NS Trần Tiến không hát nổi ca khúc viết về quê mình

(PLO) - “Anh có hai quê. Chẳng bao giờ anh hát nổi bài ca anh viết về quê mình. Cứ hát lại khóc”, đó là một trong những dòng ngẫu hứng Trần Tiến “tự khai” về mình trên blog Nguyễn Quang Lập.
 
NS Trần Tiến không hát nổi ca khúc viết về quê mình
Quê nhà tôi ơi
Trong trái tim của mỗi người xa xứ đều lưu giữ sâu sắc một hình ảnh thật thân thương về cây đa, bến nước. Và "Quê nhà" của nhạc sỹ Trần Tiến, một kẻ du ca, một người hát rong như tiếng lòng thổn thức đầy ám ảnh không chỉ về xứ Đoài mây trắng... 
Một miền quê có dòng Hát Môn, nơi Hai Bà Trưng từng gieo mình, có chùa Thầy nổi tiếng (Quốc Oai, Hà Tây) mà anh kể rằng: “Nơi quê anh, rải rác những dấu chân người Chàm cổ” - xứ Đoài. Còn vùng quê nữa “nơi tuổi thơ buồn của anh - Hà thành”…
Quê nhà tôi ơi, xứ Đoài xa vắng
Khói chiều mênh mông, sông Đà buông nắng
Nhớ thương làng quê, lũy tre bờ đê…
Không gian lãng đãng, khắc khoải và đầy ám ảnh ấy không chỉ là một khung cảnh rất riêng về quê nhà - xứ Đoài thương nhớ của nhạc sỹ, nhưng đó cũng lại là một hình ảnh rất chung của làng quê Bắc Bộ. Những ngôi làng nghèo khó ngày càng trở nên vắng vẻ vì các đứa con của làng được sinh ra, lớn lên rồi cứ thế rời làng mà bôn ba khắp xứ.
Ở làng quê, sau một ngày làm đồng vất vả thì những giây phút mà cả gia đình quây quần bên nhau cạnh bếp rạ nấu bữa cơm chiều thân thương tới nao lòng. Bầu trời phía trên làng khi ấy, nếu nhìn từ phía xa sẽ chỉ thấy một vùng khói trắng nghi ngút lan tỏa từ bếp mỗi nhà. Còn đám trẻ con thì lại kéo nhau ra bờ sông tắm mát, đùa nghịch dưới ánh nắng chiều tà. Và cả những cuộc chơi trò vui bên cạnh lũy tre hay cùng nhau thả diều trên bờ đê những chiều lộng gió nữa... Tất cả những khoảnh khắc ấy cứ dồn dập ập vào tim những đứa con xa quê, làm trái tim dường như muốn nghẹn thở vì nỗi nhớ. Và khi ấy, trong những giây phút day dứt nhất, buồn bã nhất, người ta lại thường nghĩ về mẹ.
Ước mơ trở về, nghe mẹ hiền ru bên thềm đá cũ.
Quê nhà tôi ơi, con đường qua ngõ
Bóng mẹ liêu xiêu trong chiều buông gió
Nếu như những ký ức chung chung về làng quê là điều đầu tiên mỗi người mang nặng trong thẳm sâu kí ức, thì mẹ là sự hiện hữu rõ nét và thương nhớ khôn nguôi. Những người mẹ ở làng quê xưa cũng như nay, là những người phụ nữ một đời tần tảo, gánh nhiều vất vả, tủi cực trên đôi vai gầy bé nhỏ. Việc nhà, việc làng, việc họ..., người mẹ là người phải quán xuyến, chạy ngược chạy xuôi tất tả chu toàn mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, dòng họ. Bất kể đó là những chiều mưa to, có gió có bão hay những đêm mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, mẹ vẫn phải ngược xuôi trên con đường làng, trên đồng ruộng.
Nhạc sỹ Trần Tiến chia sẻ: “Tôi lớn lên ở phố, nhưng mỗi lần về quê tôi thường như thấy bố mình ngày nhỏ. Những kỷ niệm đó như của chính mình. Ông tổ quê tôi người Chàm, ngày ấy dựng làng rồi bỏ lại người vợ người Mường để theo con gái xứ Kinh Bắc, nên bà buồn bã tự tử ở giếng làng. Từ khi bà tổ tự tử thì con gái quê tôi bỗng thay đổi. Đôi mắt Sơn Tây là để chỉ con gái xứ Đoài, mắt lá dăm, đắng cay một mí, khuôn mặt lạnh và buồn: “Mắt chiều che ngang, sương chiều hoang vắng. Mắt đen về đâu, mắt đen của tôi, mắt đen chờ ai, tháng ngày mỏi mòn, mối tình long đong”…
Ngày ấy, trong vườn mỗi người dân quê xứ Đoài đều có một vườn rau cải để mang vào kinh thành, rau dăm không ai ăn cả, ở lại buồn như hàng triệu đôi mắt nhớ thương. Buồn đăm đắm như đôi mắt người con gái Sơn Tây.
