Trống” văn hóa, “nghèo” cái ăn và “trắng” dịch vụ HIV/AIDS…
Trải qua con đường gập ghềnh dốc đá, chúng tôi đến với gia đình anh Lò Văn Sâm (sinh năm 1984) bản Co Đức. Vừa thoát nghèo năm ngoái nhưng cả nhà anh Sâm không có nổi cái ti vi để xem vì thế cả gia đình anh gần như “mù” thông tin về mọi mặt.
Cũng vì cái nghèo, cái đói luôn bủa vây nên hết bệnh này, tật nọ kéo đến hành hạ vợ chồng anh. Bản thân anh thì mắc phải căn bệnh: “Nếu không uống thuốc thì chết”, còn vợ anh bị đau dạ dày kinh niên từ nhỏ, mấy đứa nhỏ thì ho, sốt thường xuyên…
Nhiều lúc cũng muốn thoát ra khỏi cảnh đó nhưng ở mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này, biết xoay sở bằng cách nào. Và cứ thế, nghèo đói kéo theo bệnh tật, rồi bệnh tật lại kéo con người ta vào nghèo đói, để rồi cái vòng luẩn quẩn ấy cứ vòng vo mãi trong cuộc đời họ…
Qua câu chuyện rời rạc, chắp vá lại từ người đàn ông bất hạnh này, chúng tôi được biết, bản thân Sâm cũng không biết mình nghiện ma túy từ bao giờ, chỉ biết anh thường xuyên chích chung với đám bạn trong bản và ngôi nhà của gia đình anh cũng hoang tàn hơn, các con anh phải chịu cái đói, cái rét cũng một phần vì cái sự nghiện ngập này.
Rồi một ngày anh thấy sức khỏe suy sụp, cái bụng thì không muốn ăn, cái chân không muốn bước… nên mới đến trạm y tế khám sức khỏe, rồi được giới thiệu xuống huyện xét nghiệm và phát hiện bị nhiễm HIV. Hỏi về bệnh tật của mình, Sâm chỉ biết đó là căn bệnh rất nguy hiểm, không có thuốc thì chết chứ không biết cụ thể nó là bệnh gì, lây lan như thế nào.
Sau khi được điều trị thuốc ARV, sức khỏe của Sâm đã hồi phục trở lại nên tinh thần cũng có phần thoải mái hơn. Nói về mơ ước của mình, anh bày tỏ mong muốn: Có một thằng con để “nối dõi tông đường” vì hiện tại anh có tới ba cô con gái (đứa lớn nhất học lớp hai, đứa nhỏ học mẫu giáo bé).
Khi chúng tôi hỏi: “Đẻ con anh không sợ lây bệnh cho vợ và con à?”. Đáp lại câu hỏi của chúng tôi chỉ là sự im lặng… Cách ứng xử vụng về và sự ngây ngô của anh cho chúng tôi thấy anh gần như không biết gì về căn bệnh HIV cũng như những hậu quả mà nó có thể mang lại cho vợ con…
Rời căn nhà tồi tàn, nghèo nàn, xiêu vẹo như muốn đổ của gia đình anh Sâm, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lò Thị San (sinh năm 1983), chỉ cách đó khoảng chục nóc nhà. Ánh nắng ban trưa dù có chói chang đến mấy vẫn không đủ để xua đi cái giá lạnh trong ngôi nhà tối tăm và ẩm thấp.
|
Mẹ con chị Lò Thị San trong căn nhà trống trải, hoang lạnh |
San là con thứ ba trong một gia đình có 6 người con. Cũng vì cái nghèo, cái đói luôn bám riết, cha San thường xuyên rượu chè rồi đánh đập, hành hạ vợ con. Cho đến khi túng quẫn quá ông đã ăn lá ngón tự tử. Từ ngày cha chết, mẹ con San đỡ khổ hơn nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Sau khi cha chết, mẹ con San từ bản nghèo xã Pa Han, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên kéo nhau lên Mường Chà sinh cơ, lập nghiệp, những mong cuộc sống sẽ khấm khá hơn.
Nhưng cuộc đời đã không cho cô gái Khơ Mú được nhìn thấy mặt trời. Đến tuổi lấy chồng San bén duyên với một chàng trai cùng bản mà không hề biết rằng anh ta đã nghiện hút từ lâu. Vì nghiện hút, suốt ngày chồng San vùi đầu bên bàn đèn, không chịu làm ăn. Những đồng tiền ít ỏi tích góp được từ việc bốc vác thuê, cấy gặt, làm cao su, làm nương thuê… của vợ cũng bị gã đàn ông này “nướng” vào ma túy. Và đau đớn nào hơn khi anh ta “rước” cả căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS về cho vợ…
Trong trí óc đầy non nớt của một người đàn bà “không biết nửa con chữ là gì”, San không biết ma túy là gì, càng không thể hiểu về căn bệnh thế kỷ - đang là mối đe dọa đối với toàn nhân loại. San cho biết, khi biết mình có thai chị đã đến trạm y tế xã để khám. Tại đây các nhân viên y tế đã khuyên chị phá thai. Nhưng tiền không, phương tiện đi lại cũng không có nên người đàn bà này không thể làm theo lời khuyên của nhân viên y tế.
