Sau 9 tháng bị bác sĩ "cắt nhầm" hai quả thận, bệnh nhân Hứa Cẩm Tú (SN 1975, ngụ ấp Thái Thịnh B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, Thành phố Cần Thơ) cũng đã được ghép lại thận thành công. Mạng sống dù được giữ, nhưng phía trước người phụ nữ này xuất hiện muôn vàn khó khăn.
Anh Trí đang chăm sóc vợ trong bệnh viện |
“Họa vô đơn chí”
Anh Nguyễn Thiện Trí (SN 1970), chồng chị Tú cho biết vào giữa tháng 11/2011, thấy vợ kêu đau râm ran ở vùng bụng, hai vợ chồng đưa nhau đến một bệnh viện tư nhân khám. Kết quả siêu âm cho thấy chị Tú bị sỏi thận độ 3, bác sĩ khuyên cần mổ sớm. Vài ngày sau, anh đưa vợ lên Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ xin làm phẫu thuật.
“Trước khi mổ, bác sĩ nói vợ tôi bị sạn thận, phải mổ nội soi để điều trị, trường hợp xấu nhất sẽ bị cắt một quả và người bệnh sẽ vẫn sống và sinh hoạt bình thường với một quả thận”, anh Trí nhớ lại. Thế nhưng, sau ca mổ hai ngày, khi đưa vợ đi siêu âm, mọi người mới tá hoả khi phát hiện trong bụng bệnh nhân không còn quả thận nào. “Ai cũng nghĩ không còn quả thận nào thì sẽ cầm chắc cái chết”, chồng chị Tú nói.
Trong ca mổ có "sự nhầm lẫn" “có một không hai” này, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về ê kíp ca mổ. Theo giải trình của các bác sĩ, ngoài nguyên nhân chủ quan, còn có nguyên nhân khách quan là bệnh nhân có thận hình móng ngựa, nhiều dây thần kinh chằng chịt giữa hai quả thận, trong quá trình mổ máu chảy nhiều và không thể cầm máu, bệnh nhân có thể chết trên bàn mổ.
Trong tình huống khẩn cấp, ê kíp phẫu thuật đã quyết định... cắt luôn quả thận còn lại để giữ tính mạng bệnh nhân, dù chưa thông báo cho người nhà và chưa xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo bệnh viện. Ban đầu để khắc phục hậu quả, bệnh viện cam kết sẽ hỗ trợ chạy thận miễn phí suốt đời cho bệnh nhân, mọi chi phí cho ca mổ sẽ được hoàn trả gia đình.
Mấy tháng sau đó, người phụ nữ không có thận phải sống nhờ máy hỗ trợ chạy thận. “Mỗi sáng thức dậy thấy vợ còn thở, tôi lại thở phào thế là cô ấy lại sống thêm được một ngày”, người chống nói.
Phương án 2 cuối cùng đã được chốt là Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ chuyển bệnh nhân Tú đi Bệnh viện Trung ương Huế điều trị, ghép lại thận do người nhà hiến tặng. Sau 10 lần phẫu thuật, đến nay chị Tú đã ổn định trở lại, vết mổ không bị nhiễm trùng, đã khô, không còn rối loạn đông máu. Ngày 5/9 vừa qua, bệnh nhân này được chuyển lại về điều trị tại bệnh viện Cần Thơ.
Hơn 9 tháng qua, người dõi theo từng bước chân của chị Tú chính là người chồng. Đã lâu lắm rồi anh không được giấc ngủ ngon vì cả ngày lo lắng, chăm chút cho chị từ giặt đồ đến ăn uống. Nhiều lúc ngồi chờ một mình ở ngoài phòng mổ, anh thiếp ngủ đi trên ghế đá, lâu lâu lại giật mình tỉnh giấc. Khuôn mặt vẫn còn hốc hác, người chồng cho biết: “Khi bác sĩ công bố ca mổ thành công tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Tối hôm đó, sau mấy tháng mất ngủ, có đêm thức trắng, tôi lần đầu mới được một giấc ngủ ngon”.