Câu chuyện đầu tiên Trần Tiến viết về quê nhà chỉ là huyền thoại, nhưng ở câu cuối cùng mới là ước mơ trong vắt của con người, sáng lên rồi lại buồn xa vắng khi ông dùng ca dao như tiếng nấc nghẹn ngào gói gọn một kiếp người…
Và những dòng chảy âm bản
Trần Tiến xa Hà Nội đã nửa đời người. Nhưng thường trực là những chuyến trở về, không chỉ trong đời thường mà cả trong âm nhạc. Những “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Ngẫu hứng phố”, “Mùa thu trắng”, “Hà Nội những năm 2000”... đều mang tới cho mỗi người cảm xúc về một Hà Nội xa vắng, có chút lấm bụi, có chút thân phận.
Đã có hàng ngàn ca khúc viết về Hà Nội, phần nhiều là vết dấu của những hào hoa. Nhưng Hà Nội trong âm nhạc của Trần Tiến lại rất khác, thật như là ta đang đi trên mảnh đất này, ngồi quán nước nhỏ của bà cụ già mặc áo bông, ủ một bắp ngô nướng buổi tối mùa đông, trò chuyện với một chú bé đánh giày... Trên những khuôn mặt người bình dị ấy, trong những khung cảnh bình dị ấy tỏa một mùi hương Hà Nội mà Trần Tiến gọi là vùng “âm bản”. Hà Nội trong ông đẹp vì vẻ lấp lánh của những vùng âm bản còn sót lại ấy, dù nó đang mất dần đi.
Trần Tiến nhè nhẹ hát “Phố nghèo”. Những câu thơ như cứa vào lòng người: “Hà Nội buồn thương nhớ ơi/ Nơi tôi qua ngày thơ ấu/ Một lần về thăm phố xưa/ Ngỡ như Hà Nội của ai/ Sao tôi cứ yêu Hà Nội xưa cũ/ Nghèo mà sang/ Sao tôi cứ yêu người yêu xưa cũ/ Buồn mà thương”.
Đối với nhạc sỹ Trần Tiến, khi sáng tác là khi trái tim ông hát lên điều gì chứ không có một bút pháp nào cụ thể. Trần Tiến nói: “Khi tôi viết một bài hát là viết về những kỷ niệm. Giống như người ta luôn nhung nhớ những mối tình cũ. Cái mùi của kỷ niệm, của người tình xưa ám ảnh vô cùng. Đối với tôi, đó là cái mùi nguyên chất Hà Nội, không pha tạp”.
Và Hà Nội thực sự của Trần Tiến là một tuổi thơ nghèo mà “cu Đểnh, đồi Nồng” (cách mẹ Trần Tiến gọi thân thương con trai) chỉ có chiếc áo bông sột soạt mẹ may bằng vải lính, bên trong không có bông, lót bằng giấy báo. Tuổi thơ của Trần Tiến là sự thèm thuồng “nhìn hau háu vào chiếc chảo lèng cố của ông Tàu áo đen, đang rán những vuông bánh nhỏ thơm phức, dụ trẻ con trước cổng trường”, là những ngày giúp mẹ giặt giũ giường chiếu, chăn màn cho cái nhà trọ phố ga rệp bám đầy.
Rồi Trần Tiến di cư vào Nam trong một chuyến lẽ ra để đến Tây Nguyên. Ngày đó, Đoàn Văn công Tây Nguyên mời nhạc sĩ vào sáng tác. Thương anh bạn thích ngao du là Nguyễn Cường, Trần Tiến rủ bạn theo. Nhưng theo lời nhạc sĩ Nguyễn Cường, đến Sài Gòn thì Trần Tiến giục bạn đi tiếp lên Tây Nguyên còn mình ở lại thành phố. Bởi khi ấy lại có một ngã rẽ: “Trong lúc đi thực tế, tôi nhận được thư mời vào Sài Gòn sống và sáng tác. Tôi đành phải chia tay giấc mơ viết về Tây Nguyên để đi tìm một cuộc sống hoàn toàn mới của cuộc đời mình”.
Và trên con đường xa vạn dặm ấy, chúng ta phải đi như một định mệnh. Mỗi lúc mỏi mệt và tạm dừng lại để nghỉ ngơi thì hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tâm trí chúng ta, không gì khác, đó chính là quê hương bản quán, là nơi mỗi người không quên những tháng ngày gian khó, những ám ảnh khôn nguôi về một nơi chốn trở về...