Cũng may, nhờ có sự tư vấn và giới thiệu của các cán bộ y tế xã, chị được điều trị ARV, nhưng từ bản đi bộ xuống tận huyện để lấy thuốc về uống là cả một vấn đề. Vì thế, chị San không thể đều đặn uống thuốc và mẹ con chị đã bị kháng thuốc. Nhìn người đàn bà tiều tụy, với khuôn mặt buồn bã, mệt mỏi và đứa trẻ 6 tuổi ốm yếu ngồi co ro trong căn nhà hoang lạnh mà chúng tôi không thể cầm lòng…
…Tại thời điểm chúng tôi đến thăm, người phụ nữ bụng mang, dạ chửa đáng thương này ngồi ôm con một mình bên đống lửa, còn chồng chị không biết đang phiêu bạt nơi nào. Ruộng nương không có lấy một sào, bản thân ốm yếu cũng không thể làm thuê, làm mướn nên chị chỉ còn biết ngồi nhà mong ông trời rủ lòng thương.
Thấy có khách đến nhà, bà Lò Thị Pầng – mẹ đẻ của chị San cũng bế cháu sang chơi. Những cũng như đa số người dân trong bản, bà không hề biết gì về căn bệnh hiểm nghèo của chị. Dù biết gia cảnh khốn khó của con nhưng người đàn bà nghèo khó đó đến bản thân mình còn không lo nổi, nói chi đến việc hỗ trợ con cháu.
Thằng bé con chị, dù đã học lớp 1 rồi nhưng chỉ như đứa trẻ lên ba đứng nép mình vào khe cửa vì từ ngày sinh ra đến giờ có lẽ chưa bao giờ nó thấy có nhiều khách đến chơi nhà mình như vậy. Chị San cho biết, bé Quàng Văn Thanh, con chị đi học chỉ để mang tiếng là đi học vì sắp qua học kỳ I rồi mà cháu còn chưa nhớ nổi bảng chữ cái và không đánh vần được chữ nào vì sức khỏe yếu và mắt bị biến chứng.
Mong lắm, bản nghèo ơi...!
Mang cái lạnh thấu xương và nỗi buồn miên man từ căn nhà của chị San và anh Sâm, chúng tôi về trụ sở Trạm Y tế xã Na Sang. Càng buồn hơn khi chị Vũ Thị Châu Lai, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Na Sang cho biết, đó chỉ là hai trong vô vàn cảnh ngộ tại địa phương. Là một xã đặc biệt khó khăn, có tới 50% người dân tộc Mông sinh sống chủ yếu tại các bản vùng cao nên dù có thương, có muốn giúp đỡ, các chị cũng “lực bất tòng tâm”.
Cũng vì các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS chưa phủ sóng đến xã vùng cao này nên hình hình địa phương vô cùng phức tạp. Bản thân người nhiễm HIV thì không được điều trị “đến nơi, đến chốn”, dẫn đến kháng thuốc; những người nghiện cũng không được quản lý và hỗ trợ nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn rất nhức nhối (trộm cắp, đánh lộn xảy ra thường xuyên; buôn bán ma túy cũng diễn biến vô cùng phức tạp…).
Trường hợp chị Lò Thị San và anh Lò Văn Sâm, các cán bộ xã đều biết nhưng chỉ dừng lại ở việc tư vấn và giới thiệu họ xuống huyện, tỉnh tiếp cận với các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS, can thiệp giảm tác hại của ma túy…
Nghe nói Chương trình điều trị 2.0 (chương trình hỗ trợ điều trị và dự phòng cho người nhiễm HIV/AIDS) đã đến với một số bản làng của Điện Biên, các cán bộ, nhân viên y tế địa phương mong ước chương trình này sẽ về với xã mình. Và đó cũng là mong muốn và hy vọng của chúng tôi khi đến thăm, chứng kiến những thân phận nghiệt ngã ở khu vực này. Mong rằng, trong lần có dịp trở lại Na Sang tất cả mọi thứ sẽ không nhuốm một màu u ám như thế!
Mường Chà - Điện Biên mùa Đông 2014.