Khó khăn chực chờ
Cặp vợ chồng này sau hai năm yêu nhau, đã tổ chức đám cưới vào năm 1995. Đến nay họ có 3 người con trai, đứa lớn nhất năm nay lớp 10, đứa nhỏ nhất lớp 5. Trong ngôi nhà có 5 nhân khẩu, nhìn quanh chẳng thấy tài sản gì đáng giá đến dăm trăm ngàn. Không ruộng, không đầm, anh chị chỉ có căn nhà nhỏ xiêu vẹo ọp ẹp dựng trên khu đất vườn rộng hơn 100m2. Suốt nhiều năm nay, gia đình này đều thuộc diện nghèo của ấp.
Trước đây để kiếm sống, anh chồng chuyên nghề xe ôm, còn vợ đi bán hàng rong khắp thị trấn Thới Lai. Ba năm trước, xăng dầu tăng giá chóng mặt, bán hàng rong cũng bị cạnh tranh nhiều nên vợ chồng bàn với nhau cho thuê dài hạn một phần diện tích đất trước nhà lấy 30 triệu đồng. Từ số tiền này, anh chị đầu tư mua một cái khuôn để làm chậu cây kiểng, ngày đêm miệt mài nặn chậu kiếm tiền.
“Hai người làm việc cật lực cả tháng cũng kiếm được khoảng 6 triệu đồng, đủ tiền đong gạo và cho con đi học. Nhưng từ ngày vợ tôi bị cắt nhầm thận, nguồn thu ấy cũng chẳng còn”, anh Trí nói.
Sau 9 tháng chăm vợ, nay quay trở về nhà, căn nhà vốn đã đơn sơ, nay thành tan hoang. Bao nhiêu chậu cây kiểng đều đã được bán tống bán tháo lấy tiền chi phí. Đến đàn gà con mới nở cũng bị kẻ xấu ăn trộm không sót một con, đàn chim bồ câu anh chồng nuôi trong lồng sau nhà cũng bị trộm "quơ" nốt. May mắn là cái khuôn để làm chậu kiểng là chưa bị mất, dù sau 9 tháng không được chạy, mô tơ nay chập mạch chạy “cà rịch cà tang”.
Ngồi ôm chiếc khuôn, anh chồng thẫn thờ không biết thời gian tới còn đủ sức theo nghề nữa hay không: Các mối làm ăn đều đã mất, hơn nữa trước đây còn có vợ phụ giúp thì nay mỗi anh là lao động chính. “Chưa biết tôi sẽ phải xoay xở thế nào”, người đàn ông dáng gày gò lo lắng.
Người vợ sau thời gian phẫu thuật ở Huế, nay vẫn đang tạm thời được xếp phòng điều trị ở bệnh viện Cần Thơ, chưa thể về nhà vì cần phải ở nơi vô trùng, tránh trường hợp vết mổ bị nhiễm trùng qua đường hô hấp. Một khó khăn nữa nảy ra từ chuyện này, đó là căn nhà tồi tàn của anh chị có thể là “sát thủ” khiến chị phải quay lại viện nhiều lần nữa. Trong căn nhà rộng khoảng 40m2 thấp lè tè lợp mái tôn, không khí nóng ngột ngạt, bụi bay mù mịt vào ngày nắng; còn những ngày mưa thì mái nhà dột tứ tung.
Người chồng thẫn thờ: “Cháy nhà thì còn có thể xây lại, mất của thì có thể mua lại, chứ mất sức khoẻ như vợ tôi thì không bao giờ lấy lại được”. Qua tìm hiểu cũng như thông tin từ bác sĩ, vợ chồng anh biết được những người ghép lại thận thường chỉ có thể kéo dài tuổi thọ trong quãng thời gian trên dưới 10 năm.
“Biết được điều này vợ tôi buồn lắm, nhưng tôi an ủi là giờ y học đã phát triển rồi, chắc chắn sẽ có cách điều trị tốt để kéo dài tuổi thọ. Vợ tôi chỉ biết ngậm cười và nghĩ đến các con”, anh chồng cười mà miệng như méo xệch.
Mọi tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ gia đình bệnh nhân Hứa Cẩm Tú, vui lòng liên hệ trực tiếp với người chồng, anh Nguyễn Thiện Trí qua số điện thoại: 0128.577.6253. |
Minh Hữu