Nộp lại tiền thu lợi bất chính có phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Trong nhiều vụ án hình sự, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 (trước đây là điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS 1999) có cách hiểu và áp dụng không thống nhất.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Có trường hợp cho rằng, người có hành vi phạm tội nộp lại số tiền do phạm tội mà có là “tự nguyện sửa chữa”, “khắc phục hậu quả”... Từ đó, thực tế đã có trường hợp áp dụng không đúng quy định của luật. Vì vậy, TAND Tối cao đã công bố Án lệ số 48/2021/AL để thống nhất áp dụng pháp luật trong hệ thống TAND.

Theo đó, Án lệ số 48/2021/AL được lựa chọn dựa trên Quyết định giám đốc thẩm số 03/2020/HS-GĐT ngày 22/4/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về vụ án “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc”, được HĐTP TAND Tối cao lựa chọn và Chánh án TAND Tối cao công bố.

Tình tiết của vụ án:

Ngày 20/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh T phát hiện và bắt giữ một số đối tượng có hành vi tổ chức đánh bạc trái phép qua mạng Internet có quy mô lớn và nhiều đối tượng tham gia. Phương thức thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc của nhóm đối tượng này là nhận tài khoản cá cược trên trang IBET, đem về chia thành nhiều tài khoản cấp dưới rồi giao cho các đối tượng cấp dưới để tổ chức đánh bạc, đánh bạc hoặc trực tiếp giao cho người đánh bạc trái phép qua mạng Internet. Qua thực hiện các hành vi nêu trên, các đối tượng Hồ Công Nhật Q, Hồ Viết H, Nguyễn Mộng V đã thu lợi bất chính với số tiền lớn. Quá trình giải quyết vụ án, các bị cáo đã tự nguyện nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

Quyết định của Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm:

Cùng với các căn cứ pháp lý khác, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều căn cứ tình tiết “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 (nay là điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS 2015) để quyết định hình phạt với các bị cáo.

Sau đó, cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều bị đề nghị hủy theo Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND Tối cao.

Nhận định của Tòa án giám đốc thẩm thành án lệ:

[3] Khi xét xử vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 đối với các bị cáo trên là không chính xác, vì việc nộp lại tiền thu lợi bất chính không phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 mà là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 46 BLHS 1999...

[4] Tòa án cấp phúc thẩm không phát hiện ra sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm, quá nhấn mạnh một số tình tiết giảm nhẹ đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét áp dụng như việc các bị cáo nộp lại số tiền thu lợi bất chính, là lao động chính trong gia đình, con còn nhỏ; tại cấp phúc thẩm có thêm tình tiết như các bị cáo đã nộp đủ tiền phạt bổ sung, bị cáo Q còn nộp đủ tiền thu lợi bất chính, bố Q có công sức đóng góp tại địa phương là tình tiết giảm nhẹ mới không đáng kể, từ đó giảm hình phạt cho các bị cáo... là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, không tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội và vai trò của các bị cáo trong vụ án, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng chống đối với loại tội phạm này....

Như vậy, Án lệ đã nêu tình huống án lệ là: Bị can, bị cáo nộp lại tiền thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội và giải pháp pháp lý đưa ra là: Trường hợp này, Tòa án phải xác định bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 46 BLHS 1999 (tương ứng với khoản 2 Điều 51 BLHS 2015).

Đọc thêm