từ đầu vụ đến cuối vụ luôn”.

Qua thời gian, nhiều nông dân đánh giá cao hiệu quả việc ứng dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa là vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm lượng nhân công vừa bảo vệ môi trường, tăng lợi nhuận cho nông dân và tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với công nghệ mới trong sản xuất lúa… Từ đó, nhiều nông dân trong huyện Tam Nông đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua thiết bị bay về phun thuốc cho ruộng mình và làm dịch vụ cho những chủ ruộng lân cận.

Cụ thể, năm 2020, ông Nguyễn Văn Hồng ở ấp 5, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông đầu tư gần 600 triệu đồng để mua thiết bị bay về phun thuốc cho 40 ha ruộng lúa nhà. Sử dụng có hiệu quả, ông Hồng tiếp tục đầu tư hơn nửa tỉ đồng mua thêm một thiết bị bay phun thuốc nữa để làm dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Hồng không ngần ngại cho biết: “Nhìn chung, đầu tư thiết bị bay trị giá gần 600 triệu cũng lớn nhưng qua thời gian phục vụ cho ruộng lúa của mình, mình thấy hiệu quả, chỉ sau một năm là lấy lại vốn rồi. Thiết bị bay giờ vẫn còn hoạt động, chỉ trừ hao hụt để trạm bảo hành sửa chữa, hiện giờ mình vẫn bay bình thường. Sắp tới, mình tính đầu tư mua thêm 1 máy phun phân, phun giống lúa luôn cho tiện, vì công lao động ít, mình phục vụ cho lúa nhà mình, hiệu quả thì mình phục vụ bà con lân cận…”.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông, với 65.000 ha đất canh tác trong năm, số thiết bị bay không người lái chỉ phục vụ có hơn 51% diện tích mà nông dân tiếp cận được. Nông dân không tiếp xúc trực tiếp với thuốc, số lần phun thuốc cũng giảm từ 2 đến 3 cử, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận đáng kể cho nông dân…

“Chúng tôi xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, là thị trường tiềm năng. Trong thời đại công nghệ 4.0, làm sao ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào đồng ruộng để xóa bỏ tập quán sản xuất lúa lạc hậu của người nông dân bao đời nay là nhiệm vụ quan trọng.

Phòng Nông nghiệp huyện sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục vận động nông dân sử dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trị bệnh cho lúa, để giảm chi phí. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai một mô hình nữa là vẫn sử dụng thiết bị bay nhưng sử dụng luôn cho sạ lúa phun phân, kết hợp bảo vệ thực vật, giảm chi phí sâu hơn trong nông nghiệp - nhất là giảm được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để tạo ra sản phẩm an toàn” - ông Lưu Văn Tiến, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp).

Đọc thêm